Tranh luận xung quanh ‘khoảng không’ bí ẩn ở trung tâm kim tự tháp Giza
- Thành Đô
- •
Một nhóm các nhà khoa học đã dùng công nghệ quét bằng tia vũ trụ (muon) để khám phá ra một “khoảng không lớn” bí ẩn bên trong Đại kim tự tháp Giza. Và mặc dù nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là một kiến trúc bên trong kim tự tháp chưa từng được phát hiện, các nhà Ai Cập học lại không tán đồng.
Dự án nghiên cứu với tên gọi “ScanPyramids” được khởi động vào cuối năm 2015 với kế hoạch chụp quét 4 kim tự tháp Ai Cập bằng nhiều công nghệ mới và tiên tiến. Đối với Đại kim tự tháp, nhóm nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật quét bằng cách theo dõi đường đi của các hạt muon – loại hạt cơ bản được tạo ra khi các tia vũ trụ va chạm với các nguyên tử ở tầng cao của khí quyển Trái Đất.
Video giới thiệu dự án ScanPyramids
Nhóm nghiên cứu đã phát triển ba kỹ thuật dò tìm hạt muon và theo dõi đường đi của những hạt này qua Đại kim tự tháp. Hạt muon sẽ đi theo đường thẳng trừ khi nó va phải một vật thể cứng hoặc mật độ cao, và có thể sẽ bị đổi hướng một chút. Bằng cách đo đạc đường đi của những hạt này các nhà khoa học có thể xác định liệu chúng có đi qua đá rắn không, hay đi qua không gian rỗng.
Công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết đã khám phá ra một khoảng trống lớn phía trên Grand Gallery trong Đại kim tự tháp. Họ tiến hành soi chụp bằng tia muon 3 lần và cho thấy có tồn tại khoảng trống, ước tính dài khoảng 30m.
Nhưng khoảng trống đó dùng để làm gì thì vẫn là một ẩn đố, và các nhà khoa học đang do dự chưa dám rút ra bất kỳ kết luận nào từ dữ liệu thu thập được.
“Chúng tôi tin rằng khoảng trống tồn tại”, Hany Helal, một kỹ sư làm việc trong dự án nghiên cứu phát biểu trong cuộc họp báo gần đây. “Nó có nghĩa gì, vì sao nó ở đó, mục đích của nó là gì? Chúng ta cần có một cuộc thảo luận quốc tế để biết được cụ thể khoảng trống đó có thể là gì.
Mendi Tayoubi, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu tỏ ra khá lạc quan với lý thuyết của mình, ông đã đề xuất một ý kiến cho rằng “khoảng trống” là được xây dựng hữu ý và được giấu đi chứ không phải là một khoảng trống ngẫu nhiên trong xây dựng.
>>Các nhà khảo cổ đưa ra bằng chứng mới về cách xây dựng kim tự tháp Ai Cập
“Không phải là người ta thử xây cái gì đó rồi bỏ cuộc,” Tayoubi nói với Ars Technica. “Việc thiết kế và thi công của công trình này đã được lên kế hoạch rất cẩn thận. Đó không phải là một việc xây dựng bất thường. Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng thảo luận với các nhà Ai Cập học về vấn đề này.”
Cuộc “thảo luận” này với các nhà Ai Cập học có vẻ như không có tác dụng. Zahi Hawass có lẽ là nhà khảo cổ học người Ai Cập có ảnh hưởng lớn nhất và ông từng là Bộ trưởng ngành cổ học, đã tỏ ra nghi ngờ về “khoảng trống” này. Tuy cuộc nghiên cứu đã công bố sôi nổi về khoảng trống là “một kiến trúc lớn bên trong Đại kim tự tháp lần đầu tiên tìm thấy kể từ thế kỷ 19”, nhưng ông Hawass nói phát hiện này không chỉ không mới, mà từ lâu người ta đã biết trong kim tự tháp có rất nhiều khoảng trống.
Ông Hawass cũng phê bình cách mà các nhà khoa học công bố kết quả. Ông nói những câu chuyện như thế này thường châm ngòi cho những ý tưởng khoa học giả trong dân chúng. Ông gọi những người có ý tưởng đó là “tên ngốc về kim tự tháp.”
“Chúng ta đã thấy nhóm nghiên cứu Quét Kim tự tháp này đưa ra video vào tháng Mười năm ngoái về công việc nghiên cứu của họ trong Kim tự tháp Khufu,” ông Hawass trả lời phỏng vấn. “Cuối video người ta thấy một đường hầm mô phỏng 3D đằng sau những phiến đá hình chữ V ở gần đáy kim tự tháp. Đường hầm mô phỏng này hoàn toàn chỉ mang tính giả thuyết để lý giải cho hiện tượng kỳ lạ khi chụp quét. Dự án này không thể xác định được hình dạng, kích thước hay vị trí chính xác của khoảng trống. Vì vậy chúng ta cần phải cẩn thận khi công bố kết quả nghiên cứu ra công chúng.”
Nghiên cứu mới này ắt hẳn rất thú vị về mặt công nghệ. Đây chắc chắn là một cách mới và tiên tiến để khám phá những khu khảo cổ. Nhưng nếu khoảng trống này là một căn phòng bí ẩn, có thể có đầy châu báu, thì chúng ta cũng không có cách nào để khẳng định chắc chắn. Khoảng không này bị bao bọc hoàn toàn và nếu không làm hư hại Kim tự tháp thì với công nghệ hiện tại chúng ta không có cách nào để tìm hiểu.
>>Kim tự tháp Giza là nhà máy phát điện thời cổ đại? Giả thuyết và kiểm chứng
Cách nhìn mới
Các nhà nghiên cứu trong dự án này nói rằng họ đã cố tình không mời các nhà Ai Cập học tham gia dự án để nhìn nhận kim tự tháp bằng một “con mắt mới mẻ và thậm chí là ngây thơ”. Mục đích là để tránh những định kiến có sẵn dựa trên những dữ liệu vật lý khô cứng về kim tự tháp.”, theo website Live Science.
Ở thời điểm này chưa có kế hoạch nào được đưa ra để đột phá qua các bức tường và nhìn xem cái gì nằm trong khoảng trống đó. Không có cách nào để truy nhập vào khoảng không đó thông qua hành lang hay những căn phòng có sẵn, và chính phủ sẽ không thông qua bất kỳ phương án có tính phá hủy nào.
Nhóm nghiên cứu đang xem xét khả năng đặt thêm máy dò muon ở bên trong căn phòng của Nhà vua để nhìn khoảng trống này từ một góc độ khác.
Video dự án ScanPyramids 2017:
Theo NewAtlas,
Thành Đô
Xem thêm:
Từ khóa tia vũ trụ Ai Cập kim tự tháp kim tự tháp Giza