Nếu bị dị ứng phấn hoa nghiêm trọng, nhân viên có thể chuyển đến Okinawa, Hawaii, Guam làm việc. Những chương trình như vậy giúp Nhật Bản nâng cao năng suất lao động.
Dị ứng phấn hoa là một tình trạng bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động và làm giảm năng suất làm việc của toàn công ty. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đó, một số công ty ở Nhật Bản đã thực hiện chính sách cho phép nhân viên làm việc ở những vùng có lượng phấn hoa thấp hơn.
Một trong các doanh nghiệp đang thực hiện chương trình này là công ty CNTT Aisaac. Họ trợ cấp khoảng 1.300 USD để nhân viên có thể tạm thời làm việc từ xa. Ví dụ như Naoki Shigihara – một kỹ sư 20 tuổi bị dị ứng nặng không thể tập trung vào công việc – đã được Aisaac cho phép làm việc tại Okinawa (vùng nhiệt đới ở miền nam Nhật Bản).
“Khi tôi nói chuyện với những người bạn đến từ các công ty khác, họ đều nói đó quả là một ý tưởng tuyệt vời. Nhiều người thậm chí còn thấy ghen tỵ với nhân viên ở công ty tôi”, anh nói.
Theo tờ Washington Post, Aisaac cho phép nhân viên “tạm lánh” đến bất cứ địa điểm nào có lượng phấn hoa thấp từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4 – thời điểm mùa sốt cỏ khô cao điểm ở Nhật Bản.
Okinawa là một lựa chọn phổ biến vì gần và có không khí trong lành. Nhưng bên cạnh đó cũng có các nhân viên chọn những nơi xa hơn như Hawaii hay Guam.
Người phát ngôn của Aisaac cho biết hơn một phần ba trong số 185 nhân viên của họ đã chọn phương án tạm thời “di cư” đến các hòn đảo nhiệt đới vào năm ngoái. Họ bắt đầu chương trình vào năm 2022 khi CEO của công ty bị dị ứng phấn hoa nghiêm trọng.
Những sáng kiến tương tự cũng đang được thực hiện ở các công ty khác. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, khoảng 20% công ty Nhật Bản hiện cho phép nhân viên làm việc từ xa trong mùa cao điểm dị ứng phấn hoa.
Tại Nhật Bản, bệnh dị ứng phấn hoa không chỉ là một mối lo ngại liên quan đến sức khỏe cộng đồng mà còn là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Vào tháng 2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã mô tả bệnh dị ứng phấn hoa là một “căn bệnh quốc gia” ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất.
Mitsuhiro Okano, giáo sư tai mũi họng tại Bệnh viện Phúc lợi và Y tế Quốc tế Narita, tỉnh Chiba, cho biết rằng các triệu chứng dị ứng phấn hoa nghiêm trọng có thể làm giảm hơn 30% hiệu quả công việc.
“Sự suy giảm năng suất lao động sẽ gây tác động lớn đến nền kinh tế”, Okano nhận xét.
Theo số liệu từ năm 2019, bộ Môi trường cho biết 42,5% người dân Nhật Bản mắc bệnh dị ứng phấn hoa. So với Mỹ (khoảng 25%, theo CDC) thì con số này cao hơn đáng kể.
Tình trạng bệnh ở Nhật Bản khá nghiêm trọng vì xung quanh Tokyo trồng rất nhiều cây tuyết tùng và cây bách. Theo The Japan Times, trồng các loại cây này là một phần trong chính sách tái trồng rừng sau Thế chiến thứ hai của đất nước.
Theo Nikkei Asia, Nhật Bản đang lên kế hoạch chặt bớt cây tuyết tùng để giảm thiểu vấn nạn dị ứng phấn hoa. Mục tiêu của chính phủ là giảm một nửa lượng phát thải phấn hoa trong vòng 30 năm. Họ cũng dự định sử dụng AI để dự đoán sự lây lan của phấn hoa từ rừng và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất thuốc chống dị ứng.
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…