Có những nhân tố hình thành nên tính cách nhút nhát cho một người ngay từ khi còn nhỏ nhưng việc khắc phục điều này là có thể.
Tôi là một đứa trẻ nhút nhát và điều này vẫn duy trì cho đến ngay cả khi tôi trưởng thành. Tôi gặp khó khăn khi kết bạn mới và cần một thời gian để làm quen với những nơi mới. Mặc dù tôi đã học cách đối phó với sự nhút nhát của mình trong nhiều năm, nhưng tôi vẫn có những cơn lo lắng nhẹ khi ở phải tiếp xúc với những người mới quen hoặc khi ở trong các tình huống đông người.
Thú vị là cậu con trai 3 tuổi của tôi lại hoàn toàn khác. Cháu rất hướng ngoại, thích giao thiệp với bạn mới, mỗi khi chúng tôi đi công viên hoặc đi ăn hầu như cháu đều có thêm những người bạn mới. Điều đầu tiên cháu làm khi bước vào một nhà hàng là quan sát mọi người xung quanh, chào hỏi, nở một nụ cười và thử tương tác với họ.
Điều gì khiến một người trở nên nhút nhát hoặc hướng ngoại? Tính nhút nhát là thứ thuộc về bản tính hay hình thành qua trải nghiệm sống?
Quá trình nghiên cứu qua nhiều năm cho thấy rằng tính khí — hoặc cách phản ứng cảm xúc của riêng một người với môi trường xung quanh — có thể được xác định ngay khi trẻ mới chỉ 4 tháng tuổi. Nó được đo bằng cách cho trẻ sơ sinh xem một số đồ chơi đơn giản kiểu đồ chơi treo nôi có một vài con vật và nghiên cứu cách chúng phản ứng. Thử nghiệm đơn giản này ở thời điểm trẻ 4 tháng tuổi đã cho thấy sự khá nhất quán rằng những em bé bị choáng ngợp hoặc căng thẳng khi phản ứng với đồ chơi là những em bé có nhiều khả năng trở nên nhút nhát nhất khi lớn lên (Kagan, 1997). Những em bé này đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ loại thay đổi nào của môi trường và có thể dễ dàng cảm thấy khó chịu ngay cả với những hoạt động thường ngày nhất, chẳng hạn như chuông cửa kêu hoặc thay tã. Ngược lại, những em bé phản ứng tích cực với những thay đổi này, hoặc không phản ứng gì cả, là những em có nhiều khả năng trở nên rất hòa đồng khi ở độ tuổi mẫu giáo.
Thật ngạc nhiên, mối quan hệ này vượt ra ngoài cả khoảng thời thơ ấu của trẻ và cho phép dự đoán mức độ nhút nhát hoặc tính xã hội của chúng khi ở tuổi vị thành niên (Kagan, Snidman, Kahn, Towsley, Steinberg và Fox, 2007).
Sự khác biệt giữa trẻ mẫu giáo nhút nhát và trẻ đi học thậm chí có thể được nhìn thấy trong sinh học và trong não của trẻ (Barker, Reeb-Sutherland, và Fox, 2014; Fox và cộng sự, 1995) khẳng định tính nhút nhát có cơ sở sinh học mạnh mẽ và có thể là một phần tính cách của một cá nhân từ rất sớm trong cuộc đời.
Vậy phải chăng môi trường không đóng vai trò gì trong việc tạo ra tính nhút nhát? Và tính nhút nhát từ nhỏ có phải là điều đáng lo ngại?
Câu trả lời là: Không! Việc tính cách có cơ sở sinh học không có nghĩa là tính cách đó là bất biến. Tính cách của trẻ có thể thay đổi và phản ứng tiêu cực của trẻ đối với những người, đồ vật và tình huống mới có thể trở nên ít tuyệt đối hóa hơn theo thời gian.
Về cơ bản, không có gì sai khi bạn ngại ngùng một chút. Phần lớn trẻ em có tính cách được mô tả là “chậm thích nghi” cũng chỉ cần một thời gian để hòa nhập với môi trường xung quanh trước khi chúng sẵn sàng tham gia vào cuộc vui đang diễn ra (Thomas, Chess và Birch, 1970).
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có một nhóm nhỏ khoảng 10-15%, nhạy cảm ở mức độ cao. Đây là những người có nguy cơ phát triển tính nhút nhát cao nhất và một phần trong số họ (khoảng 40%) thậm chí có thể tiếp tục phát triển chứng lo âu xã hội trong cuộc sống sau này (Fox và Helfinstein, 2013).
Vì vậy, nếu bạn có một đứa con cực kỳ nhạy cảm và không mặn mà với những người và địa điểm quen thuộc sau một thời gian, thì việc quan tâm đến những biện pháp can thiệp nhằm phòng bị cho chúng tránh khỏi việc gặp phải chứng lo âu xã hội trong tương lai là điều rất cần thiết. Trên hết, phong cách nuôi dạy con cái thực sự là một phương pháp hỗ trợ hữu ích. Ví dụ: nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ trở nên nhút nhát của một đứa trẻ giảm đáng kể khi chúng có những người mẹ có trực giác nhạy bén, nhanh chóng hiểu và đáp ứng phù hợp với nhu cầu của đứa trẻ. Vì vậy, ngay cả đối với những bé dễ khó chịu khi gặp những tình huống mới hoặc thử thách, việc có cha mẹ ủng hộ và động viên bên cạnh sẽ đóng vai trò như một bộ đệm chống lại sự phát triển của tính nhút nhát hoặc lo lắng xã hội (Panela, Henderson, Hane, Ghera và Fox , 2012).
Tương tự như vậy, việc dạy dỗ ý thức đạo đức hoặc lương tâm cho trẻ trong thời thơ ấu cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Chẳng hạn, những đứa trẻ nhút nhát hoặc hay lo lắng sẽ dễ trở nên khó chịu khi bị khiển trách vì vi phạm các quy tắc. Do đó, cha mẹ thực sự chỉ cần áp dụng các hình thức kỷ luật nhẹ nhàng thay vì những hình thức có phần nghiêm khắc hơn vốn có thể dành cho những đứa trẻ hướng ngoại vì chúng không dễ dàng cảm thấy lo âu hay sợ hãi quá mức (Kochanska, 1997).
Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng những nhân tố quyết định tính cách nhút nhát hoặc hướng ngoại được hình thành từ sớm và có cơ sở sinh học mạnh mẽ. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là cá nhân đó sẽ phải chung sống với điều ấy suốt đời. Nếu bạn có một đứa con thực sự nhạy cảm với bất kỳ loại thay đổi nào của môi trường, việc nuôi dạy chúng hợp lý sẽ cho phép trẻ có thể dần dần thích nghi và không phát triển nỗi sợ hãi hoặc lo lắng trong các tình huống xã hội sau này.
Và mặc dù tính nhút nhát có cơ sở sinh học mạnh mẽ, nhưng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ có hai đứa con có tính khí giống hệt nhau. Bạn rất có thể có một đứa trẻ nhút nhát, lo lắng và một đứa ngược lại rất ngoan cố, không sợ hãi. Nếu đúng như vậy, điều quan trọng cần nhớ là điều chỉnh cách nuôi dạy con của bạn để phù hợp với hoàn cảnh của trẻ và những gì từng được áp dụng thành công có thể sẽ không hiệu quả cho những lần tiếp theo.
Bài viết của Phó giáo sư tâm lý học Vanessa LoBue trên Psychology Today
Linh Sơn dịch
Xem thêm:
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…