Làm thế nào để nuôi dạy con tốt luôn là mối bận tâm của các bậc cha mẹ. Cách tốt nhất là làm bạn với con, để con cái có thể dễ dàng chia sẻ những khó khăn và thắc mắc của chúng và đồng thời vẫn giữ được sự uy nghiêm của cha mẹ để khuyên răn khi con phạm sai lầm.

Trong cuốn sách “How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk”  (Tạm dịch: Làm thế nào để nói trẻ nghe và nghe trẻ nói), Adele Faber và Elaine Mazlish đã chia sẻ cho những bậc phụ huynh một số phương pháp “ngoài nhu trong cương” này.

1. Hãy để trẻ giải bày cảm xúc

Một trong những bài học quan trọng khi còn nhỏ là trẻ phải biết diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình, đôi lúc những suy nghĩ ấy rất trẻ con, nhưng đó là điều cần thiết cho tài năng nói sau này của chúng. Thế nào là buồn, vui, mất mát,… chúng phải học qua thực tế, hãy giúp chúng diễn đạt bằng cách lắng nghe. Ví như:

Trẻ: “Con bị mất hộp chì màu rồi. Sáng con để trong cặp đi học mà”.

Lúc này, cha mẹ không nên đưa ra lời khuyên ngay lập tức, kiểu như: “Thôi đừng buồn nữa con yêu, bố sẽ mua cho con hộp khác”. Như vậy, trẻ sẽ khóc to hơn. Hãy chấp nhận cảm xúc của chúng, bằng cách nói: “Ồ, chắc con buồn lắm nhỉ”.

Trẻ: “Con vẽ được rất nhiều tranh đẹp bằng hộp bút đó”.

Bố: “Ừ, mất hộp màu yêu thích thật là buồn”.

Trẻ: “Con bỏ quên hay nó rơi mất nhỉ?”.

Bố: “Con đúng là rất yêu thích vẽ tranh đấy”. Lúc này cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên: “Lần khác con nhớ cẩn thận hơn nhé!”

– Đối với những đòi hỏi có phần quá đáng của trẻ, đừng nạt chúng. Hãy nhẹ nhàng nói lên điều mong muốn của mình với trẻ và từ từ giải thích. Ví như:

Trẻ: “Con rất muốn ăn bánh phồng tôm”.

Mẹ: “Mẹ ước rằng sẽ có rất nhiều phồng tôm cho con ăn”.

Trẻ: “Con muốn ăn thêm cơ…”

Mẹ: “Mẹ biết con rất muốn ăn, nhưng con ăn nhiều quá rồi, mẹ ước là con có thể ăn mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay chúng ta ăn trái cây nhé”.

trở thành bạn của con
(Ảnh: shutterstock.com)

>> 10 điều hay các bậc cha mẹ nên dạy cho con trẻ

2. Khuyến khích sự hợp tác

Điều các bậc cha mẹ hay phạm phải khi dạy con là cằn nhằn và la mắng như: “Sao con để giường bừa bộn thế? Sách vở sao không sắp xếp? Con quên tắt nước ở bồn tắm này? Con bất cẩn quá. Thế này sao học hành được chứ?” v.v…

Trẻ con là những ‘thiên thần’ mới đến thế gian, chúng chưa biết cách và hiếu động, tò mò nên phạm lỗi lặt vặt là thường xuyên. Thay vì la mắng, chúng ta hay hợp tác và chỉ dẫn chúng. Ví dụ:

– Khi trẻ để sữa ở ngoài tủ lạnh. Hãy nói: “Sữa sẽ hỏng khi con để ngoài tủ lạnh. Đem cất vô tủ đi con”. Hay: “Sách vở cần xếp ngay ngắn. Cùng xếp lại với mẹ nhé”. Bạn làm mẫu, trẻ sẽ làm theo. Hay chỉ cần đơn giản nói một từ: “Vòi nước chảy kìa con”. Trẻ sẽ tự biết đóng lại.

– Nếu sợ con xem TV quá giờ, hãy ghi mẩu giấy nhỏ dán trên TV: “Trước khi xem TV, con nhớ học hết bài nhé”.

– Muốn trẻ giữ trật tự trong giờ nghỉ trưa, hãy ghi chú trước cửa phòng: “Bố mẹ nghỉ trưa, con đừng gõ trống nhé”.

>> Phương pháp giáo dục con thành công của “Hàn Quốc Đệ nhất Từ Mẫu”

3. Từ cho phép lựa chọn đến hình phạt

Đôi lúc trẻ cũng bướng bỉnh không nghe lời, lúc này các bậc cha mẹ có thể suy nghĩ những biện pháp thay thế hình phạt như: Chỉ ra lỗi lầm của chúng. Thể hiện cảm giác của bạn đối với việc chúng làm. Nói lên kỳ vọng. Chỉ cho chúng sách sửa chữa. Đưa ra lựa chọn cho trẻ. Hãy để trẻ thấy trách nhiệm bằng hình phạt. Ví dụ:

Thể hiện cảm xúc của bạn: “Bố rất bực vì cái cưa mới của mình lại bị để ngoài trời nên rỉ mất”.

Diễn đạt kỳ vọng: “Bố mong rằng đồ của bố nếu con mượn sẽ được trả lại ngay và còn tốt”.

Chỉ cho trẻ cách sửa: “Cái cưa này cần một ít bùi nhùi thép, mỡ và một lớp dầu mỏng bôi lên sau khi làm xong để bảo quản nó sau này”.

Trẻ có thể sẽ nói: “Dạ, để con làm”.

Nếu trẻ vẫn tiếp tục mượn và quên. Hãy đưa ra lựa chọn: “Con có thể mượn đồ của bố và trả đúng chỗ. Hay con sẽ mất quyền sử dụng. Tùy con chọn nhé”. Nếu trẻ tiếp tục quên. Hãy khóa hộp đồ của bạn lại.

Hãy giải quyết vấn đề bằng cách thỏa thuận và ‘hợp đồng’ ghi rõ cả điều khoản ‘trừng phạt’, tuy nhiên đừng đối xử như chủ nô với nô lệ của mình. Ví dụ: “Bố biết con muốn mượn đồ của bố. Nhưng bố cũng cần sử dụng và nếu con bỏ ra ngoài thì bố sẽ khó tìm thấy. Con thấy thế nào? Nếu không bỏ đúng nơi, bố sẽ khóa hộp đồ lại đấy”.

Hãy dạy trẻ bằng những lý lẽ đúng, để khi lớn lên chúng có thể hình thành một ‘thế giới quan’ biết phân biệt đúng sai, phải trái vì chúng biết suy luận, tư duy chứ không chỉ biết nghe lệnh bạn một cách rất ‘ngoan ngoãn’ như những con cừu.

4. Khuyến khích sự độc lập

Cha mẹ ai cũng đều muốn con cái của mình trưởng thành, độc lập và tài năng. Nhưng chỉ với những kiến thức chúng ta học được, và thời gian chúng ta có được ở bên trẻ cũng không nhiều, vậy tại sao không dạy trẻ tìm kiếm kiến thức bên ngoài từ bạn bè, thầy cô. Dạy chúng cách tự làm việc, tìm hiểu và học hỏi từ người khác. Nếu cảm thấy phù hợp khả năng của chúng, hãy để trẻ tự giải quyết, phạm sai lầm và rút kinh nghiệm từ sai lầm. Ví dụ dùng những câu như:

“Con muốn uống nửa hay cả cốc nước hoa quả?”

“Năm phút nữa chúng ta sẽ về. Con thích đi cầu trượt một lần nữa hay đi chơi xích đu?”

“Con muốn thế nào? Tập đàn bây trước hay sau bữa tối?”

… để dạy trẻ tự quyết định. Nếu trẻ đã cố gắng, dù thành hay bại, hãy tôn trọng nỗ lực và khuyến khích chúng, vì cuộc sống là vậy, không chỉ có những thành công. Thay vì “Sao con đi giày lâu thế”, hãy nói: “Thắt dây giày đòi hỏi ngón tay phải rất khéo, hãy cố gắng luyện tập con nhé”.

Hãy khuyến khích trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài như bạn bè, những người xung quanh. Ví dụ: “Mẹ ơi, mấy con cá cảnh của con có vẻ lờ đờ? Con có thể làm gì để giúp chúng?” – “Mẹ nghĩ, người bán thú nuôi có khi biết đấy con ạ”.

Kết quả hình ảnh cho chơi với con
(Ảnh: shutterstock.com)

>> Cha của tỷ phú Bill Gates giáo dục con như thế nào?

5. Tán thưởng nỗ lực của trẻ

Trong cuốn sách “How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk”, tác giả cũng cho biết rằng khen ngợi đúng lúc sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình – nơi tôn trọng những điều tốt đẹp nhất của chúng thì sẽ có nhiều khả năng tự đánh giá tốt về mình và dễ đương đầu với thử thách trong cuộc sống, dễ đặt ra những mục tiêu cao hơn so với những trẻ không có may mắn trên. Hãy nói những câu như:

“Mẹ thấy bàn học của con dọn gọn gàng rồi này. Sách vở ngay ngắn, loại nào ra loại đó. Đó gọi là gọn gàng đấy. Cố gắng phát huy nhé con”.

Tuy nhiên, tùy từng lứa tuổi bố mẹ cần cân nhắc những lời khen phù hợp và cụ thể với tâm lý của chúng.

6. Đừng ‘gán nhãn’ cho trẻ

Một đứa trẻ sẽ hư nếu bố mẹ chúng thường xuyên nói: “Con thật là hư”. Nếu bạn gán nhãn cho một đứa trẻ chậm hiểu, trẻ sẽ tự coi mình là chậm hiểu. Nếu bạn gán mác cho trẻ ‘bướng bỉnh, rồi mày sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu?’ thì rất có thể chúng sẽ như thế. Hãy ngừng nói những câu như thế, tôn trọng trẻ và chú ý vào những biểu hiện tích cực của trẻ hơn. Ví như:

Trẻ: “Hôm nay con không nhảy qua dây được trong giờ tập thể dục, cô giáo bảo con vụng về”.

Mẹ: “Mẹ đoán là cô không biết con rõ như mẹ thôi. Mẹ nhớ ngày trước mẹ bị nhốt bên ngoài, con đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ, chạy ra mở cửa từ bên trong cho mẹ vào… Con cũng khéo léo lắm đó chứ. Chỉ cần cố gắng hơn thôi, luyện tập sẽ dần dần tốt lên con ạ”.

>> 20 biểu hiện của trẻ nói lên khuyết điểm của cha mẹ

7. Tham gia hoạt động thể thao cùng trẻ

Thế giới ngày càng bị công nghệ và mạng xã hội chi phối. Các hoạt động thể thao khuyến khích trẻ giao tiếp trực tiếp, tăng cường sức khỏe và khả năng học hỏi, giải quyết vấn đề. Đó có thể là vẽ tranh ở siêu thị, tô tượng, chơi cờ caro, cờ tướng, bơi lội hay cầu lông,… Nếu bạn ở những vùng quê, vùng biển thì có thể tận dụng khoảng không gian trống ở nơi đây để chơi với trẻ. Nếu ở thành phố hãy đăng ký cho trẻ học ở một trung tâm thể thao. Đọc sách cùng nhau cũng có thể là một ‘lựa chọn thể thao’ cho trí não.

Trí lực sẽ không thể phát triển đầy đủ nếu thể lực không tốt, vì vậy hãy chúng con trẻ luyện tập cả hai.

Hoàng Vũ

Xem thêm: