Làm cách nào để giúp con trẻ “xốc lại” tinh thần học tập sau một kỳ nghỉ hè vui chơi thoải mái không đụng tới sách vở?
Đối với người lớn đã rời xa quyển tập và cây bút nhiều năm, thì mùa thu không có gì quá đặc biệt. Nhưng đối với trẻ em mà nói, mùa thu chính là khoảng thời gian khá có ý nghĩa. Chia tay mùa hè sôi động để bước vào mùa thu, bước vào năm học mới. Có thể con bạn sẽ vẫn còn trong trạng thái chưa sẵn sàng để quay lại với sách vở sau những ngày hè thoải mái.
Hãy cùng trẻ sắp xếp lại khu vực tự học ở nhà. Làm mới lại bàn học cũng là một cách giúp trẻ biết rằng trẻ sắp sửa phải quay lại với việc học hành nghiêm chỉnh. Đối với trẻ em, việc có một góc học tập được thiết kế hợp lý là một điều rất tuyệt vời. Hãy chắc chắn rằng, bạn trang bị đầy đủ tất cả các dụng cụ học tập cần thiết cho trẻ, thêm vào đó là chiếc đèn bàn với ánh sáng thích hợp cũng rất cần thiết. Một chiếc bàn vừa tầm và một chiếc ghế êm ái thoải mái có thể khiến các con yêu thích góc học tập của mình hơn, do đó cha mẹ cần lưu ý khi chọn bàn ghế cho trẻ.
Hãy giúp trẻ xốc lại tinh thần để bước vào năm học mới với các gợi ý từ những giáo viên có dày dặn kinh nghiệm dưới đây:
Chơi đá bóng hoặc chơi đàn vĩ cầm có thể giúp trẻ học tập tốt hơn. Các giáo viên có nhiều kinh nghiệm khẳng định rằng bên cạnh sách vở thì các tương tác khác có thể giúp trẻ nâng cao hiệu suất học tập. Những trẻ học tốt thường là những trẻ tích cực và có được sự cảm thông, và những điều ấy được phát triển trên những kỹ năng lành mạnh trong cuộc sống, hoặc trẻ học hỏi từ những người trong gia đình, từ trong những môn thể thao trẻ tham gia, hay từ việc thích thú chơi một nhạc cụ nào đó hoặc có thể từ những quyển sách mà trẻ đã đọc qua. Tham gia những hoạt động ngoại khóa cũng là một cách lành mạnh để giảm những căng thẳng.
Giờ ngủ của trẻ trong mùa hè có thể sẽ khá thoải mái, không có quy định sát sao. Nhưng hãy dành một hoặc hai tuần trước khi kết thúc kỳ nghỉ để điều chỉnh lại giờ giấc, bảo đảm cho trẻ ngủ đủ giấc là việc rất quan trọng. Do đó việc lập nên một quy định về giờ đi ngủ và giờ thức dậy để bảo đảm một giấc ngủ đủ là cần thiết cho trẻ, nhất là ở lứa tuổi học cấp hai và trung học, trẻ thường ngủ không đủ giấc.
Không nhất thiết phải hướng trẻ đến những quyển sách văn học cổ điển thuần khiết hoặc một quyển sách về danh nhân nào đó, điều quan trọng chính là khuyết khích trẻ đọc nhiều và yêu thích việc đọc sách. Đọc sách là cách tốt nhất để trẻ em có thể tích lũy kiến thức cho mình, và điều này hoàn toàn đúng với trẻ học bất kỳ cấp lớp nào. Đọc tất cả mọi thứ như sách, tạp chí, nhật báo, truyện tranh thậm chí cả những gì in bên ngoài hộp ngũ cốc hoặc bảng chỉ đường thì đều tốt cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ, trẻ mới bắt đầu đọc sách thì cha mẹ nên dành một thời gian cố định trong ngày để cùng đọc với trẻ, điều này sẽ là động lực để trẻ có hứng thú đọc nhiều hơn.
Để trẻ làm việc nhà sẽ giúp các bé học được cách quản lý thời gian, có trách nhiệm và có kỹ năng sắp xếp tổ chức hơn. Một cách giúp trẻ tiến bộ hơn trong việc phụ giúp cha mẹ làm việc nhà: cha mẹ nên ghi lại những công việc được phân công và thời gian trẻ hoàn thành và quan trọng hơn nữa là ghi lại quá trình trẻ nỗ lực để hoàn thành như một ‘hồ sơ lưu lại’. Cách này có thể phù hợp với nhiều lứa tuổi. Và khi hướng dẫn trẻ làm việc nhà, cha mẹ cũng nên cho trẻ học một cách liên tục, mỗi ngày một ít, trẻ sẽ dần dần tự hoàn thiện các kỹ năng cần có để xử lý tốt công việc. Không nên nhồi nhét cùng lúc quá nhiều cũng như kỳ vọng trẻ có thể làm được ngay, như thế đôi khi sẽ phản tác dụng.
Thật ra với trẻ em mà nói, đôi khi chỉ cần những món đồ nho nhỏ cũng là trẻ vui vẻ hứng thú với việc học hơn. Có thể là một cục tẩy hình con vật hoặc một tấm bìa lấp lánh kim tuyến cũng khiến trẻ hăng hái trong học tập hơn. Không cần phải mua những gì quá đắt tiền, có thể chỉ cần vài tấm nhãn dán có hình ảnh trong bộ phim Star Wars dán trên hộp bút cũng khiến trẻ có đam mê với hành tinh với tàu vũ trụ… khiến trẻ tha hồ thả hồn đến những thiên hà xa xôi.
Đến thư viện trẻ sẽ được tiếp xúc với thế giới kiến thức rộng lớn, từ đó giúp trẻ có niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau. Khuyến khích trẻ tự tìm ra điều mình yêu thích, sự tò mò về cái mới sẽ dẫn trẻ đến các kệ sách một cách tự nhiên. Có thể trẻ sẽ phát hiện ra mình đặc biệt yêu thích một chủ đề nào đó, và điều đó hoàn toàn có ích cho việc định hướng khi trẻ lên đại học, nếu không thì việc nghiên cứu sâu một chủ đề cũng sẽ khiến trẻ thu được những lợi ích trước mắt như những từ ngữ chuyên ngành mới, những ý tưởng và lập luận… Trẻ có thể phát triển khả năng tư duy, suy luận từ những gì trẻ đọc được.
Giám sát chặt chẽ khi trẻ làm bài tập ở nhà không chỉ không khiến trẻ đạt được điểm tốt và ngược lại còn khiến trẻ mất đi tính tự giác, trẻ sẽ bị phụ thuộc vào sự thúc đẩy của cha mẹ. Cha mẹ luôn là người sẵn sàng để giúp đỡ và chỉ dẫn con cái, nhưng theo từng năm, bạn nên thả lỏng dần để trẻ tự mình thu xếp việc học của mình. Trẻ ở lớp 4, lớp 5 thì không cần cha mẹ phải kiểm tra cặp hàng đêm để giúp trẻ làm bài tập. Hãy để trẻ tự chịu trách nhiệm với hậu quả của việc chưa hoàn thành các bài tập được giao, hoặc quên làm bài tập ở nhà. Trẻ sẽ tự mình thu xếp tốt sau khi đã có kinh nghiệm về chuyện đó.
Sẽ có trường hợp bút thước mới được mua tuần trước, sang đến tuần sau thì hộp bút đã trống rỗng. Do đó, phụ huynh nên cần trang bị dư ra đồ dùng học tập cho trẻ, và nên nhắc nhở trẻ tự kiểm tra đồ dùng xem món nào bị thiếu mất để thêm vào cho đầy đủ. Tránh tình trạng trẻ đến trường nhưng không có cây bút nào trong cặp và phải mượn của bạn khác hoặc mượn của giáo viên.
Giờ chơi và giờ giải lao thật sự quan trọng đối với sức khỏe thể chất của trẻ, thêm vào đó trẻ cần học hỏi những kỹ năng cần thiết ngoài xã hội, những điều liên quan đến cảm xúc của trẻ và sự sáng tạo của trẻ. Hãy để trẻ được chơi đùa, không cần giới hạn, không cần quản lý quá chặt chẽ, hãy để trẻ được chạy chân trần trên bãi cỏ một cách thỏa thích.
Cha mẹ sẽ là tấm gương sáng để con noi theo, nếu bạn không ngừng học hỏi, không ngừng học tập cái mới thì con bạn cũng sẽ như thế. Điều quan trọng là bạn phải làm cho trẻ có hứng thú với trường học. Đừng làm trẻ sợ trường học cũng như có những suy nghĩ tiêu cực về việc đi học. Hãy nói với trẻ về những bạn bè mà trẻ sẽ gặp trong trường, sẽ gặp gỡ nhiều người mới, tìm hiểu về những giáo viên mới, tìm hiểu xem thế giới hấp dẫn như thế nào… những điều này đều khiến trẻ có hứng thú để đến trường.
Theo Reader’s digest
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…