Bạn đã thấy nhàm chán khi tham chiếu các sự kiện tại Mỹ với tác phẩm “1984”? Tôi chắc chắn là vậy.
Mặc dù tác phẩm kinh điển “1984” của Orwell xuất sắc trong nhiều khía cạnh, nhưng thật khó để không rùng mình trước một tham chiếu rập khuôn khác về Bộ Sự thật. Cánh hữu cần một viễn cảnh hư cấu mới mẻ hơn.
May mắn thay, có một tác phẩm cận đại hơn đã nhắm thẳng vào các yếu tố chuyên chế trong xã hội của chúng ta với mức độ chính xác đáng lo ngại tương tự: Đó chính là “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử).
Nhìn bên ngoài, “Đấu trường sinh tử” chỉ giống như một bộ sách nhiều tập mờ nhạt và không có gì đặc biệt lắm, nó giống như kiểu Twilight (Chạng vạng) hay Harry Potter. Nhưng đừng để bị lừa, bộ truyện chứa đựng những mô tả cực kỳ sâu sắc về một xã hội không tưởng (dystopia) ở thế kỷ 21 trông như thế nào.
Bạn hãy xem các chi tiết sau trong bộ truyện có quen thuộc không:
Một tầng lớp thống trị gồm những thành phần tinh hoa đồi bại, sa đọa về mặt đạo đức tập trung lại trên các vị trí quyền lực của quốc gia, được gọi là Capitol.
Họ ưa thích sự buông thả, thời trang cao cấp và văn hóa người nổi tiếng; họ sống một cuộc sống xa hoa trong khi những người dân thường ở các khu vực bên ngoài, được gọi là Quận, đang gánh chịu hệ quả của suy thoái kinh tế giai đoạn cuối.
Giới tinh hoa của Capitol biết rằng họ bị người dân coi thường, và họ cũng ngay lập tức khinh bỉ lại người dân. Họ thích thú với việc người dân đau khổ và bị sỉ nhục theo nghi thức của các Quận, mà họ biện minh là hình phạt cho một hành động nổi dậy trong quá khứ.
Những kẻ nắm quyền [ở trong truyện] duy trì kiểm soát thông qua kết hợp giữa thiết quân luật và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan ngôn luận chính của chế độ là một người dẫn chương trình trò chuyện vào đêm khuya: một nhân vật kiểu Stephen Colbert được gọi là Caesar Flickerman, người kết hợp các luận điểm tuyên truyền chính với các cuộc phỏng vấn giới giải trí và người nổi tiếng.
Viên ngọc quý trong bộ máy tuyên truyền của Capitol là Hunger Games (Đấu trường sinh tử), một sự kiện thường niên được truyền hình trực tiếp, trong đó đại diện của mỗi Quận (nhưng không bao gồm của chính Điện Capitol) chiến đấu đến chết trong một đấu trường khổng lồ để giới tinh hoa giải trí.
Trước mỗi kỳ Hunger Games, những người đại diện – được gọi là người cống nạp – giải trí cho Capitol bằng cách tham dự chương trình trò chuyện tại Capitol và mặc những bộ đồ thời trang mới nhất của Capitol.
Nếu một người cống nạp đủ may mắn để sống sót sau thử thách trong Đấu trường, câu chuyện vẫn sẽ không kết thúc ở đó. Những người sống sót sau Hunger Games, được gọi là những người chiến thắng, bước vào một thế giới ô trọc, họ bị lạm dụng vĩnh viễn như những người nổi tiếng khác trong Capitol. Trong các tiểu thuyết sau này, người ta đã tiết lộ rằng những kẻ cai trị của Capitol đã sử dụng những kẻ chiến thắng hấp dẫn làm công cụ đổi chác chính trị, cho giới tinh hoa có ảnh hưởng ‘mượn’ họ để sử dụng làm đồ chơi tình dục.
Nhân vật nữ chính của câu chuyện, Katniss Everdeen, là con gái của một thợ khai thác than ở Appalachia. Bị buộc phải chiến đấu trong Hunger Games để cứu em gái mình, cuối cùng cô đánh bại Capitol bằng cách chơi một trò chơi truyền thông đại chúng còn giỏi hơn họ.
Katniss sử dụng Đấu trường như một cơ hội để quảng bá những hành động thách thức của chính mình, điều này đã vô tình kích hoạt các Quận đồng loạt mô phỏng theo cô. Sau đó đã diễn ra một cuộc nổi dậy toàn diện và hệ thống nhanh chóng sụp đổ. Capitol khi đó mới muộn màng nhận ra rằng bộ máy tuyên truyền của họ – vốn được xây dựng dựa trên những người nổi tiếng và truyền hình thực tế – đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo để một nhà bất đồng chính kiến chạm tới được khán giả cả nước.
Tác phẩm “1984” đã giải thích rất rõ việc kiểm soát ngôn ngữ có thể dẫn đến kiểm soát xã hội như thế nào. Nhưng câu chuyện của Orwell mô tả khá vô cảm về giai cấp thống trị. Đó là Big Brother (Anh Cả) – chỉ là một ý tưởng độc ác, xa vời và bạn không bao giờ gặp được ông ta. Ông ta có vẻ không phải là một con người. Ông ta thậm chí dường như không tồn tại.
Ngược lại, giới tinh hoa của The Hunger Games đều quá giống trong đời thực. Câu chuyện kể về sự suy đồi và sa đọa của một tầng lớp thượng lưu đô thị quá quyền lực. Nó thể hiện sự khinh thường cũng như sợ hãi của họ đối với người dân thường. Và, giống như “Thí nghiệm trong nhà tù Stanford”, nó phơi bày ra những khả năng tàn ác của họ với sự cực đoan nhằm chống lại những người bình thường.
Có thể The Hunger Games không nhằm mục đích phê phán xã hội hiện đại. Tác giả của cuốn sách, Suzanne Collins, chưa bao giờ tuyên bố như vậy. Tên của một số nhân vật – Cato, Plutarch, Seneca, Caesar cũng cho thấy ảnh hưởng cổ điển của tác giả. Nhưng nếu một câu chuyện miêu tả sự bất công và mục nát của thời kỳ cuối La Mã lại gần giống với xã hội hiện đại, thì đó là tự nó bộc lộ ra như thế.
Nhưng có lẽ điều thú vị nhất về The Hunger Games là nó đã thu hút hàng trăm triệu người hâm mộ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (Millennial – chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), những người dường như không nhận ra được những thông điệp chính trị ẩn chứa trong tác phẩm.
Vì vậy, một bài học cho những người bất đồng chính kiến là: Bạn có thể thuyết phục được những người thuộc Thế hệ Thiên niên kỷ tả khuynh truyền tải những thông điệp của phe cánh hữu một cách hăng hái nhất bằng cách sử dụng một nhân vật chính nóng bỏng.
Allum Bokhari (theo Breitbart News)
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…