Biên tập viên (BTV) của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong bản tin tài chính ngày 17/8 có ví von những gánh hàng rong ở TP.HCM là ‘’ký sinh trùng’’ trên những con phố tại đây. Đây là một so sánh chưa hoàn hảo bởi ”ký sinh trùng” có nghĩa tương đối tiêu cực. Trên thực tế, nó có thể còn là một so sánh ngược.
Ký sinh trùng theo tiếng Pháp cổ là ”parasite”, chúng ta gần đây được biết đến từ này rộng rãi qua bộ phim đoạt giải Oscar cùng tên của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho . Từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp ”parasitos” chỉ ‘’ăn bám’’.
Có lẽ khái niệm này khi áp dụng vào hàng rong ở TP.HCM thì nên dùng từ ‘’cộng sinh’’ sẽ phù hợp hơn là ”ký sinh trùng” bởi lẽ: Thông thường vật ký sinh sẽ ký sinh trên vật chủ; vật chủ là đối tượng bị thiệt hại, tức là bị ký sinh trùng chiếm đoạt sinh chất. Điều này có nghĩa là ký sinh trùng phải có kích thước nhỏ hơn vật chủ rất nhiều. Ở đây tôi hiểu rằng VTV muốn ám chỉ rằng các quán hàng rong sống ký sinh vào khối kinh tế chính thống.
Đến đây thì so sánh của BTV VTV bộc lộ một điểm mâu thuẫn. Nền kinh tế vỉa hè (bao gồm cả hàng rong) ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng có quy mô rất lớn. Mặc dù là một nền kinh tế phi chính thống nhưng nó chiếm tỷ trọng lớn và vận động để nuôi sống khoảng 50 triệu người (tức hơn một nửa dân số Việt Nam). Như đã từng trình bày trong một số podcast cách đây 2 tháng, kinh tế Việt Nam không thể trụ được sau hai cuộc chiến tranh nếu thiếu đi ‘’kinh tế vỉa hè’’ trong bối cảnh là khối kinh tế chính thống còn non trẻ.
Người trẻ Việt Nam mặc dù yêu phim ảnh nhưng khi xem Parasite, họ chưa (hoặc chưa có khả năng) tiếp cận với phong cách ”hài kịch đen” – ở đây được hiểu là sự giễu nhại xã hội – khi vật chủ mới thực sự là ký sinh trùng. Trong phim, đạo diễn và biên kịch liên tục cho hoán đổi cách nhìn để cuối cùng nêu lên một thực tế rằng người giàu đang “ăn bám” vào hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội. Ở các xã hội trẻ đang tích lũy tư bản như Việt Nam, Brazil, Hàn Quốc, Thái Lan, có nhiều đối tượng trong xã hội có xu hướng bị bần cùng hóa. Họ trở thành lao động giá rẻ và người trung lưu tận dụng chênh lệch giàu nghèo này để có được cuộc sống dễ chịu hơn.
Ví dụ như thuê ‘’ô-sin’’, ‘’người giúp việc’’ .v.v. là biểu hiện hàng đầu của những xã hội đang ăn bám trên khoảng cách giàu nghèo. Khi đến các thành phố giàu có ở phương Tây, ta thấy giới trung lưu ít có khả năng thuê được người giúp việc toàn thời gian bởi một lý do khá dễ hiểu là lương của giới giúp việc có thể ngang ngửa lương kĩ sư (nếu tính theo giờ làm). Còn như ở Brazil, một gia đình trung lưu có thể có đến 2-3 người giúp việc là chuyện thường tình bởi lẽ giới trung lưu tại đây sẽ làm mọi cách để bảo toàn lợi ích của họ trên hố sâu ngăn cách giàu nghèo.
Cho nên đối với những ai có hiểu biết và trí lực ở mức trung bình về kinh tế chính trị, hiển nhiên ta phải đặt ra câu hỏi rằng thực sự thì đối tượng nào mới là vật chủ, đối tượng nào là vật ký sinh? Trong nhiều đô thị xã hội ở châu Á, thực tế này sẽ đảo ngược. Ví dụ như ở tình huống ”nền kinh tế vỉa hè” ở Việt Nam, xét trên quy mô, khả năng vận hành và vai trò của nó đối với xã hội, cá nhân tôi cho rằng ta khó có thể coi nó là vật ký sinh được.
Vì vậy có lẽ từ ‘’cộng sinh’’ trong trường hợp này sẽ phản ánh đúng bản chất hơn từ ‘’ký sinh trùng’’ mà bạn BTV hồn nhiên tuyên bố trên đài.
Lê Quang (Kiến trúc sư)
Đăng theo Facebook Le Quang với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…