Categories: Xã luậnBlog

Tản mạn về tranh luận

Vài năm gần đây nhiều công trình của các học giả nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… đã được xuất bản trở lại sau thời gian dài không được phổ biến, kể cả trong môi trường học thuật.

(Ảnh minh họa/ wikimedia.org)

Những tác phẩm báo chí, khảo cứu văn hóa, tùy bút ghi chép của các nhà văn hóa này đã mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết mới về xã hội Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945, khoảng thời gian mà trước đây chúng ta chỉ thường được biết một phần nhỏ từ dòng văn học “hiện thực phê phán” được “chọn lọc” giảng dạy trong nhà trường (ở miền Bắc).

Xã hội Việt Nam trước 1945 qua những gì được học và đọc qua văn học, hiện ra khung cảnh nông thôn thì nghèo đói bần cùng tăm tối những chị Dậu, anh Pha, lão Hạc, Chí Phèo…; thành thị thì đầy rẫy lưu manh đĩ điếm, thị dân tiểu tư sản những Xuân tóc đỏ, Năm Sài Gòn, cụ Cố Hồng, bà Phán, cô Kếu tân thời… Đâu đó thấp thoáng bóng dáng thầy giáo nghèo, dân buôn gánh bán bưng, mấy cô tiểu thư lãng mạn, vài thanh niên sống với “lý tưởng” xa vời nào đó. Kiến thức môn lịch sử cho biết thêm về phong trào dân chủ 1936 – 1939 với tên một số tờ báo, vài nhà báo… nhưng cũng chỉ vậy. Hầu như các tác phẩm báo chí hay những cuộc tranh luận mà tác giả không phải là người hoạt động trong phong trào cách mạng… thì không có trong chương trình giảng dạy. Vì vậy đã có những thế hệ học sinh, sinh viên không hề biết đến những học giả trên, hoặc chỉ biết về họ chưa dưới một cái lý lịch “phản động”.

Nay qua các tác phẩm của những học giả, những nhà văn hóa nổi tiếng trước 1945 hiện lên hoạt động tinh thần của tầng lớp trí thức và thị dân ở đô thị khá đa dạng. Ở đó, như trường hợp sưu tập tác phẩm của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và chỉnh lý, ta thấy rõ một điều, thực sự đó là những tác giả và tác phẩm chống lại chế độ áp bức con người, đấu tranh cho tự do và nhân quyền.

Khi lý giải vì sao ông Phan Khôi có thể viết những bài báo phản biện, đấu tranh thậm chí chống đối nhà cầm quyết Pháp một cách mạnh mẽ, có thể lên tiếng về những vấn đề xã hội trên nhiều lĩnh vực như thế… nhiều người đã nêu ra những lý do như, mặc dù là thời thuộc Pháp nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn thực hiện tự do báo chí, dân chủ ở mức độ nhất định, do bản lĩnh, sự dũng cảm “dám nói” của Phan Khôi, kiến thức uyên bác và tri thức vững chắc của ông trên nhiều lĩnh vực…

Nhưng đồng thời không thể không nhận thấy không khí tranh luận trao đổi của ông và các bậc thức giả thời đó rất lành mạnh, nội dung có khi rất gay cấn, có thể đối lập, lời lẽ tranh biện rất sắc sảo nhưng giọng điệu ôn tồn, đúng mực, không gay gắt không ám chỉ hay phê phán cá nhân, không xúc phạm đời tư của nhau, không miệt thị kiểu như “ông biết gì về lĩnh vực này mà nói”, không đả kích kiểu “cái ông này chỗ nào cũng xía vô”… Những vấn đề từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế đến xã hội… các học giả trong vai trò người trí thức đã lên tiếng trước thời cuộc, với trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Qua những cuộc tranh luận hay trao đổi, không chỉ tầng lớp trí thức hiểu nhau hơn, có thể đi đến đồng thuận với nhau, mà quan trọng hơn xã hội được thêm những tri thức từ họ, dân trí được nâng cao cũng từ đó chứ không chỉ từ giáo dục trong trường học. Sự dân chủ được họ “thực hành” với đúng tinh thần dân chủ, đó là đối thoại trong tinh thần tôn trọng con người.

Tự do bày tỏ chính kiến còn là nhân cách người trí thức. Khi quan điểm, cách nhìn khác nhau thì tôn trọng sự khác biệt, tranh luận vì mục đích tìm chân lý chứ không hơn thua “lấy ngôn đè người”, không bao giờ cố có tiếng nói cuối để làm “người thắng cuộc” trong sự hãnh tiến. Không nấp vào số đông để đàn áp ý kiến thiểu số theo kiểu “ném đá”, cũng không dựa vào địa vị để “độc quyền chân lý”.

Trong cuộc sống cũng như trong học thuật, tranh luận, phản biện, đối thoại là chuyện cần làm và phải được coi là bình thường. Mỗi người có quyền tự do bày tỏ chủ kiến của mình và để người khác tự do “mở miệng”. Ai cũng vậy, có nói ra mới biết mình đúng sai thế nào. Có một môi trường “văn hoá tranh luận” có sự tôn trọng thì người ta có thể và dám nói. Bằng không, người ta ngại, sợ hoặc không muốn nói! Tệ hơn nữa, hễ “mở miệng” là chỉ xếch mé mỉa mai hay chửi bới nhục mạ lẫn nhau. Cứ thế sẽ không còn sự trao đổi, đối thoại, tranh luận… Khi không ai nói gì thì có vẻ như yên ổn, nhưng là sự yên ổn của mặt ao tù nước đọng.

Và chỉ khi bản thân giữ được một tinh thần tự do, con người mới biết tôn trọng những khác biệt, đối thoại bình tĩnh và khoan hòa, thừa nhận sai lầm của mình với sự cầu tiến. Đồng thời luôn xác định một chỗ đứng độc lập để bày tỏ chủ kiến chứ không ẩn mình trong một đám đông để ảo tưởng về “sức mạnh” hay né tránh trách nhiệm.

Theo facebook Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm:

Nguyễn Thị Hậu

Published by
Nguyễn Thị Hậu

Recent Posts

Bà Chủ Xuyên Việt Oil bị đề nghị mức án 30 năm tù

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…

2 giờ ago

Biểu tình ôn hòa chống NATO biến thành bạo động tại Montreal, Canada

Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…

2 giờ ago

Quảng Nam: Một điểm trường vừa khánh thành bị sập do đồi sạt lở

35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…

3 giờ ago

Iran công bố động thái hạt nhân mới

Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…

3 giờ ago

Mưa lũ, sạt lở, nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Bình Định bị chia cắt

Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…

4 giờ ago

Đi tiểu nhiều, ù tai là triệu chứng thận hư, xoa bóp có thể cải thiện triệu chứng

Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…

4 giờ ago