Dẹp vỉa hè, hơn 1,2 triệu lao động và gia đình họ sẽ đi về đâu?
- chân hồ
- •
Tổng cục Thống kê (TCTK) vào tháng trước đã chỉ ra rằng các hộ kinh doanh cá thể, bao gồm cả những người bán hàng rong trên vỉa hè, đóng góp khoảng 11 – 13% GDP cho nền kinh tế trong Quý I/2017. Việc dọn dẹp vỉa hè có thể ảnh hưởng đến một số cá nhân, nhưng tác động “sẽ không lớn lắm”, một quan chức cho hay.
(Ảnh minh họa/Flickr Pham Van Huong)
Năm 2010, nghiên cứu của TCTK và Viện Nghiên cứu phát triển cũng đã chỉ ra rằng khu vực kinh tế phi chính thức (KVPCT) (trong đó bao gồm cả kinh tế vỉa hè) đã thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%) và ước tính đóng góp 20% GDP. Riêng ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Hà Nội, lao động trong KVPCT còn chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều.
KVPCT được hiểu ở đây sẽ gồm tất cả các hộ sản xuất kinh doanh chưa có tư cách pháp nhân, chưa đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực phi nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng vẫn sản xuất các hàng hóa dịch vụ để bán hoặc trao đổi trên thị trường.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Institut de Recherche pour la Développement France (IRD Pháp), lao động KVPCT ở Việt Nam chiếm một phần lớn lực lượng lao động ở khu vực thành thị, chiếm 1/4 tổng số việc làm và chiếm một nửa số lượng việc làm phi nông nghiệp.
TP.HCM năng động và cởi mở, điểm đến lý tưởng của những người nhập cư từ các tỉnh thành khác, xưa nay vẫn luôn tồn tại kinh tế vỉa hè, và do đó, nhiều người đã bắt đầu kế sinh nhai chính trên cái vỉa hè chật hẹp này. Không chỉ là không gian giao tiếp công cộng, hoạt động kinh tế vỉa hè vô hình trung cũng góp phần hình thành nét văn hóa đô thị đặc trưng cho Việt Nam.
Trong khi chiến dịch giành lại vỉa hè diễn ra ồ ạt trên toàn quốc trong thời gian gần đây, một câu hỏi được đặt ra là làm sao đảm bảo văn minh đô thị, lối đi thông thoáng cho người bộ hành mà vẫn giữ được nét đặc trưng kinh tế vỉa hè và những mảnh đời gắn liền với nó.
(Ảnh minh họa/Flickr nguyenducviet711)
Kinh tế vỉa hè: Nhọc nhằn những kiếp mưu sinh
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 1,2 triệu người di cư lên thành phố, chiếm 20% dân số thành thị trên cả nước. Trong số họ, một bộ phận trở thành chủ thể của kinh tế vỉa hè, một bộ phận lại góp phần làm nhộn nhịp thêm cho phân khúc kinh tế này khi tham gia mua bán trao đổi hàng hóa dịch vụ tại đó. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng nhận định: “Kinh tế vỉa hè là kênh phân phối hàng hóa hữu hiệu.”
Một thành viên của nhóm nghiên cứu IRD cho biết: “Những người bán hàng rong có mặt ở khắp mọi ngóc ngách ngõ hẻm trong thành phố, nhưng chúng tôi không thống kê được chính xác có bao nhiêu người vì họ thường xuyên di chuyển liên tục.” Dữ liệu thống kê từ thành phố Hà Nội và TP.HCM cho thấy kinh tế vỉa hè chiếm khoảng 11% tổng số việc làm phi nông nghiệp trong KVPCT, nhưng thực tế có thể còn nhiều hơn.
Theo tính toán của thành viên này, phần lớn người bán hàng rong kiếm được khoảng dưới 3 triệu đồng/tháng, so với mức thu nhập bình quân đầu người quốc gia là 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thu nhập của họ cũng bấp bênh theo mùa. Những mùa thấp điểm, có khi họ phải đếm từng đồng xu lẻ để mong trang trải vừa đủ chi tiêu trong ngày.
Với đặc thù làm việc ngoài trời như thế, người bán hàng rong và hàng hóa của họ bị phơi nhiễm với nắng nóng, mưa to và thời tiết khắc nghiệt. Không có mái che bảo vệ đồ đạc, thời tiết có thể chặn đứng con đường mưu sinh của họ. Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu vào tháng 7/2016, với sự ấm lên toàn cầu, dự báo đến năm 2050, những người lao động ngoài trời sẽ khó có thể hoạt động được dưới tiết trời gay gắt.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi lớn nhất của những người bán rong không phải là thiên nhiên mà đến từ chính quyền. Họ vừa tranh thủ bán hàng vừa trông chừng lực lượng trật tự đô thị có thể đến và lấy đi “cần câu cơm” của họ bất cứ lúc nào. Đối với những người có gánh hàng nhỏ trên xe đạp cũ, chạy cũng là một lựa chọn khả dĩ; nhưng đối với những người có gánh hàng hay xe đẩy cồng kềnh, không có nơi nào để chạy, khoản tiền phạt lấp trọn những “đồng xu” mà họ đã khó nhọc kiếm được cả ngày.
Từ một góc nhìn khác bên ngoài, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn như sau:
Vỉa hè là không gian kết nối cộng đồng, một đặc trưng rất Việt Nam
Bà Astrid Ban cho biết: “Sự sôi động của các đường phố tại Việt Nam chính là điểm đặc biệt của đất nước này. Vỉa hè chính là không gian kết nối của thành phần khác nhau trong xã hội, từ sinh viên, những người đi làm, các bà nội trợ, bác sĩ, những doanh nhân, những người lao động trên vỉa hè. Họ cùng chia sẻ những không gian công cộng đó. Đây chính là những nơi giao thoa, giao tiếp của con người với nhau.
Ở Việt nam không nhất thiết chỉ có những cửa hàng đắt đỏ hoặc những nhà hàng, bởi vì nó sẽ không đảm bảo được sự kết nối của con người. Chính sự sôi động của vỉa hè mới thể hiện đặc thù, nét văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Nó cũng là một thứ hấp dẫn khách du lịch khi họ tham gia vào cuộc sống, hoạt động trên vỉa hè. Họ tìm hiểu thêm về văn hóa, và tìm hiểu thêm về con người Việt Nam. Chính vì thế kinh tế vỉa hè là một phần không thể tách rời nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn thấy có những điểm chưa được tốt lắm cần phải được cải thiện hơn”
(Ảnh minh họa/Flickr Nguyencanhtung)
Tính đến sinh kế của người dân trước khi thực thi giải tỏa vỉa hè
“Các nhà quản lý đô thị sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan tới vỉa hè. Giải phóng được vỉa hè chỉ là một trong các vấn đề mà các nhà quản lý đô thị phải giải quyết thôi, tuy nhiên nó đang là điểm rất là nóng. Về phía Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (LHQ), chúng tôi không khuyến khích việc cấm sử dụng vỉa hè hoặc thực hiện các biện pháp cứng rắn như hiện nay đang được trao đổi. Nếu như cấm hay xóa bỏ kinh tế vỉa hè thì những con người đang kiếm sống từ những vỉa hè đó thì họ sẽ đi về đâu. Trước khi cấm hay có những biện pháp xử lý vô cùng cứng rắn thì cần có những cách suy nghĩ hay có giải pháp cho những con người này vì bản thân những người này là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ bản thân họ, cả gia đình họ cũng rơi vào tình huống khó khăn. Chính sách đưa ra như vậy không hoàn toàn phù hợp với thực tế. Và quan điểm của Quỹ dân số LHQ là không ai bị bỏ lại phía sau. Những người nghèo đang kiếm sống trên vỉa hè bị tác động đầu tiên, và sẽ làm cho tỷ lệ nghèo của Việt Nam bị tăng lên”
Như vậy, có thể thấy rõ vỉa hè không chỉ là đường đi, mà còn là nơi giao thoa văn hóa, kết nối cộng đồng, không phân biệt sang hèn, không phân biệt tầng lớp. Quan trọng hơn cả, nó còn là nơi hy vọng của 20% dân số thành thị với những cuộc mưu sinh. Những lý lẽ về đúng sai, cái được và mất khi dọn dẹp vỉa hè đã được các chuyên gia làm chính sách, nhà kinh tế nói rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn đó những “nốt trầm” – đó là tiếng nói của những người bị ảnh hưởng chính trong chiến lược này, những gánh hàng rong. Không hiểu biết nhiều như các chuyên gia để đủ đưa ra những phân tích, bình luận mang tầm uyên bác, thay vào đó, những giọt nước mắt của họ ẩn chứa nhiều điều hơn tất cả.
Video: Những người bán hàng rong rơi nước mắt trong ‘cuộc chiến vỉa hè’
Nguyên Hương – Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam bán hàng rong giải tỏa vỉa hè