Categories: Xã luậnBlog

Nếu làm theo quy hoạch của thành phố, Đà Lạt sẽ vỡ từ bên trong

Đã mấy ngày nay trên mạng xã hội ngập tràn tin tức phản đối 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa được trưng bày để lấy ý kiến công khai. Để có tác động thay đổi ý chí của chính quyền địa phương, rất cần các nhà chuyên môn kiến trúc và bảo tồn, những người hiểu về Đà Lạt tập trung, tiếp tục nêu ý kiến.

Nếu những người làm chuyên môn không quyết liệt bảo vệ quan điểm “bảo tồn để phát triển” thì trung tâm Đà Lạt sẽ mất, cấu trúc đô thị bị phá vỡ từ trong lõi bởi những hành động sinh thêm khối, chất tải lên khu Hòa Bình…

Một góc Đà Lạt với các khu dân cư hướng về tâm là đồi Dinh Tỉnh trưởng. (Ảnh: Nhật Quân/baolamdong.vn)

Giá trị Đồi Dinh/Khu Hòa Bình?

Đà Lạt khác Hà Nội, Sài Gòn và các đô thị còn lại của Việt Nam, và cũng là đô thị hiếm hoi trên thế giới được thiết kế từ đầu trên một vùng đất trống. Một đô thị trên cao nguyên được làm bài bản từ quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc và được 2 kiến trúc sư nổi tiếng đương thời thực hiện (Ernest Hébrard và Pineau) và các kiến trúc sư có tên tuổi của Việt Nam sau này tiếp nối như KTS Ngô Viết Thụ, KTS Huỳnh Kim Mãng…

Với những giá trị đặc biệt này, cách ứng xử với trung tâm của đô thị lịch sử như Đà Lạt cần đi theo mục tiêu: Giữ tính nguyên gốc càng nhiều càng tốt, giữ gìn mảng xanh còn lại hiện đang ngày càng bị thu hẹp dần. Đây là cách ứng xử nhân văn và bền vững, thể hiện mức độ văn minh của đô thị đó.

Khu Hòa Bình là trung tâm của người Việt do Pháp xây dựng ngay từ thời kỳ đầu tiên mới lên Đà Lạt. Khu Hòa Bình bao gồm 3 yếu tố chính: Chợ + khu Shop house + Đồi Dinh Thị trưởng (sau này là dinh tỉnh Trưởng tỉnh Tuyên Đức/ Lâm Đồng ngày nay). Khu đồi Dinh nằm trên vị trí cao nhất của trung tâm Đà Lạt, là điểm đầu tiên được xây dựng khi bắt đầu hình thành đô thị Đà Lạt.

Khu trung tâm Đà Lạt năm 1952 có rất nhiều mảng xanh, còn thấy rõ 2 công trình là Dinh Tỉnh trưởng trên đồi cao và chợ cũ Đà Lạt (nay là Rạp Hòa Bình). (Ảnh: Ðặng Văn Thông/baolamdong.vn)

Kiến trúc sư khi thiết kế những công trình liên quan tới 3 khu vực này đều phải hiểu tính chất, giá trị của 3 yếu tố: Chợ, đồi Dinh và khu shop house thì mới có thể giữ được giá trị cốt lõi cho đô thị. Vì sao khi động vào vị trí này, cụ thể là khi thành phố công bố 3 phương án thiết kế cho khu đồi Dinh lại gặp phản ứng dữ dội? Sự quan tâm này không khác gì việc động vào hồ Gươm của Hà Nội hay khu quảng trường nhà thờ Đá ở Sa Pa…

Tiêu chí nào cho khu đồi Dinh?

Thực ra, khi lập đề bài cho khu đồi Dinh hay toàn bộ trung tâm Hòa Bình, trước tiên phải xây dựng bộ tiêu chí (hay quy tắc ứng xử), bao gồm:

– Không tác động, can thiệp quá lớn đến cảnh quan hiện hữu

– Không di dời công trình Dinh ra khỏi vị trí hiện trạng (đỉnh đồi)

– Bảo tồn nguyên trạng kiến trúc Dinh và hệ thống cây xanh gồm rừng Long Não cổ 100 tuổi và thông trồng xung quanh đồi

– Không xây chen vào đồi Dinh các công trình dịch vụ, thương mại, lưu trú, nghỉ dưỡng

– Chuyển đổi mục đích sử dụng cho công trình dinh Tỉnh Trưởng để mở ra phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động tham quan di sản. Có thể xây dựng Bảo tàng Đà Lạt tại đồi Dinh và đưa 1 phần hiện vật trưng bày vào bên trong Dinh.

– Phần công năng thêm vào (nếu có) chỉ phục vụ bảo tàng và phải được làm ngầm hoặc nếu nổi cũng không vượt quá 1 tầng để đảm bảo không tranh chấp về chiều cao với Dinh. Không thể chấp nhận xây đè lên đồi Dinh thêm 10 tầng (7 tầng nổi).

Xem thêm bài viết để hiểu rõ hơn về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh:

Vai trò của nhà chuyên môn ở đâu? Các kiến trúc sư chủ trì, họ là ai?

Các nhà chuyên môn khi tham gia xây dựng Đà Lạt cần hiểu về Đà Lạt (về quy hoạch, cảnh quan, các giá trị gốc) và phải được tham gia ngay từ khâu ra đề bài.

Vai trò của bên tư vấn thiết kế là phải giúp nhà đầu tư và chính quyền, các Sở ban ngành địa phương một phương án thiết kế đạt được các tiêu chí như đề cập ở trên. Phải hiểu đâu là giá trị khu đồi Dinh. Thực chất bản thân công trình dinh tỉnh Trưởng không phải công trình mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc mà nó mang tính lịch sử, giá trị cảnh quan. Vì vậy không thể ứng xử theo cách chỉ giữ lại cái xác nhà rồi di đi chỗ khác; tạo bố cục vây các khối mới xung quanh hay đẩy lên cao để tất cả mọi điểm đều có thể “ngước lên chiêm bái”.

Cả 3 phương án đều cho thấy sự hạn chế của các bên tư vấn về nhận thức về di sản và bản sắc đô thị Đà Lạt. Họ không tư duy ở tỷ lệ lớn mà chỉ nhăm nhăm vào tác động trên tỷ lệ nhỏ, là 1 cái nhà cụ thể. Họ không tư duy sâu sắc cho bối cảnh Đà Lạt từ lịch sử tới tầm nhìn tương lai. Không thấy vai trò chính là nâng cao vị thế của chủ đầu tư và chính quyền địa phương thông qua tầm nhìn về di sản và bản sắc đô thị đặc thù mà chỉ tập trung sao cho thỏa mãn đề bài.

Vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế không phải là “gật đầu” và tìm cách hợp thức hóa mong muốn của chủ đầu tư. Đương nhiên, ở vị trí của chủ đầu tư, điều quan tâm nhất là: Vị trí đất vàng, hiệu suất kinh doanh, tổng diện tích sàn. Các kiến trúc sư không thể “thỏa hiệp” nếu không thuyết phục được họ. Bản lĩnh của kiến trúc sư là dám từ chối những công trình tầm cỡ như khách sạn đồi Dinh vì nó động đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi cũng như nhiều người làm chuyên môn kiến trúc đang rất muốn biết 3 đơn vị tư vấn của 3 phương án này, họ là ai?

Lần này, khi chính quyền địa phương đưa ra các phương án để xin ý kiến dân, nếu những người làm chuyên môn không quyết liệt bảo vệ quan điểm “bảo tồn để phát triển” thì trung tâm Đà Lạt sẽ mất, cấu trúc đô thị bị phá vỡ từ trong lõi bởi những hành động sinh thêm khối, chất tải lên khu Hòa Bình… Đà Lạt cần những nhà chuyên môn tham gia hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và thành phố vì Đà Lạt vượt quá tầm của bản thân đô thị, thành phố này không chỉ của Lâm Đồng mà còn là đô thị đặc biệt của cả nước.

Phát triển đô thị hiện đại là nhu cầu chính đáng của người dân Đà Lạt, nhưng phát triển ở đâu, quy hoạch như thế nào để Đà Lạt không mất đi giá trị cốt lõi, không mất tính hấp dẫn của một đô thị đặc thù và xứng đáng trở thành Đô thị di sản như mong mỏi của thành phố??? Đây là câu hỏi bắt buộc các phía tham gia trong câu chuyện này phải nghiêm túc nhìn nhận trước khi quyết định sinh mạng khu lõi đô thị này. Bởi sai lầm với di sản thì sẽ không còn có cơ hội để sửa chữa.

TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên 

Đăng theo Facebook Nguyen Hanh Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

Nguyên Hạnh Nguyên

Published by
Nguyên Hạnh Nguyên

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

4 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

6 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

7 giờ ago