Mặc dù ánh nắng mặt trời là nguồn vitamin D tự nhiên, nhưng việc tiếp xúc quá nhiều và vào những thời điểm không phù hợp (trưa, chiều lúc nắng gắt) sẽ khiến da bạn bị tổn thương nặng nề. Ánh nắng mặt trời chứa các tia có hại cho làn da, hay được gọi là tia tử ngoại, tia cực tím hoặc tia UV. Các tia này có sự khác nhau về bước sóng, cách xâm nhập và làm hại da khi tiếp xúc.
Khi ra ngoài, bạn nên mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đặc biệt là nên bôi kem chống nắng. Bạn nên chọn loại kem có chỉ số SPF ít nhất là 30+. Thế nhưng không phải cứ bôi kem chống nắng lên da là bạn có thể yên tâm. Rất nhiều người mắc phải những sai lầm cơ bản khi dùng kem chống nắng mà không biết.
Bạn cẩn thận nhờ người thân bôi kem chống nắng bảo vệ cho cả vùng lưng, nhưng bạn có chắc lượng kem bạn dùng đã đủ? Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ cho biết mọi người chỉ dùng 20-25% lượng kem chống nắng được khuyến nghị. Theo bác sĩ da liễu Justine Hextall, chủ phòng khám Tarrant Street Clinic, cho biết: “Để đạt đúng chỉ số chống nắng SPF như tuyên bố của nhà sản xuất, chúng ta sẽ cần 2 mg kem cho mỗi centimet vuông trên da, đó cũng là lượng kem tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đã áp dụng khi thử nghiệm hiệu quả của kem”. Vậy nên để việc chăm sóc da không trở nên vô nghĩa, bạn đừng “keo kiệt” khi dùng kem chống nắng nhé.
SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số thể hiện khả năng chống nắng, bảo vệ làn da chống lại tia UVB (loại tia gây ra cháy nắng và ung thư da) trong thời gian nhất định. Chỉ số SPF có trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế, 1 SPF có khả năng bảo vệ da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Có nghĩa là 1 kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ hoạt động hiệu quả trong 150 phút, còn SPF 50 là 500 phút. Tuy nhiên đó chỉ là con số tương đối vì thế hiệu quả thực tế của kem chống nắng vẫn có sự chênh lệch do nhiều yếu tố khác nhau như môi trường, chất sản phẩm. Nhiều người tin rằng chỉ số chống nắng cao sẽ giúp họ được bảo vệ hoàn hảo nên chủ quan không che chắn hoặc bôi thêm kem khi đã đứng dưới nắng quá lâu. Kết quả là làn da của bạn sẽ phải hứng chịu nhiều tia UV hơn.
Đừng quên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút để kem có điều kiện thẩm thấu vào da. Mọi người thường nghĩ kem chống nắng hoá học thì mới phải như vậy, kem chống nắng vật lý thì hoạt động ngay tức thì nên bôi xong là có thể ra ngoài ngay. Nhưng kết cấu của kem chống nắng vật lý lại dày nên phải chờ một lúc mới thấm kịp vào da. Vậy nên dù dùng kem chống nắng nào, bạn cũng không được bôi sát giờ. Chưa kể, bạn có thể bị cháy nắng chỉ trong thời gian rất ngắn. Nên cũng đừng chủ quan là mình chỉ đi siêu thị nhanh chóng rồi về nhà mà không bôi kem bảo vệ nhé.
Khi thời gian bảo vệ đầu tiên đã hết (xem chỉ số SPF để biết), các cô gái thường chủ quan không bôi lớp kem mới. Nếu phải ra ngoài trời từ 2 tiếng trở lên, chắc chắn bạn phải bôi lại kem chống nắng. Trong trường hợp bạn đi bơi ở biển, thì cứ mỗi lần ra khỏi nước lên phơi nắng, bạn lại cần bổ sung thêm một lớp kem mới.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ phát hiện ra rằng chỉ có 20% người Mỹ sử dụng kem chống nắng kể cả khi trời không có nắng. Thực tế thì mặt trời luôn ở đó, làn da của bạn có thể bị tổn hại bởi tia UV trong bất kỳ thời tiết nào. Ngay cả trong những ngày nhiều mây, có tới 80% tia UV có thể tấn công da bạn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tập hình thành thói quen bôi kem chống nắng mỗi khi bạn ở bên ngoài trời.
Hầu hết các loại mỹ phẩm đều ghi hạn sử dụng trong 3 năm, nhưng đó là khi chất liệu kem bên trong được giữ kín hoàn toàn. Khi đã mở nắp mỹ phẩm, bạn chỉ nên sử dụng chúng trong 3-6 tháng. Với kem chống nắng, nếu bạn đã hình thành thói quen sử dụng hàng ngày thì có thể yên tâm là khi kem hết thì vẫn chưa bị quá hạn sử dụng.
Tuy kem chống nắng giúp bạn chống lại tia UV, nhưng chúng cần được bảo quản ở nơi khô thoáng mát mẻ. Nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của kem chống nắng. Bạn không nên để kem trong cốp xe hoặc trong nhà tắm (là những nơi độ ẩm cao, nhiệt độ cao). Tốt nhất bạn nên bảo quản kem chống nắng ở nhiệt độ phòng, như thế lọ kem của bạn vẫn duy trì hiệu quả ngay cả khi gần đến ngày hết hạn hoặc bị đóng mở nhiều lần.
Kem chống nắng có nhiều dạng, thường thì nó sẽ có các thành phần và kết cấu phù hợp để trang điểm. Sự kết hợp bạn nên tránh là kem chống nắng và thuốc chống côn trùng. Hãy mua các sản phẩm riêng biệt và sử dụng chúng một cách riêng biệt. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng sau khi đã dùng sản phẩm dạng xịt.
Không có loại kem chống nắng nào có thể ngăn chặn 100% tia UV của mặt trời, nên bạn vẫn cần bổ sung các biện pháp bảo hộ như mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, mũ rộng vành, kính râm. Bôi kem chống nắng chỉ có tác dụng tức thời, vậy nên bạn cần chủ động chăm sóc da từ bên trong để nâng cao khả năng tự bảo vệ. Ví dụ như tắm hàng ngày với dầu ô liu hoặc dầu dừa để da trắng sáng và tăng độ đàn hồi. Bôi kem dưỡng tái tạo da vào ban đêm cũng là bước cơ bản để duy trì vẻ ngoài mạnh khỏe, trẻ trung.
Minh Minh
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…