Nhiều bậc cha mẹ hoang mang khi phát hiện con lén lấy tiền, thậm chí vội vàng gán cho con cái mác “ăn trộm”. Tuy nhiên, hành vi này không hẳn phản ánh nhân cách xấu của trẻ mà có thể xuất phát từ nhu cầu chính đáng chưa được đáp ứng. Vậy nguyên nhân thực sự là gì? Khi nào nên cho trẻ tiền tiêu vặt để giúp con hình thành nhận thức đúng đắn về tiền bạc?
Hôm qua, bạn thân của tôi với vẻ mặt lo lắng nói với tôi: “Con trai tớ lại trộm tiền rồi! Thằng bé lấy tiền đi chơi với bạn học. Nếu tớ không phát hiện ví tiền bị di chuyển, chắc thằng bé còn định tiếp tục lấy tiền của tớ. Tớ tức đến mức tớ không nuốt nổi cơm!”
Nghe bạn than thở, tôi an ủi vài câu rồi hỏi: “Lúc nhỏ, cậu có từng lấy tiền của cha mẹ không?”
Bạn tôi im lặng vài giây, rồi phản bác: “Lúc nhỏ tớ lấy tiền là vì mẹ tớ chẳng bao giờ mua gì cho tớ, tớ mới phải tự lấy. Nhưng con trai tớ muốn ăn gì, chơi gì, tớ đều mua cho nó cả. Vậy mà mới 10 tuổi đã biết trộm tiền, sau này lớn lên thì sao?”
Rất nhiều bậc cha mẹ, khi phát hiện con mình lấy tiền trong nhà, liền bật thốt lên “Con trộm tiền!” thậm chí còn gọi con là kẻ trộm.
Tuy nhiên, một khi cha mẹ gán cho con là “trộm”, điều đó sẽ trở thành một vết thương trong lòng trẻ, khiến chúng cảm thấy nhục nhã, đáng xấu hổ và vô đạo đức.
Điều này vô cùng bất lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ. Giống như một cái bóng đen luôn rình rập, nhắc nhở rằng chúng từng “trộm” đồ, và điều đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ.
Thực tế, trẻ chỉ lén lấy tiền, nhưng điều đó không có nghĩa là nhân cách của chúng có vấn đề.
Dù việc trẻ “trộm” tiền khiến chúng ta đau đầu và lo lắng, nhưng điều quan trọng hơn là phải suy nghĩ: Tại sao trẻ lại có hành động như vậy?
Trẻ lấy tiền của cha mẹ có thể vì chúng khao khát có đồ mới hoặc muốn hòa nhập vào các mối quan hệ xã hội với bạn bè cùng trang lứa.
Ví dụ, trẻ có thể rất muốn một món đồ chơi mà cha mẹ luôn từ chối mua, hoặc muốn ra ngoài chơi với bạn nhưng bị cha mẹ cấm đoán.
Khi cha mẹ liên tục từ chối, mong muốn nhỏ bé của trẻ không được đáp ứng. Theo thời gian, chúng có thể nảy sinh ý nghĩ lén lấy tiền của cha mẹ.
Trong tình huống này, cha mẹ nên trò chuyện với con, giải thích lý do vì sao không thể mua món đồ đó hoặc vì sao không thể ủng hộ mong muốn của trẻ, giúp con hiểu rõ nguyên nhân thực sự.
Nếu lý do của trẻ hợp lý, cha mẹ cũng nên cân nhắc hỗ trợ một cách phù hợp. Mục tiêu quan trọng nhất là giúp trẻ hình thành quan điểm đúng đắn và giá trị về tiền bạc, hiểu rằng vật chất không phải là tất cả.
Trẻ lén lấy tiền có thể do chưa từng được dạy rằng hành vi này là sai, hoặc do thiếu sự quan tâm và đồng hành từ cha mẹ.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần xem xét lại phương pháp giáo dục của mình, trò chuyện nhiều hơn với con để hiểu suy nghĩ của trẻ và từng bước hướng dẫn con đi đúng hướng.
Điều quan trọng là tạo ra một môi trường gia đình hạnh phúc, tích cực, thường xuyên giao tiếp với con, nuôi dưỡng tình cảm và dạy trẻ về ý nghĩa của việc kiếm tiền cũng như quản lý tài chính.
Khi có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ, trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện và ít có nguy cơ thực hiện những hành vi sai trái.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường bạn bè xung quanh.
Nếu trong nhóm bạn của trẻ có những hành vi tiêu cực hoặc lệch lạc, chúng sẽ dễ bị lôi kéo và cám dỗ.
Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến mối quan hệ của con, khuyến khích trẻ kết giao với những người bạn tích cực, có ảnh hưởng tốt, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong môi trường giao tiếp của trẻ, giảm nguy cơ dẫn đến hành vi sai trái.
Dù trẻ còn nhỏ và khả năng phân biệt đúng sai chưa hoàn thiện, nhưng chúng vẫn đang từng bước trưởng thành. Vì thế, ở từng độ tuổi phù hợp, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với tiền một cách hợp lý, giúp trẻ xây dựng quan niệm đúng đắn về tài chính và giá trị của đồng tiền.
Mỗi đứa trẻ có mức độ trưởng thành khác nhau, cũng như mong muốn về vật chất và các mối quan hệ xã hội không giống nhau. Vì vậy, thời điểm thích hợp để cho trẻ tiền tiêu vặt cần được xác định dựa trên tình huống cụ thể của từng trẻ.
Thông thường, khi trẻ bắt đầu vào tiểu học, chúng đã có sự tiếp xúc nhiều hơn với các con số và khái niệm về tiền bạc. Lúc này, khi trẻ có nhận thức nhất định về tiền và khả năng tự quản lý cơ bản, cha mẹ có thể cân nhắc từng bước cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt hợp lý.
Việc để trẻ tự chi tiêu không chỉ giúp chúng học cách tính toán giá trị món đồ và số tiền cần thiết mà còn giúp trẻ hiểu được chi tiêu trong gia đình, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm tài chính.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần kiểm soát số tiền cho trẻ. Có thể cho theo ngày hoặc theo tuần, tùy theo tần suất chi tiêu của trẻ. Nếu trẻ tiêu quá nhiều, cha mẹ cần trao đổi kịp thời. Ngược lại, nếu trẻ luôn còn dư tiền tiêu vặt, đây cũng là cơ hội để dạy trẻ cách quản lý tài chính và tiết kiệm.
Cha mẹ là hình mẫu của con cái. Vì vậy, trước hết, cha mẹ cần giáo dục trẻ về cách sử dụng tiền đúng đắn, giúp trẻ hiểu rằng kiếm tiền không dễ dàng, từ đó rèn luyện thói quen chi tiêu hợp lý và ý thức quản lý tài sản. Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách lập kế hoạch và quản lý số tiền của mình.
Thay vì chỉ giảng giải lý thuyết, cha mẹ có thể giao cho trẻ một số nhiệm vụ nhỏ hoặc việc nhà để trẻ kiếm được một khoản tiền tiêu vặt.
Cách này giúp trẻ hình thành cảm giác thành tựu, hiểu được giá trị của lao động và trân trọng số tiền mình kiếm được. So với việc cha mẹ lặp đi lặp lại lời khuyên, trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ học hỏi và ghi nhớ hiệu quả hơn.
Việc trẻ lén lấy tiền là một hành vi khá phổ biến trong quá trình trưởng thành. Điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm đúng mức và có cách ứng xử phù hợp.
Chỉ khi hiểu được nguyên nhân sâu xa phía sau hành động này, cha mẹ mới có thể hướng dẫn và giáo dục trẻ một cách hiệu quả. Điều này giúp trẻ hình thành quan niệm đúng đắn về tiền bạc, rèn luyện thói quen chi tiêu hợp lý và khả năng lập kế hoạch tài chính. Từ đó, trẻ có thể phát triển toàn diện hơn và chuẩn bị tốt cho tương lai.
Hôm Chủ Nhật (2/2), chính phủ Trung Quốc đã lên án việc chính quyền Trump…
Canada sẽ trả đũa mức thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump bằng mức…
Rễ maca, hay còn gọi là "nhân sâm Peru", có lịch sử kéo dài hơn…
Hàng năm, Shen Yun sản xuất chương trình mới cho hàng triệu khán giả trên…
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã…
Washington mong muốn Kiev tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội Ukraine, có…