Đà Lạt của ai?
- Mai Quốc Ấn
- •
Đêm cuối của “Đỉnh cao Đế quốc”?
“Thành phố không có lịch sử” Đà Lạt được xây dựng trước rồi mới đưa dân đến sau. Lịch sử của Đà Lạt gồm có bốn giai đoạn chính và giai đoạn thứ tư đang chứng kiến một sự thụt lùi đáng kinh ngạc.
Nói một cách dễ hiểu, từ “đỉnh cao đế quốc” như nhà nghiên cứu Eric Jennings đã gọi tên, Đà Lạt đang đối diện với bước cuối cùng để đi xuống vực sâu về quy hoạch.
Một thời vàng son
Đà Lạt khi người Pháp chưa đặt chân đến vẫn rất hoang sơ và là nơi cư trú của người dân tộc bản địa: người Lạch. Đây là giai đoạn lâu nhất của vùng đất này.
Khi giáo sư sử học Eric Jennings đế Zurich (Thụy Sĩ) để tìm hồ sơ của Congrès International d’Architecture Moderne (Đại hội Kiến trúc sư Hiện đại Quốc tế). Đồ án quy hoạch Đà Lạt do Pháp thực hiện “đã được trình bày ở tổ chức uy tín này như một thành phố kiểu mẫu – thành phố “xanh””. Tựa quyển sách của Eric Jennings là Imperial Heights (Đỉnh cao đế quốc), vì ông thấy được tầm vóc lịch sử, văn hóa, kiến trúc và các giá trị lâu đời của Đà Lạt.
Vì sao không là Hà Nội mà Đà Lạt mới chính là nơi được chọn làm trung tâm hành chính của Đông Dương thời Pháp thuộc? E là Eric Jennings cũng chưa lột tả được tầm nhìn sâu xa của người Pháp khi ấy trong quyển Đỉnh cao đế quốc hay quyển Vichy in the Tropics (Chính phủ Vichy ở vùng nhiệt đới) mà ông viết trước đó. Những bí ẩn lịch sử vẫn nằm sâu đâu đó, kín đáo chờ đợi những người có đủ tình yêu với Đà Lạt, tài năng khám phá thực tế và tư liệu lịch sử. Và cả cơ duyên…
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa có những điều táo bạo vào đầu tư sản xuất cho Đà Lạt với những mẫu xe La Dalat nhỏ nhắn, phù hợp với vóc dáng Việt Nam khi ấy. Có những trân trọng với đại tự nhiên khi cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm sẵn sàng sa thải không thương tiếc khi có ai để hiện tượng chặt dù chỉ một gốc thông diễn ra. Định hướng Đà Lạt trở thành một trung tâm giáo dục nên Đại học Đà Lạt khi ấy chú trọng vào chất lượng và thực sự các lứa đào tạo ra vô cùng chất lượng. Thành phố này cũng một địa điểm huấn luyện quân sự khi trường võ bị Đà Lạt được dựng lên. Nông nghiệp và tôn giáo cũng được phát triển.
Đà Lạt như vậy được giữ gìn gần như nguyên bản suốt giai đoạn lịch sử 1954-1975. Mức phát triển cư dân đô thị nơi đây được áp dụng một cách khoa học đến mức năm 1975, Đà Lạt có 80.000 dân (1943 có 25.000 dân), đúng như quy hoạch của người Pháp trước đó.
Đà Lạt không chỉ là nơi nghỉ dưỡng của giới thượng lưu Sài Gòn mỗi cuối tuần. Nó còn là nơi giao thương buôn bán ra biển qua tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt. Những cư dân đến đây và “bén rễ” vì sự bình yên của nơi này…
Một Đà Lạt khác sau 1975
Ngay sau 30/4/1975, có 10.000 người của “bên thắng cuộc” đã đến Đà Lạt. Có thể hiểu đó là một cuộc “di dân” lớn mang màu sắc chính trị nếu nhìn vào dân số Đà Lạt khi ấy (80.000 người).
Không cần bàn nhiều về các yếu tố chính trị bởi nhu cầu tiếp quản các hạ tầng và tài nguyên của bất cứ “bên thắng cuộc” nào cũng vậy thôi. Nhưng phải nói thẳng là việc gìn giữ những giá trị thực sự lại không nằm ở sức mạnh của súng ống mà ở sức mạnh của tri thức.
Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt đã “chết lâm sàng” từ 1972 do chiến tranh nhưng nó chỉ thực sự chết hẳn từ sau 1975. Sự thiếu kinh nghiệm, thiếu nghiên cứu khoa học đã khiến những đường ray đặc biệt (hình răng cưa) đem đi thay đường ray bình thường cho tuyến tàu Thống Nhất. Thực sự chỉ có tà vẹt là tái sử dụng được còn lại thì…. bán sắt vụn.
Sau này, nhìn lại giá trị lịch sử thì đã muộn. Một phần nhỏ của tuyến đường sắt này là đường sắt Trại Mát – Đà Lạt dài 7 km được bắt đầu khôi phục vào 2006 và hoàn thành vào 2015 với hơn 5.000 tỷ đồng ngân sách.
Phải nhắc đến tuyến đường sắt này nhiều bởi rõ ràng lịch sử đã chứng minh việc xây dựng lên một giá trị văn hóa lịch sử rất khó. Phá nó đi vô cùng dễ. Và khôi phục lại thì dù tốn kém đến đâu cũng chỉ là “hốt lại bát nước đã đổ đi”. Đã có đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt với ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng. Mỉa mai thay, phá rồi phục dựng lại bằng tiền nhân dân cả…
Chỉ cần nhìn lại bản đồ Google của Đà Lạt theo từng năm thôi sẽ thấy Đà Lạt biến đổi khủng khiếp. Những người tìm đến Đà Lạt và định cư ngày càng đông hơn nhưng nếu so ra thì lại ít hơn những người đang điều khiển dòng tiền và coi Đà Lạt là nơi “rửa”. (Xin phân tích trong bài sau).
Đà Lạt biến dạng hẳn vì tầm nhìn quy hoạch và lòng tham của con người. Thông thôi reo nhiều vì bị chặt hạ, bị tiêm tuốc độc vào thân vào gốc để lấy chỗ cho các dự án bất động sản. Các kiến trúc cổ trở thành những địa điểm kinh doanh và xuống cấp, biến dạng rất nhanh vì sự tắc trách quản lý lẫn trình độ quản lý. Ô nhiễm đã biến dạng nhiều dòng suối, nhiều con thác.v.v…
Những cư dân bản địa không ham mê ồn ào đang bị những cư dân nhập cư thiếu tế nhị lấn át. Nó tương tự như cách mà người viết ngồi ở cafe Tùng và nghe một giọng ở xa oang oang “Chị cứ nghe em, kiểu gì chả thắng. Lô đất ấy sẽ lên giá…”. Nhìn sang, một trong vài đại gia lâu năm của Đà Lạt vẫn âm trầm nhưng có phần chịu đựng trước một tay “cò đất cao cấp” mà “mấy anh ngoài đó” gửi gắm….
Đà Lạt. Nếu ai còn yêu nó. Có lẽ chỉ còn là cái lạnh và một hoài niệm cũ giàu tính học thuật và xúc cảm. Những cô gái, chàng trai đến đây selfie và ngắt hoa có lẽ chỉ thoáng thấy một “chéo áo” của vùng đất đầy giá trị này chứ đừng nói là chạm vào những gì nguyên bản.
Các giá trị ấy đã chết từ sau ngày có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn…
Đà Lạt. Có lẽ giờ chỉ còn trong tay những người sẵn sàng làm biến dạng nó, bất chấp nhân dân phản đối.
Mai Quốc Ấn (Nhà báo)
Theo Facebook Quốc Ấn Mai
Xem thêm:
Từ khóa Di sản văn hóa Đà Lạt quy hoạch đô thị