Categories: Xã luậnBlog

Một góc nhìn khác về Putin của nước Nga

Ông Vladimir Putin vừa tuyên bố thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 4 trong một cuộc bầu cử mà không ai có thể hoài nghi một kết quả nào khác. Gần như trên toàn bộ truyền thông phương Tây, ông Putin hiện lên như một kẻ độc tài, một tên trộm cướp tài sản sản quốc gia, một kẻ mị dân tham quyền cố vị đang tìm mọi cách ngăn chặn sự phát triển của đất nước. Nhưng với phần lớn người Nga, ông ta lại như một anh hùng, người đã vực dậy nước Nga đang sa lầy vào thảm họa, khôi phục niềm tự hào và ảnh hưởng của một đế quốc từng thét ra lửa trong các biến động toàn cầu.

Năm 1999, ông Putin tiếp nhận di sản của Tổng thống Nga đầu tiên, ông Boris Yeltsin. Nước Nga khi đó là một thảm họa hỗn loạn và đổ vỡ. Dân Nga lúc này vỡ mộng và quằn quại vì hậu quả của tham vọng nhanh chóng chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản của ông Yeltsin. Việc tư nhân hóa ồ ạt, tháo cửa chào đón ngoại thương không những không rũ bỏ được tàn dư phe phái của chủ nghĩa cộng sản mà còn khiến nước Nga ngập ngụa trong bối cảnh kinh tế hoang tàn, chụp giật khoảng thời gian chuyển đổi bát nháo, lạm quyền, tham nhũng, trộm cắp, cướp giật tràn lan, uy tín quốc gia xuống tới mức thấp nhất.

Các bài học lịch sử đã cho thấy, để chuyển đổi từ một nền quân chủ hoặc chế độ độc tài sang nền dân chủ cần một quá trình lâu dài, tốn thời gian, nhất là khi người dân của quốc gia đó hoàn toàn chưa có lý niệm dân chủ là gì. Hàn Quốc đã mất 40 năm để đi từ các chính quyền độc tài đến sự kiện người dân dùng quyền biểu tình, bày tỏ ý kiến của mình để kéo đổ một vị Tổng thống. Người dân của Đại Hàn đã phải trải qua nhiều thời kỳ sóng gió của những cuộc đàn áp sinh viên và thảm sát cùng biết bao hy sinh và mất mát. Thiên hoàng Minh Trị của Nhật Bản đã mất hàng chục năm để từ từ thay đổi tư duy của người dân trong nước, và người Nhật lại mất gần chục năm trải qua chế độ phát xít vốn là một thái cực tàn bạo khác của độc tài để cuối cùng đạt tới hình thái dân chủ, sau nhiều nỗ lực trợ giúp của người Mỹ. Đài Loan cũng phải trải qua bao cuộc binh biến và thảm sát để người dân nước này có thể tự quyết định việc bầu lên Tổng thống. Ngay cả những vị tướng cai trị nền độc tài quân đội của Miến Điện, đến khi tự mình muốn từ bỏ quyền lực cũng phải khẳng định rằng Miến Điện cần một quá trình chuyển tiếp từ từ.

Câu chuyện của Nga cũng tương tự như vậy. Từ một thành trì của hệ thống cộng sản, chuyển qua giai đoạn kinh tế tự do là bài toán vô cùng khó khăn. Trước đó người Nga, cũng giống như các quốc gia Đông Á khác, chưa từng được chứng kiến màu sắc dân chủ thực sự. Từ việc sống dưới một chế độ độc tài của Sa Hoàng, họ vùng lên đấu tranh theo ảo vọng của một chủ nghĩa xa vời, và kết thúc, vỡ mộng tại một nền chuyên chế còn độc ác hơn.

Ngày 26/12/1991, Liên Xô tan rã cùng sự thức tỉnh của Đông Âu và cái gật đầu chấp nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại. Nhưng cuộc thử nghiệm tư bản hóa ồ ạt của Yeltsin, cùng chính những vấn đề cá nhân của ông này – như nghiện rượu và sức khỏe yếu –  trước hơn một trăm triệu dân Nga còn đang lúng túng và ngơ ngác trước những khái niệm hoàn toàn mới đã chỉ đem lại hậu quả tồi tệ hơn. Những cựu quan chức thân hữu lao ra chiếm lấy tài sản quốc gia, tham nhũng, cướp bóc, tội phạm tràn lan và chính ông Yeltsin cũng lúng túng và bất lực. Nước Nga từ một vị thế bá chủ nửa địa cầu, rơi xuống vực thẳm khủng hoảng để rồi lại vỡ mộng khi thoi thóp bò lên.

Putin đã có mặt trong hoàn cảnh này, và ông đã trao cho cái mà người Nga muốn. Nước Nga rộng mênh mông cần một bàn tay thép và cái đầu lạnh. Từ một sĩ quan tình báo, Putin đã có tất cả, cùng với quyết tâm phục hồi kinh tế nước Nga và củng cố vị trí trên bàn cờ thế giới.

Vào năm 1989 khi bức tường Berlin bị kéo đổ, ông Putin đang hoạt động với vai trò nhân viên tình báo KGB tại Đông Đức. Ông đã chứng kiến tận mắt quá trình sụp đổ của Liên Xô cũng như những thất bại của tham vọng mở cửa, tư bản và tự do hóa ồ ạt của Tổng thống Yeltsin trong những ngày tháng làm cận thần uy tín của ông này.

Các bước đi âm thầm kết nối và tập trung quyền lực đã khiến Putin trở thành người kế nhiệm của Yeltsin chỉ 3 năm sau khi ông tới thủ đô Moscow. Trong thời gian xuất hiện trước công chúng, ông Putin đã thể hiện một đường lối lãnh đạo cứng rắn với chủ trương khôi phục tầm ảnh hưởng và thể diện quốc tế của nước Nga. Hình ảnh một nhân viên ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng Chechnya một cách cứng rắn của Putin đã nhanh chóng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng, cho phép ông dần vượt xa các đối thủ. Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin – vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu – thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết.

Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga, đảo ngược nhiều biện pháp tự do và tư bản hóa của Yeltsin, củng cố khối kinh tế nhà nước, bóp nghẹt tự do báo chí và tạo ra các cơ quan truyền thông để làm một việc duy nhất: “Vẽ lên thần tượng Putin, một vị Tổng thống mạnh mẽ mà một nước Nga đang hoảng loạn có thể dựa vào”. Những biện pháp mà bất cứ một nhà dân chủ phương Tây nào cũng sẽ lên án, đã giúp ổn định xã hội, kinh tế và chính trị tại Nga. Nước Nga đã phát triển bùng nổ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Putin từ năm 2000 đến năm 2008 nhờ giá dầu và giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này tăng cao trong giai đoạn này. Tăng trưởng trung bình hàng năm của Nga trong giai đoạn này lên tới mức 7% và ông Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga trở lại các mức tăng trưởng cao này sau khi Nga bị suy giảm tới 7,9% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Các cuộc can thiệp của quân đội Nga vào Ukraine, sáp nhập Crimea và đem quân tới chiến trường Syria năm 2014 mặc dù đã khiến Nga bị cô lập sâu sắc hơn với Mỹ và phương Tây, nhưng lại khiến nhiều cử tri Nga ủng hộ ông hơn. Tháng 6/2015, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Putin lên đến mức 89%, một con số cao nhất từ trước đến nay và là ước mơ xa vời của bất kỳ Tổng thống Mỹ hiện đại nào.

Ở nhiệm kỳ tiếp theo, việc ông Putin có tiếp tục dùng quyền lực cá nhân để duy trì vị thế độc tôn của mình hay sẽ chọn thoái bỏ quyền lực giống như các tướng quân đội của Miến Điện, khi mà một giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước đòi hỏi họ làm như thế, là câu hỏi mà chỉ mình ông ta có câu trả lời. Tuy nhiên từ các phát ngôn công khai của Putin, có thể thấy rằng, ông ta không hề muốn khôi phục lại nền độc tài sắt thép của Stalin mà có thể thay đổi một khi điều đó là cần thiết. 

Ai không tiếc nhớ Liên Xô thì người đó không có trái tim. Ai muốn nó hồi sinh thì người đó không có cái đầu. – Putin

Vì sao không có đối lập cạnh tranh [chính trị] ở trong nước, câu trả lời đơn giản nhất là việc nuôi dưỡng đối thủ không phải là cái tôi cần làm. Tuy nhiên, anh có thể ngạc nhiên nhưng tôi tin rằng chúng ta không chỉ cần cạnh tranh kinh tế mà cả cạnh tranh chính trị. Dĩ nhiên, tôi sẽ hài lòng nếu chúng ta có hệ thống chính trị cân bằng. Tôi muốn, và tôi sẽ làm vì điều đó. Và một hệ thống chính trị cân bằng thì phải có cạnh tranh’’, ông Putin nói hồi năm 2017.

Một sự thật cần nhìn nhận là phe phái đối lập tại Nga hiện nay rất yếu, chỉ có thể kích động một nhóm người biểu tình và phản đối chế độ Putin. Họ hoàn toàn không có một nghị trình chính trị cụ thể, đủ sức thuyết phục để người Nga thay thế Putin.

‘’Dĩ nhiên con người không hài lòng với nhiều thứ hiện nay, đó là quyền của họ. Nhưng khi họ so sánh những gì mà các lãnh đạo đối lập đề xuất, cả đối lập chính thức và đặc biệt là các lãnh đạo của đối lập phi chính thức, họ bắt đầu nghi ngờ’’, ông Putin nói.

”Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn nhất của những người muốn trở thành đối lập cạnh tranh. Họ cần một nghị trình cụ thể, không phải tưởng tượng. Một nghị trình cho người dân tin. Tôi hy vọng nó rồi sẽ xảy ra, càng sớm càng tốt.”

Blog Minh Tuấn

Blog Minh Tuấn

Published by
Blog Minh Tuấn

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

9 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

18 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

27 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

37 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

43 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago