Khi chúng ta mãi tranh cãi với nhau về giáo dục. Ngày hôm qua, H.T.C, cậu bé lớp 10 của trường Nguyễn Khuyến gieo mình xuống sân trường. C., đã đi rồi, tuổi hồng khép lại đầy nghiệt ngã. C. đi, vì đã không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình muốn cậu đứng đầu khối. Trường Nguyễn Khuyến mất một học sinh giỏi. Cũng có thể xã hội đã mất một mầm nhân tài. Nhưng mất mát lớn nhất, là chúng ta đã mất đi một con người.
Mà có lẽ, cậu không còn là chính mình nữa rồi, cậu chỉ là một hình hài chứa đựng ảo vọng của cha mẹ, của nhà trường và chính mình. Bi kịch dồn nén cho tới ngày cậu buông câu hỏi mà các bạn không hiểu gì cả: Trường mình, nơi nào cao nhất?
Nguyễn Khuyến, là ngôi trường có thành tích thuộc nhóm đầu TP.HCM. Tỷ lệ học sinh đậu đại học trên 97%. Để có được nó, nhà trường có một kỷ luật vô cùng hà khắc. Học sinh phải học và tự học đến 9h tối, sinh hoạt trong trường được kiểm soát nghiêm ngặt, tự do cá nhân được tiết chế về mức tối thiểu.
Mỗi dịp cuối tuần, những cô cậu học trò tuổi lớn, tuổi yêu được thả cửa, chạy òa ra cổng trường ôm lấy cha mẹ, họ bước đi tíu tít. Tôi nhìn, thương cảm vô cùng. Và đôi lúc tôi sợ hãi, vì cảm giác những đứa trẻ như những con “gà công nghiệp” đúng nghĩa. Nhiều đứa vào Nguyễn Khuyến vài ngày, không chịu nổi kỷ luật, phải xin ra.
Bất cứ đứa trẻ cá biệt nào vào Nguyễn Khuyến trở ra, đều trở thành học sinh giỏi. Đó thật sự là một phép màu. Nhưng tôi hoang mang nghĩ, có khi nào tất cả cảm xúc của các em đã bị triệt tiêu? Thay vào đó là ham muốn thành tích, là khát khao số 1?
Tôi cũng không biết nữa. Chỉ nghĩ rằng nếu như sở hữu một phương pháp giáo dục khác biệt, thì Nguyễn Khuyến nên có cả môn tâm lý cho các cháu để hiểu và thích nghi với sự khác biệt đó.
Nguyễn Khuyến là số 1 khắc nghiệt, vẫn thực chất hơn rất nhiều trường khác. Ở đó, có những số 1 báo cáo, số 1 dối trá và huyễn hoặc nhau. Chúng ta sẽ sống chết vì số 1 mà đánh mất nhân bản. Chẳng biết sao, tôi rất buồn thương những đứa trẻ nặng trĩu ba lô trên hè phố. Chúng như những cái máy bước đi lầm lũi, khù khờ.
Con trai tôi bị rối loạn mất tập trung. Cháu không được học những trường bình thường như bạn cùng lứa. Cháu chậm nói, nên mỗi lần gọi một tiếng “Ba ơi”, với tôi con đã là số 1. Mỗi lần cậu dang tay buộc tôi phải gối đầu lên đó, cậu đã là một thiên tài.
Chúng tôi thương con, nỗi niềm bé mọn. Một hành trình dài với con, thứ quý giá nhất tạo hóa cho tôi là hình hài yêu dấu, là xúc cảm chứa chan. Nếu số 1 làm con tôi thay đổi tâm tính, tôi sẽ không đánh đổi.
Mai mốt lớn lên, nếu như vì lý do nào đó mà con không còn theo được con chữ. Có thể trở thành một anh thợ, một đầu bếp, hoặc một chủ tiệm net cũng được. Hãy làm điều con thích chứ không phải làm điều ba muốn.
Miễn sao, con biết sống bao dung và thành thật, có thể sống bằng công sức lao động của chính mình và chăm lo cho người thân. Con đã hoàn hảo lắm rồi. Nhất là, còn vẹn nguyên rung động, nắm tay nhau chuyện trò mỗi tối. Chúng ta đã có một cuộc sống vẹn toàn.
Tôi sẽ luôn dạy con rằng: Thượng đế cho chúng ta đôi mắt để nhìn nhau, chứ không phải nhìn về hư ảo…
Theo facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…