Giữ cho căn nhà luôn thơm mát tự nhiên không dễ như bạn tưởng. Phương pháp phổ biến nhất được rất nhiều người sử dụng đó là dùng máy xông tinh dầu, máy làm sạch không khí, gel tạo hương thơm, nến thơm… Tuy nhiên bạn cũng cần cân nhắc về vấn đề an toàn sức khoẻ. Mặc dù chúng có mùi rất dễ chịu và khiến chủ nhân cảm thấy căn hộ của mình đã sạch sẽ thơm mát hơn, nhưng đôi khi chúng cũng mang tới nhiều hậu quả khôn lường.
Hầu hết những sản phẩm được thiết kế để “tạo hương thơm” lại là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí vì chúng có chứa thành phần hoá học độc hại, ví dụ như phthalates – một chất có thể trực tiếp gây ra căn bệnh ung thư và rối loạn hoóc-môn ở nam giới.
Có người còn tưởng rằng sử dụng máy làm sạch không khí sẽ an toàn và không gây hại cho sức khoẻ, thế nhưng họ lại không biết rằng sản phẩm họ mua có thể có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hoặc có chứa chất methoxychlor – một chất có tác dụng diệt khuẩn và côn trùng đã bị cấm sử dụng vì tính độc hại của nó lên sức khoẻ con người.
Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng vì những lời cảnh báo trên. Dưới đây là 6 cách giữ gìn nhà cửa luôn thơm mát một cách tự nhiên bạn có thể tham khảo:
Bộ khuếch tán tinh dầu
Máy khuếch tán tinh dầu có giá cao hơn so với các sản phẩm tạo mùi thơm khác, nhưng nó đáng để bạn đầu tư. Máy khuếch tán tinh dầu tạo ra mùi thơm lan toả khắp căn nhà của bạn một cách đều đặn, giúp cải thiện cảm xúc và còn là một phương pháp để ổn định tâm lý.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần phải tìm mua sản phẩm tinh dầu chiết xuất 100% từ thiên nhiên và có nguồn gốc rõ ràng. Mỗi một mùi hương cũng có công dụng khác nhau: sả chanh giúp đuổi muỗi, hoa lài đẩy bay mùi ẩm mốc, gỗ trầm giúp tịnh tâm…
Nếu không có máy khuếch tán, tạm thời bạn có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu vào một tô nước nóng, sau đó để hơi nước bốc lên và mang mùi hương lan toả khắp căn nhà.
>>Mặt trái của mùi hương nhân tạo: Thơm nhất thời, độc mãi mãi
Nến thơm
Nến thơm nguồn gốc tự nhiên giải phóng ion âm, giúp không khí tươi mát hơn. (Ảnh: Michael| flickr/CC BY-ND 2.0)
Khi sử dụng nến, hãy đảm bảo bạn tìm đúng loại làm bằng sáp ong hoặc sáp đậu nành, vì chúng không có chứa paraffin. Khi đốt những loại nến này, chúng sẽ giúp giải phóng ion âm vì ion âm có khả năng cân bằng lượng oxy trong không khí, tạo một bầu không khí thanh mát cho căn nhà.
Đèn đá muối Himalaya
Cũng giống như nến sáp, đèn đá muối có khả năng thanh lọc không khí. Khi nhiệt từ bóng đèn tác động lên muối của đèn và nước trong không khí, nó sẽ giải phóng ra các ion âm. Loại đèn này giúp làm giảm các cơn hen, tăng cường hệ miễn dịch, làm tăng sự tỉnh táo và cải thiện sự tập trung. Khi các ion âm được phát tán vào không khí chúng sẽ hút các ion dương trong không khí, đem lại nguồn không khí tốt một cách bền vững.
Baking soda (Muối nở)
Đừng nhầm muối nở – tức baking soda – với bột nở để làm bánh. Lấy một lượng vừa đủ baking soda vào trong chén nhỏ, sau đó đem đặt ở những vị trí ẩm thấp – nơi dễ phát sinh mùi hôi – ví dụ như phòng tắm, góc tủ, gầm cầu thang…
>>20 bí quyết đơn giản làm sạch nhà hiệu quả cho người bận rộn
Dấm
Cách tốt nhất để loại bỏ mùi hôi trong không khí, thậm chí cả những bộ chăn nệm ám mùi lâu ngày, đó chính là tạo một hỗn hợp với tỷ lệ 3 phần dấm trắng và 1 phần nước, sau đó dùng bình xịt để xịt nhẹ vào không khí.
Đừng lo vì mùi dấm có thể hơi chua khi mới xịt, nó sẽ bay hơi rất nhanh chóng sau đó. Ngoài ra bạn cũng có thể đổ hỗn hợp này ra một chén nhỏ, để ở chỗ thoáng khí như bệ cửa sổ, gió tự nhiên sẽ lan toả những phân tử trong hỗn hợp dấm và nước này vào không khí, giúp loại bỏ mùi hôi một cách triệt để.
Trồng cây cảnh
Ngoài tính năng trang trí và tạo thêm sắc màu cho không gian sống, một số loại cây cảnh có khả năng lọc không khí rất tốt, ví dụ như: hoa cúc, cây dừa, hoa đồng tiền, cây dây nhện và cây sanh.
Vì khi cây quang hợp, nó sẽ hít khí cacbonic và thải ra khí oxy, từ đó tạo nên bầu không khí trong lành hơn cho căn nhà của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng khi trồng quá nhiều cây cảnh trong nhà, ban đêm cây sẽ thực hiện quá trình hô hấp hít khí oxy nhả khí cacbonic. Nếu bạn đặt chậu cây trong phòng ngủ, nó sẽ trở thành “kẻ cắp khí oxy” và khiến bạn khó thở, ngủ mất ngon và ảnh hưởng sức khoẻ.
Bích Ngân (T/H)
Xem thêm: