Categories: Xã luậnBlog

Đánh giá một nhà khoa học qua những thước đo nào?

Việc đánh giá uy tín của nhà khoa học đang dần trở thành một đề tài báo chí. Có quá nhiều người hoặc báo chí phong tặng, hoặc tự xưng là “chuyên gia hàng đầu”, là “tầm cỡ quốc tế”, nhưng trong thực tế thì không phải như thế. Bài này trình bày một số thước đo để bạn đọc có thể “đề kháng” trước những lời tâng bốc quá đáng.

Nhà khoa học Albert Einstein (Hình ảnh dẫn qua inkedin.com)

Đối với người ngoài khoa học, đây là vấn đề hơi khó, vì không am hiểu “luật chơi” trong khoa học. Không chỉ người ngoài cuộc, mà ngay cả không ít người trong giới khoa học ở Việt Nam người ta cũng không hiểu luật chơi. Vấn đề này trở nên thời sự khi có nhiều nhà khoa học được báo chí ca tụng như là những bậc thầy tầm cỡ quốc tế, và làm cho công chúng tưởng rằng các nhà khoa học Việt Nam thật sự là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Nhưng rất tiếc đại đa số những ca tụng của báo chí Việt Nam không đúng với thực tế.

Dư luận thường hay bị những danh xưng như PGS, GS, TS, TSKH, và những chức danh chủ tịch hội này, hội kia, v.v. làm lu mờ phán xét. Vậy cách đánh giá nhà khoa học chính xác là gì? Chắc chắn không phải dựa vào những văn bằng tiến sĩ (vì tiến sĩ ở Việt Nam nhiều quá và rất nhiều không đúng với thực lực). Càng không thể dựa vào chức danh vì quy trình và tiêu chuẩn phong cũng còn nhiều vấn đề cần bàn (nói như ông cựu chủ tịch chức danh giáo sư nhà nước, đa số giáo sư Việt Nam không xứng tầm quốc tế). Càng khó dựa vào chức danh trong các hiệp hội vì những chức danh đó có yếu tố chính trị, mà chính trị thì không công bằng và không khách quan.

Trong bài này tôi trình bày vài “thước đo” để bạn đọc có thể sử dụng trong thực tế. Đây là những thước đo mà giới khoa học thường sử dụng, nhất là trong các ngành khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên. Những thước đo này chủ yếu liên quan đến nghiên cứu, hội nghị, và phục vụ cho chuyên ngành.

Trước hết là phải xem qua những công trình nghiên cứu. Nhà khoa học làm nghiên cứu, và thành tựu của họ thường được thể hiện qua những công trình nghiên cứu. Nhà khoa học thật sự thường công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế có bình duyệt, và đó chính là thành quả của họ, và họ được đồng nghiệp đánh giá qua đó. Dĩ nhiên, ở Việt Nam thì cần phải xem xét đến tên tác giả nằm ở đâu trong bài báo. Nên nhớ rằng rất nhiều (có thể 80%) bài báo y khoa từ Việt Nam các tác giả Việt Nam chỉ là “foot soldier” (lính đánh bộ) cho một nhóm ngoại quốc.

Tình hình ở Việt Nam đòi hỏi người đánh giá phải cẩn thận để phân biệt tập san có uy tín và tập san “dỏm”. Ngày nay, có rất nhiều tập san đều mang danh là “International Journal” hay “World Journal” nhưng thật ra là những “ổ thương mại làm tiền”. Những tập san này thường xuất hiện dưới danh nghĩa tập san Mở (Open Access), và nhà khoa học [ngây thơ] nộp bài cho họ, chỉ cần 1-2 ngày sau họ báo là được chấp nhận và nhà khoa học trả 500-1000 USD. Nhưng các bài trên những tập san này không bao giờ được đồng nghiệp công nhận.

Cần phải nhấn mạnh rằng không phải tập san Mở nào cũng dỏm. Có nhiều tập san Mở (như nhóm PLoS và BMC) có uy tín cao trong chuyên ngành, không hề kém chút nào so với những tập san truyền thống. Cũng cần phải bác bỏ những ý kiến cho rằng tập san lấy ấn phí là tập san không có uy tín. Nhiều tập san Mở có uy tín đều lấy ấn phí (nhưng miễn phí cho các nước nghèo).

Ở Việt Nam còn có vấn đề nhập nhằng do người ta không am hiểu quy ước trong khoa học. Nhiều bác sĩ nghĩ rằng những báo cáo trong hội nghị quốc tế là “công bố quốc tế”. Thực tế không phải vậy, vì các báo cáo trong hội nghị y khoa thường không qua bình duyệt (peer review) và do đó chẳng có giá trị khoa học; chỉ khi nào những dữ liệu đó được công bố trên một tập san thì mới được xem là “công bố quốc tế”. Tuy nhiên, trong ngành khoa học máy tính, bài báo cáo trong các hội nghị lớn và có uy tín có thể xem là bài báo khoa học.

Nhưng cũng như bất cứ lĩnh vực nào, người ta phân biệt giữa số lượng và chất lượng. Cách đánh giá chất lượng tốt nhất là đọc bài báo và đánh giá. Nhưng không ai ngoài ngành có thì giờ để đọc tất cả những bài báo, nên người ta phải dùng các chỉ số khác. Những chỉ số quan trọng là chỉ số tác động (impact factor – IF) của tập san, số lần bài báo được trích dẫn sau khi công bố (citation), và có lẽ quan trọng nhất là chỉ số H.

Trong mỗi chuyên ngành, tập san có IF càng cao thì bài báo trong đó thường là được chọn lọc gắt gao và có chất lượng cao. Tập san trong chuyên ngành phẫu thuật các tập san như Annals of Surgery (IF 7.9), Endoscopy (5.5), British Journal of Surgery (4.1), v.v. có thể xem là “hàng đầu”. Nhưng công bố trên những tập san đó cũng chỉ mới là chuyên ngành. Một nhà khoa học tầm cỡ phải vượt ra khỏi chuyên ngành và ra “biển lớn”. Các tập san biển lớn phải kể đến New England Journal of Medicine (IF 51), Lancet (36), JAMA (30). Rất rất rất rất ít bác sĩ VN một cách độc lập có khả năng công bố trên các tập san hàng đầu trong ngành surgery và tập san “biển lớn”.

Nhưng IF chỉ phản ảnh uy tín của tập san, chứ không phản ảnh chất lượng bài báo/công trình nghiên cứu. Cách đánh giá chính xác hơn là số lần trích dẫn. Đúng là những công trình công bố trên những tập san có IF cao thường có trích dẫn cao. Nhưng cũng có những công trình công bố trên các tập san có IF thấp mà có nhiều người trích dẫn thì vẫn được xem là có tác động & ảnh hưởng. (Dĩ nhiên, cũng có trường hợp người ta trích dẫn nhiều vì bài báo sai, nhưng trường hợp này rất rất hiếm).

Chỉ số H của một nhà khoa học được tính từ số công trình công bố và số lần trích dẫn. Ví dụ nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 8 có nghĩa là người có ít nhất là 8 công trình và mỗi công trình được trích dẫn 8 lần trở lên. Một nhà khoa học có thể có 100 bài, nhưng nếu chỉ số H = 5 thì có nghĩa là người đó chỉ có 5 bài được trích dẫn 5 lần trở lên, còn 95 bài kia được trích dẫn ít hơn 5 lần. Chỉ số H phụ thuộc vào chuyên ngành. Những ngành thực nghiệm thường có chỉ số H cao hơn ngành lí thuyết hay xã hội học. Một giáo sư y khoa ở Thái Lan thường có H index khoảng 15-20, nhưng ở Mĩ hay Úc thì phải cỡ 30 mới được hội đồng đề bạt xem xét.

Một tín hiệu về uy danh của nhà khoa học là được mời viết tổng quan (review). Review hay những chương sách là những bài được tập san mời viết. Những người được mời thường là chuyên gia sâu về một lĩnh vực hẹp nào đó, hay có những công trình gốc được đăng trên các tập san quan trọng. Do đó, được mời viết review là một tín hiệu của “recognition”. Ngược lại, một người có thể công bố hàng chục công trình nghiên cứu, nhưng nếu chưa được tập san nào mời viết review, thì đó là tín hiệu cho thấy người đó còn đang tập sự (có lẽ là postdoc), hoặc là công trình của người đó chẳng có gì mới, chẳng có ảnh hưởng nào đáng kể.

Nhà khoa học phải phục vụ cho chuyên ngành. Do đó, được mời phục vụ trong ban biên tập tập san khoa học và phục vụ trong các hiệp hội chuyên môn là một tín hiệu có thể tích cực. Tôi nói “có thể” vì khi dính dáng đến hội đoàn là dính dáng đến chính trị và phe phái. Có khi nhà khoa học rất giỏi nhưng vì cá tính hay vì khó khăn quá hay không theo phe nhóm nào, nên chẳng bao giờ được mời phục vụ. Tuy nhiên, được mời phục vụ trong ban biên tập của tập san là một tín hiệu rất tốt vì đó là do uy danh chứ không có yếu tố chính trị trong đó. 

Một “tín hiệu” về tầm cỡ của một nhà khoa học là được mời giảng trong các hội nghị khoa học quốc tế. Nhưng hội nghị khoa học cũng có nhiều loại và dạng. Có loại chỉ vài mươi người, có loại vài trăm, và có loại vài ngàn, thậm chí vài vạn người. Trong ngành ngoại khoa, các hiệp hội ngoại khoa lớn trên thế giới là American Surgical Association, European Surgical Association, European Association for Endoscopic Surgery and other interventional techniques, Society of American Gastrointestinal and Endoscopic Surgeons, v.v. thường có hội nghị khoa học thường nên với 1000-2000 bác sĩ khắp thế giới đến tham dự. Nhưng hội nghị ngành di truyền học thường có 40-45 ngàn người tham dự. Được mời giảng hay chủ tọa trong các hội nghị như thế là một vinh dự, một hình thức công nhận. Được mời giảng trong các phiên họp khoáng đại (plenary lecture) là một vinh dự lớn, chứ các hiệp hội địa phương mời thì chưa thể xem là một vinh dự được. Theo tôi biết, chưa có bác sĩ Việt Nam nào được mời giảng trong các phiên họp khoáng đại của các hội nghị lớn như thế.

Ngày nay có tình trạng một số hội nghị do các công ty dược khuynh đảo. Họ tung tiền cho một tổ chức y khoa hay hiệp hội nào đó tổ chức hội nghị, nhưng họ chèn những bài nói chuyện của họ và người của họ vào hội nghị. Dĩ nhiên, những bài đó có nội dung nói tốt cho thuốc của họ. Người của họ có thể là các chuyên gia hay giáo sư do họ mua chuộc với một cái giá nào đó. Tất cả bài giảng đều do họ soạn, và người đó chỉ cần đứng lên nói. Những người này dân trong nghề gọi là [xin lỗi] “prostitute”. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là phải phân biệt prostitute với những chuyên gia được mời nói trong một session mà công ti tài trợ. Các chuyên gia này thường dùng dữ liệu của họ để giảng, và bài giảng của họ thường nghiêm chỉnh, không chịu tác động của công ti. Người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua nội dung bài giảng và cách trả lời trong thảo luận là có thể đánh giá chuyện gia thật hay dỏm.

Trên đây là những cách đánh giá một nhà khoa học mà cộng đồng khoa học hay sử dụng trong thực tế. Một vài thước đo mô tả trong bài này có thể không áp dụng cho những người trong ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các đại học và viện nghiên cứu cũng căn cứ vào các tiêu chí trên để đánh giá và đề bạc các chức danh học thuật. Những chuẩn mực đó có thể rất khác với cách mà giới khoa học Việt Nam đánh giá, nhưng nếu Việt Nam muốn hội nhập quốc tế thì nên theo những luật chơi của quốc tế chứ không nên cứ tự đặt chuẩn riêng cho mình và tự xưng là “hàng đầu thế giới” mà không có chứng cứ. Trong thời đại internet, các nhà báo có thể dễ dàng kiểm chứng thành quả của các nhà khoa học qua các thước đo trên.

13/7/2014

Theo Blog GS Nguyễn Văn Tuấn

Xem thêm:

Nguyễn Văn Tuấn

Published by
Nguyễn Văn Tuấn

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

21 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago