Người đàn ông Nhật 74 tuổi với nụ cười hiền từ ngày ngày dậy sớm làm những bữa ăn đẹp mắt dỗ dành người vợ mắc bệnh Alzheimer ăn với mong ước bà có thêm sức khỏe và giữ lại được một chút ký ức đang dần phai nhạt.
Một ngày của ông Kenichi Torikai thường bắt đầu vào 5h15’ sáng tại căn nhà nhỏ ở Obu, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Sau khi vệ sinh cá nhân, ông bắt đầu vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho vợ – bà Mitsuyo, 73 tuổi, mắc bệnh Alzheimer dẫn đến suy giảm trí nhớ và mất dần khả năng vận động, theo The Asahi Shimbun.
Tiếng là cơm sáng nhưng ông Kenichi luôn cẩn thận chuẩn bị bữa ăn từ tối hôm trước bằng cách trộn các chất bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng với gelatin và biến thành một hỗn hợp tương tự như thạch. Sau đó ông có thể vẽ mọi thứ, trang trí bằng mứt, trái cây, rau, đậu…
Thời gian để ông Kenichi hoàn thành bữa ăn mỗi sáng khoảng 1 giờ đồng hồ. Bát thức ăn kỳ công được trình bày công phu, tạo hình độc đáo, khi là hình một cô bé hoạt bát, lúc là một con vật dễ thương… vô cùng tâm tâm huyết trông giống như hộp cơm bento của các bà mẹ Nhật Bản thường làm để khuyến khích con cái ăn ngon miệng.
“Tôi yêu khoảnh khắc này. Đây là những gì tôi thấy đam mê. Tôi hy vọng chúng sẽ kích thích sự thèm ăn cho bà ấy”, ông Kenichi bộc bạch.
Do bà mất khả năng vận động, ông Kenichi cũng trực tiếp bón cho vợ ăn. Ông đỡ vợ từ giường ra bàn, xúc đồ ăn, nhìn vào mắt vợ và kiên nhẫn chờ đến lúc bà mở miệng. Trong khi ăn, ông nói chuyện với bà với chủ đề xoay quanh món ăn, thời tiết, hát một khúc nhạc hay những câu chuyện vui vẻ.
Tất nhiên, ông Kenichi không phải ngay lập tức có thể làm ra được những bữa ăn đẹp mắt như vậy. Việc bếp núc trong nhà thường do bà Mitsuyo phụ trách cho đến cách đây 9 năm khi bà được chuẩn đoán mắc bệnh Alzheimer khi 64 tuổi. Biểu hiện bệnh lý ban đầu là việc trí nhớ kém, cần nhiều thời gian mới hoàn thành được việc mua sắm, đôi khi ngất đi…. Một ngày, người vợ ra ngoài nhưng mãi không trở về. Người chồng cuống quýt đi tìm, khi tìm thấy bà mới nói “Em không nhớ đường về nhà”.
Từ lúc đó, ông Kenichi quyết định nghỉ việc trước thời hạn, để toàn thời gian chăm sóc vợ. Ông đưa bà đi gặp các chuyên gia, tham dự các bài giảng và sinh hoạt trong một nhóm để hiểu về căn bệnh. Họ thử mọi cách làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer, dù chỉ một chút. Ông đưa vợ đi học vẽ, học piano, đan lát và đi bộ đường dài trên núi… Nhưng tiến triển không đáng kể. Cho đến năm 2017, bà Mitsuyo chỉ nằm giường, không còn có thể tự đi lại.
Đầu năm ngoái, bà Mitsuyo bắt đầu gặp khó khăn trong việc ăn uống, một dấu hiệu cho thấy bệnh mất trí nhớ đang tiến triển. Bà không thể ăn uống trong nhiều ngày và sụt 20 kg. Một bác sĩ đề nghị ông Kenichi cho vợ ăn các chất bổ sung dinh dưỡng ở dạng lỏng. Nhưng bà Mitsuyo rất khó nuốt, chỉ khi ông biến chúng thành thạch, bà đã ăn được.
Nhưng thạch trông rất nhạt nhẽo. Ông Kenichi bắt đầu phủ mứt và mật ong và nảy ra ý tưởng vẽ lên. Vợ ông đã ăn hết, tăng cân, sức khỏe được cải thiện. Dù hiện tại do căn bệnh mà vợ ít khi nở nụ cười với mình, ông Kenichi vẫn đều đặn làm bữa cơm mỗi ngày sao cho trọn tình, vẹn nghĩa.
“Đôi lúc tôi ấy cảm thấy cô đơn. Nhưng đa phần tôi tận hưởng khoảng thời gian êm dịu bên Mitsuyo. Tôi chỉ muốn có nhiều thời gian như thế này với bà ấy càng lâu càng tốt”, người chồng yêu vợ nói.
Hoài Anh
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…