"Mỗi lúc, tôi đều sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc sống của mình và tôi đã có thêm lòng dũng cảm." (Ảnh: Shutterstock)
Câu chuyện này bắt đầu từ một quá trình tự nhìn nhận lại bản thân và mối quan hệ với gia đình, đặc biệt là với cha mẹ…
Trong hành trình trưởng thành, mỗi chúng ta đều có những khoảnh khắc nhìn lại quá khứ, đặc biệt là mối quan hệ với cha mẹ – những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, đôi khi chính những kỳ vọng quá lớn vào họ lại trở thành gánh nặng, khiến chúng ta không thể thực sự chấp nhận họ như họ vốn có. Câu chuyện dưới đây được kể từ góc nhìn của một người trưởng thành đang đối diện với chính mình, nhìn nhận lại những cảm xúc phức tạp và sự không hoàn hảo của mối quan hệ với cha mẹ. Đó là một hành trình đầy thử thách trong việc học cách buông bỏ kỳ vọng không thực tế, chấp nhận những gì không thể thay đổi và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân. Thông qua câu chuyện này, chúng ta thấy được sức mạnh của việc tự làm chủ cuộc sống và tìm thấy sự trưởng thành trong chính những trải nghiệm khó khăn.
Trong những năm gần đây, khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, nhiều người đã hỏi tôi về gia đình và mối quan hệ với bố mẹ. Chẳng hạn, họ muốn biết tôi đã làm thế nào để hòa giải với bố mẹ. Mặc dù tôi không nghĩ đó là một sự hòa giải hoàn toàn, nhưng tôi hiểu rằng nhiều người có thể sẽ phải vật lộn với vấn đề này suốt cả cuộc đời. Dần dần, tôi nhận ra rằng đôi khi chúng ta cảm thấy có vấn đề với cha mẹ vì chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào họ. Chúng ta mong họ trở thành kiểu cha mẹ mà mình tưởng tượng, và khi họ không đáp ứng được những kỳ vọng đó, chúng ta dễ cảm thấy thất vọng.
Cũng vì những kỳ vọng không thực tế và cảm giác thất vọng kéo dài, tôi bắt đầu gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần. Sự căng thẳng trong việc cố gắng thay đổi người khác đặc biệt là cha mẹ dần khiến tôi mệt mỏi và kiệt sức. Cơ thể không thể chịu đựng được áp lực này, và các triệu chứng căng thẳng bắt đầu bộc lộ: nhức đầu, mất ngủ, và các vấn đề tiêu hóa.
Bên cạnh đó, tinh thần tôi cũng chịu ảnh hưởng lớn. Tôi trở nên dễ xúc động, bất an và luôn lo lắng về mọi thứ xung quanh. Công việc trở nên khó tập trung, các mối quan hệ cũng căng thẳng vì tôi không thể buông bỏ những lo âu về cha mẹ và những kỳ vọng chưa được đáp ứng. Tất cả dường như chồng chất lên nhau tạo thành một vòng xoáy mà tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.
Tôi nhận ra rằng những vấn đề này không chỉ là hậu quả của các mâu thuẫn gia đình mà còn phản ánh sự không chấp nhận bản thân. Cảm giác không thể yêu thương và chấp nhận chính mình như một con người không hoàn hảo đã khiến tôi cảm thấy mắc kẹt trong chính cuộc sống. Đến lúc này, tôi hiểu rằng để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, tôi phải học cách chấp nhận những điều không thể thay đổi và yêu thương chính mình.
Trong một lần tôi tìm đến các chuyên gia để giải quyết những vấn đề về sức khỏe tâm lý và thể chất, tôi gặp một cặp cha con rất đặc biệt. Họ là một cặp cha con, trong đó người cha chuyên phụ trách xử lý các triệu chứng thể chất, còn người con phụ trách xử lý những vấn đề về tâm lý. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là niềm tin của họ rằng việc xử lý các chất gây dị ứng chỉ là giải pháp tạm thời. Họ cho rằng vấn đề thực sự cần được giải quyết là: “Tại sao cơ thể bạn lại bị dị ứng”? Chỉ khi giải quyết từ gốc rễ vấn đề mới được xử lý dứt điểm. Nếu không, dù bạn có thể giải quyết dị ứng với đậu phộng, nhưng chất gây dị ứng ấy có thể chuyển sang những thứ khác như hải sản. Liệu bạn có phải tiếp tục đấu tranh với “quái vật” ấy mãi mãi không?
Ông ấy đã giúp tôi hiểu ra một số vấn đề thú vị như độc tố có thể truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất. Mặc dù nguyên nhân của những dị ứng này không rõ ràng, nhưng tôi thấy lý thuyết này khá thú vị. Vì vậy, tôi đã đến đó tầm 5 đến 6 lần, và mỗi lần tôi đều coi đó là một dịp để học hỏi thêm. Phải đến khi ông cảm thấy một phần cơ thể của tôi đã được chữa trị, ông mới chuyển tôi cho con trai mình để tiếp tục điều trị. Con trai ông rất sáng tạo, và cách tiếp cận của cậu ấy là cảm nhận một câu nói hoặc hình ảnh nào đó, rồi theo dõi thông điệp đó để tìm ra nguồn gốc vấn đề. Sau đó, cậu sẽ giúp bạn xác nhận những gì bạn phát hiện từ trí nhớ của mình.
Mỗi lần đến phòng khám của con trai ông ấy tôi đều khóc và cảm giác như mình đã sử dụng hết khăn giấy trong phòng. Tôi sẽ không bao giờ quên một lần khi đến đó, anh ấy đột nhiên nói: “Bạn không yêu bản thân mình”. Tôi liền phản bác: “Làm sao có thể như vậy được, tôi yêu bản thân mình đến nỗi đã viết một cuốn sách có tên ‘Thành tựu lớn nhất trong cuộc sống là khi được là chính mình’, làm sao tôi có thể không yêu bản thân mình?”. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải ra về trong nước mắt. Tôi phải thừa nhận rằng không yêu bản thân mình thực chất là một lời xin lỗi sâu sắc vì không chấp nhận chính mình trong cuộc sống này.
Mặc dù tôi không nhớ rõ ràng – không có ký ức ý thức – nhưng tôi vẫn có những ký ức vô thức. Tôi cảm thấy như mình có thể đang gây phiền toái cho người khác, rằng mình không thuộc về đây, hay mình không phải là đứa trẻ nổi bật…
Tôi không nhận ra rằng những cảm giác đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Nếu không giải quyết vấn đề này, đôi khi tôi cảm thấy mình vô giá trị, luôn có cảm giác chưa làm đủ hoặc không thực sự thuộc về nơi này. Dù phương pháp điều trị có thể là năng lượng, thông điệp, hay đơn giản là tư vấn tâm lý, tôi đã tự nhủ rằng mình không còn phải ràng buộc bởi những suy nghĩ tiềm thức này nữa. Sự thật rằng tôi được ban cho cơ thể này để trải nghiệm cuộc sống trên trái đất là minh chứng cho sự may mắn của mình. Tôi không cần phải chứng minh mình xứng đáng nữa, vì tôi đã xứng đáng rồi!.
Tôi nhớ lúc đó có một suy nghĩ thoáng qua trong đầu: liệu tôi có muốn biết ai đã gây ra những suy nghĩ tiềm thức hay cái gọi là tổn thương này không? Nhưng tôi không mất thời gian để suy nghĩ thêm về điều đó. Tôi không muốn làm phức tạp thêm mọi thứ. Người đã khiến tôi trở nên như thế này giờ đây không còn quan trọng nữa. Mục tiêu của tôi là sống một cuộc sống mới mẻ và tươi sáng.
Tôi không cần hiểu biết thêm, không cần hòa giải, chữa lành hay biết lý do tại sao. Tôi chỉ cần tiến về phía trước mà không do dự. Ai đó có tha thứ hay không không còn ý nghĩa với tôi, vì ai đã làm gì không còn quan trọng, điều quan trọng là tôi sẽ sống như thế nào trong tương lai. Tôi không cần nghe câu “Tôi xin lỗi”. Thay vì dành thời gian để khiến người khác hiểu họ sai, tôi có thể dùng năng lượng của mình để sống một cuộc sống tốt đẹp.
Nhiều lần, chúng ta xung đột với người khác chỉ vì kỳ vọng không thực tế mà chúng ta đặt vào họ. Đặc biệt là với cha mẹ, chúng ta thường mong họ phải yêu thương vô điều kiện, phải đối xử tử tế, khoan dung và chấp nhận chúng ta. Nhưng rồi, khi những kỳ vọng đó không được đáp ứng, chúng ta cảm thấy tổn thương. Tôi nhận ra rằng dù tôi đã sống đến tuổi 50 tôi vẫn mong đợi cha mẹ trở nên cởi mở, vị tha và kiên định hơn. Nhưng tôi biết, tôi đã kỳ vọng quá nhiều.
Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng kỳ vọng này là một vấn đề. Họ là người như vậy, và tôi không thể tức giận với họ chỉ vì họ không phải kiểu người tôi muốn. Điều quan trọng là tôi có thể sống như thế nào. Đôi khi, tôi nhận thấy rằng chính tôi là người duy nhất cảm thấy khó chịu về điều này, vì tôi là người duy nhất lo lắng về việc cha mẹ mình không thể thay đổi. Còn mọi người xung quanh có thể chấp nhận điều đó, tại sao tôi lại không thể? Tại sao tôi lại phải làm khổ mình vì những điều đó?
Nếu tôi không thể chấp nhận cha mẹ mình, tôi sẽ không thể chấp nhận chính bản thân. Khi tôi có kỳ vọng quá cao về họ, tôi cũng tự đặt kỳ vọng quá lớn vào chính mình. Nếu tôi có thể để họ là chính họ, tôi cũng nên để mình là chính mình. Khi tôi nhìn họ một cách khắt khe, ánh mắt đó sẽ phản chiếu lại chính tôi. Tôi có xứng đáng để được yêu thương không? Nhưng tôi không muốn tự trả lời như vậy nữa. Tôi không phải là một đứa con hoàn hảo, và họ cũng không phải thánh nhân. Vậy tại sao không thể buông bỏ? Buông bỏ họ, cũng chính là buông bỏ chính mình.
Yêu bản thân không phải là việc bạn ăn gì, đi đâu hay mua sắm gì, mà là việc bạn khẳng định giá trị của chính mình. Sau lần khóc ở phòng khám, tôi không dám nói mình đã hoàn toàn giải quyết vấn đề này. Vì những lúc đó nó chỉ tạm ẩn đi. Nhưng khi cảm giác tự nghi ngờ lại xuất hiện tôi sẽ không để nó kéo dài. Sau một thời gian ngắn tôi sẽ tự mình đứng dậy và tiếp tục đi.
Về chấn thương trong quá khứ, tôi không phủ nhận nó, nhưng tôi chọn cách tiến lên. Mỗi khoảnh khắc, tôi tự định nghĩa lại mình và lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi tập trung vào bản thân và thừa nhận rằng mọi thứ không liên quan đến ai khác mà là trách nhiệm của chính tôi. Thừa nhận điều này đã cho tôi lòng dũng cảm lớn lao.
Không phải ai cũng có đủ can đảm để nói: ‘Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.’ Tuy nhiên, tôi tin rằng ai cũng có thể làm được điều đó. Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho người khác và tránh né trách nhiệm. Nếu bạn đối mặt với vấn đề của mình bạn sẽ thấy rằng không ai khác có thể làm tổn thương bạn nếu bạn tự tạo ra lãnh thổ bảo vệ cho mình.
Lãnh thổ của bạn không phải là một không gian nhỏ hẹp, nó là vô hạn. Bạn không cần phải chia nhỏ nó để cảm thấy an toàn. Bạn lớn hơn thế, và bạn xứng đáng được bảo vệ.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Xem thêm:
Một người đàn ông Ireland 31 tuổi bị mù chức năng đã có thể nhìn…
Ba loại gia vị quen thuộc dưới đây đang âm thầm “đánh cắp” chiều cao…
Tổng thống El Salvador bày tỏ sự đồng tình và sẵn sàng hỗ trợ việc…
Hôm thứ Hai (14/4), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump một lần nữa nhắc lại…
UBND TP. Cần Thơ đưa ra phương án sử dụng 2.558 trụ sở từ tổng…
Hôm thứ Hai (14/4), Đại học Harvard đã từ chối yêu cầu thay đổi chính…