Trước khi trẻ hình thành tính cách, hãy dạy con những điều quan trọng này
- Thanh Trúc
- •
Trong khoảng từ 5 – 12 tuổi là giai đoạn trẻ lớn rất nhanh, là lúc mà con trẻ học những nền tảng cho cuộc sống sau này và cũng là lúc trẻ bắt đầu bước ra khỏi vòng tay mẹ, tiếp xúc dần với xã hội.
Nuôi dưỡng cho con những tính cách, thói quen tốt trước năm 12 tuổi sẽ có thể xây dựng được nền móng tốt đẹp vững chắc cho việc học tập và cuộc sống của con sau này.
Cần chú ý là việc xây dựng tính cách cho con không phải trong ngày một ngày hai. Người lớn phải kiên trì, nhẫn nại.
Giáo dục chính là bồi dưỡng tính cách cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn tiểu học.
Vì vậy, trước khi trẻ hình thành tính cách, các bậc cha mẹ hãy dạy con những điều quan trọng sau:
1. Thái độ sống
Nếu nói cuộc đời là một bản nhạc, vậy thì thái độ sống chính là khúc nhạc dạo đầu quyết định hướng đi trong đời.
– Tích cực:
Có thái độ tích cực đối với cuộc sống là rất quan trọng, con trẻ cần được học điều này. Đương nhiên là mọi việc có thể sẽ thay đổi khó lường, nhưng thường trong cái rủi lại có cái may, vì vậy hãy dạy con trẻ khi gặp khó khăn thì dừng việc oán trách bản thân và người khác lại, tìm cách giải quyết, quan trọng nhất là phải tin vào bản thân mình, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
– Đam mê:
Con đường quan trọng dẫn đến thành công chính là tìm ra được điều khiến con trẻ có đam mê và hoàn toàn tập trung vào nó. Các bậc cha mẹ nên dẫn dắt để con nhận ra đam mê và cách để theo đuổi nó.
2. Giao tiếp xã hội
Chúng ta sống trong xã hội nên không thể không có giao tiếp xã hội, con trẻ cũng như vậy. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ cách giao tiếp với mọi người xung quanh và hòa nhập vào cộng đồng.
– Hợp tác:
Từ nhỏ, nhiều người thường được dạy về ‘chủ nghĩa đấu tranh’, đây cũng là cách mà người lớn khắc họa thế giới. Kết quả là cuộc sống ngày nay đầy tranh đấu và oán hờn. Vì vậy, hãy dạy cho con của bạn rằng con người có thể hợp tác để cùng chiến thắng, cùng thành công chứ không cần phải cạnh tranh với nhau. Trợ giúp người khác thành công cũng sẽ giúp chúng ta đạt được thành công to lớn hơn. Hãy cho con biết rằng “thêm một người bạn thì tốt hơn là tạo thêm một kẻ thù”.
– Đồng cảm:
Hãy dạy con biết đặt mình vào người khác để hiểu cũng như giúp họ giảm bớt và thoát ra khỏi đau khổ. Dạy con biết yêu thương và thấu hiểu người khác hơn bởi “giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính mình”.
– Lắng nghe:
Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu mà các bậc phụ huynh cần dạy cho con trẻ. Hãy để con học cách biết lắng nghe người khác, từ đó biết thấu hiểu và cảm thông.
Dave Kerpen – giám đốc điều hành của Likeable Local và là tác giả của cuốn sách “The Art of People” viết: “Biết lắng nghe và để người khác nói là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc sống, trong kinh doanh và trong mọi mối quan hệ”.
3. Hành vi
Văn hóa đạo đức của một người thể hiện trên từng điều nhỏ nhặt mà họ làm, trực tiếp ảnh hưởng đến ấn tượng của người khác về mình.
– Nói chuyện:
Dạy con khi nói chuyện với người lớn cần kính trọng, lễ phép, với người khác và bạn bè cần nói chuyện một cách có chừng mực, không “đao to búa lớn”, không văng tục chửi bậy, không nói những lời bất hảo hoặc nói xấu người khác. Cho con trẻ biết rằng “cái miệng nó xinh thế, chỉ nói lời hay thôi”.
– Ăn uống:
Có thể thấy được nhân phẩm của một người qua cách ăn uống của người đó. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần dạy con phép tắc quan trọng trong ăn uống như: Mời người lớn trước khi ăn, so đũa cho mọi người, đừng chép miệng khi nhai, đừng cắm đũa trong chén, đừng xới tung đĩa thức ăn, đừng gõ thìa đũa lên chén đĩa, đừng chỉ biết gắp món ăn ngon về mình..
4. Quản lý thời gian
Hãy dạy con về khái niệm thời gian ngay từ khi còn nhỏ, bởi vì thời gian là thứ quý giá nhất, một đi không trở lại. Thời gian chính là vàng bạc, người biết quản lý thời gian tốt sẽ thành công trong tương lai.
5. Kỹ năng
– Làm việc nhà:
Các bậc cha mẹ nên dạy cho con các kỹ năng làm những công việc nhà ngay từ khi còn nhỏ, từ việc đơn giản nhất cho đến những việc khó làm nhất. Đây là điều cần thiết cho cuộc sống của các con sau này.
– Sắp xếp, ngăn nắp, sạch sẽ:
Có rất nhiều đứa trẻ không được học cách giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc… đến lúc bước ra ngoài xã hội, trẻ hoàn toàn không biết hoặc không đụng tay đụng chân vào công việc gì, tạo thành rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hãy dạy cho con trẻ biết thế nào là sạch sẽ, học cách sắp xếp mọi thứ vào vị trí một cách ngăn nắp, sắp xếp những việc cần làm, cách xây dựng quy trình công việc và làm thế nào để tập trung vào những việc quan trọng.
– Quản lý tài chính:
Ngay từ khi còn nhỏ, hãy để con hiểu được giá trị của tiền bạc một cách đúng đắn thì trẻ mới biết quý trọng đồng tiền, không tiêu tiền lung tung, không lãng phí.
Khi đi mua sắm ở siêu thị hoặc khi tiêu một số tiền nhỏ, bố mẹ có thể để con tự mình tính toán số tiền cần trả để xây dựng kĩ năng quản lý tài chính của con. Một người có kỹ năng quản lý tài chính tốt sẽ thành công trong tương lai.
Một gia đình ưu tú, những người cha người mẹ tuyệt vời hoàn toàn không phải thể hiện ở việc bạn cho con bao nhiêu mảnh đất, căn nhà, tài sản… mà chính là những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà bạn dạy cho con.
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Tình cảm gia đình Làm cha mẹ Giáo dục con Giáo dục con cái