(Shutterstock)
Trong hành trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ vô tình quá chú trọng đến thành tích mà quên đi những điều nhỏ bé nhưng giàu cảm xúc – chính là dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn trẻ. Dù lịch trình có dày đặc đến đâu, dù công việc bộn bề có cuốn chúng ta đi đến mức nào, thì việc vun đắp cho trái tim non nớt của con vẫn luôn là điều không thể bỏ qua.
Tháng trước, khi tôi đến thăm chị họ, cô ấy vừa chỉ vào những tấm bằng khen treo đầy tường vừa cười nói: “Nhìn đi, đây chính là tiêu chuẩn của ‘con nhà người ta’ đấy”.
Lúc ấy, đứa cháu trai nhỏ ngồi trong góc bỗng ngẩng đầu lên: “Nhưng mẹ ơi, mẹ chưa bao giờ thật sự xem tranh con vẽ cả”.
Chị họ lập tức cảm thấy có chút lúng túng.
Suốt một thời gian dài, chúng ta luôn bận rộn nhồi nhét sách vở vào cặp con, lấp kín thời khóa biểu bằng đủ loại lớp học, mà quên mất một điều: dù bức tường đầy bằng khen có rực rỡ đến đâu, nếu không có ánh nhìn thấu hiểu soi rọi vào, cuối cùng cũng chỉ là song sắt giam giữ tâm hồn.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận ra rằng, những “chuyện nhỏ” thường bị bỏ qua như: mười phút ngồi xổm bên vệ đường quan sát con ốc sên, tiếng cười khúc khích khi chân trần nghịch nước sau mưa, hay những lời thì thầm chia sẻ bí mật trước giờ đi ngủ — mới chính là dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn phong phú cho trẻ.
Dưới đây là 4 “chìa khóa tâm hồn” mà mỗi bậc cha mẹ nên nhớ để nuôi dưỡng trái tim con một cách sâu sắc và bền vững.
Cuối tuần, tại khu vui chơi trong khu dân cư, tôi thấy một bé gái buộc tóc hai bên liên tục nhảy từ cầu trượt xuống, rồi gọi to về phía mẹ ở đằng xa: “Mẹ ơi, mẹ thấy con có giống siêu nhân không!”
Lúc ấy, người mẹ đang cúi đầu lướt điện thoại, không thèm ngẩng lên, qua loa đáp: “Giống, giống lắm, giống siêu nhân thật đấy. Cẩn thận ngã nhé con”.
Ánh mắt bé thoáng buồn, rồi lặng lẽ ngồi xuống cào đất.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng “ngồi cạnh con” là đủ. Nhưng tình bạn thực sự là khi ta bước vào thế giới nội tâm của trẻ.
Một người bạn kể: cậu con trai 8 tuổi bỗng nhiên thường xuyên đái dầm, gia đình vội đưa đi bệnh viện làm đủ loại xét nghiệm, kết quả cho thấy mọi chỉ số đều bình thường. Một câu nói của bác sĩ đã khiến cả nhà bừng tỉnh: “Vấn đề của trẻ không phải do sinh lý, mà là do ‘thiếu hụt dinh dưỡng cảm xúc’.”
Vì bận rộn, họ chỉ hỏi: “Con học xong chưa?” và xem việc cho đi học thêm là đủ. Đứa trẻ nhận quà sinh nhật đắt tiền mà không vui, chỉ lặng lẽ nói: “Con chỉ muốn bố chơi cùng như hồi mẫu giáo”.
Một nghiên cứu từ Harvard cho thấy: chỉ 15 phút trò chuyện thân mật mỗi ngày – không nói về điểm số hay dạy dỗ – có thể tăng khả năng điều tiết cảm xúc của trẻ tới 40%.
3 gợi ý nhỏ cho cha mẹ:
– “Bữa tối kỳ diệu”: Cất điện thoại, cùng kể “niềm vui nhỏ nhất hôm nay”.
– “30 phút điên rồ” mỗi tuần: Cùng giả làm siêu nhân, dựng lều trong phòng khách…
– Tò mò thay vì đánh giá : Thay vì “Con giỏi quá”, hãy hỏi “Làm sao con nghĩ ra cách giải câu đó vậy?”
Một cậu bé đang chăm chú xây lâu đài cát thì mẹ chạy đến: “Cát bẩn! Để mẹ làm cho”.
Chỉ vài phút, lâu đài “hoàn hảo” đã xong. Nhưng đứa trẻ chỉ đứng nhìn rồi giẫm nát.
Khi cha mẹ thay con làm mọi thứ, ta không giúp con tránh rủi ro mà đang tước đi khả năng vượt qua khó khăn.
Cô bé Bao Bao luôn bị bà và bố can ngăn: “Đừng chạm vào dao”, “vỡ bát thì sao?”, “Đi xe đạp nguy hiểm!”
Đến ngày đi leo núi cùng lớp, trước một bậc đá thấp, cô bé khóc nức nở: “Con không làm được…”
Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy: trẻ được tham gia hoạt động mạo hiểm ở mức vừa phải sẽ phát triển khả năng xử lý khủng hoảng tốt hơn 35%.
3 cách “buông tay đúng lúc”:
– Tự do trong khuôn khổ: Hãy cho trẻ được làm đổ sữa, làm bẩn đồ – miễn là an toàn.
– Hỏi thay vì cấm: “Con nghĩ nên dùng tay nào để nắm thanh ngang chắc hơn?”
– Một ngày tự quyết: Mỗi tháng, cho trẻ quyết định lịch trình của cả nhà.
Một cậu bé ngồi xổm nhìn kiến tha mồi, mẹ vội giục: “Nhanh lên, còn lớp học năng khiếu!”
Cậu bé ngước lên: “Nhưng kiến đang xây đường cao tốc. Vui hơn chơi Lego nhiều!”
Khi nhiều đứa trẻ bị nhốt trong nhà thì ở Phần Lan trẻ mẫu giáo được chơi ngoài trời mỗi ngày. Và kết quả? Chúng ít trầm cảm hơn, sáng tạo hơn, hạnh phúc hơn.
3 “đơn thuốc thiên nhiên” dễ áp dụng:
– Biến ban công thành “phòng thí nghiệm”: Trồng giá đỗ, nuôi tằm, ghi lại quá trình lớn lên.
– “Thế vận hội bùn” khi trời mưa: Thi ai nhảy nước văng cao nhất.
– “Chuyến phiêu lưu mù”: Bịt mắt trẻ, để trẻ cảm nhận cây, nghe gió, chạm đất…
Thiên nhiên không phải là môn học phụ – mà là gốc rễ của cảm xúc, trí tưởng tượng và sức khỏe.
Cậu bé 13 tuổi dán biển “Cấm vào” trước phòng. Một hôm mẹ vô tình nhặt được tờ giấy: “Mỗi lần con nói giống như một bài kiểm tra. Nếu sai, con mất điểm”.
Một cậu bé khác bị bố tra hỏi vì điểm toán thấp. Cậu gào lên: “Là lỗi của con vì không được 100 điểm! Là lỗi của con khi là con của bố!”.
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng lời nói phán xét khiến trẻ đóng băng vùng lý trí và chỉ còn phản ứng phòng thủ.
Giáo dục không phải là đào tạo những “sản phẩm mẫu mực”, mà là bảo vệ từng hạt giống để chúng phát triển theo cách riêng của mình.
Hãy từ bỏ việc làm “người cải cách” và trở thành người đồng hành. Bởi vì:
Những câu chuyện được lắng nghe là nền tảng cho lòng tin. Những cuộc phiêu lưu được cho phép là gốc rễ của dũng khí. Những khoảng thời gian “buồn chán” lại chính là lúc trẻ em mơ ước và lớn lên. Mong rằng mỗi gia đình là một mảnh đất màu mỡ, không đo tuổi thơ bằng thước điểm, mà bằng nụ cười, cái ôm, và ánh mắt đồng cảm.
Ông Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (Cà Mau), bị cáo…
Một trong 6 con sếu đầu đỏ chuyển từ Thái Lan về Vườn quốc gia…
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan cao hơn…
Cựu Tổng Thống Barack Obama cùng phe nhóm đã đặt nền móng cho một “cuộc…
Các nhà lãnh đạo quân sự Iran đang cảnh báo thế giới rằng lực lượng…
Thủ tướng Canada Mark Carney nói với các phóng viên, ông tin rằng Hoa Kỳ…