Đời Sống

Giáo dục tại gia: Trân trọng giá trị truyền thống, trao quyền cho bậc phụ huynh

Renae Zentz nghĩ đến ý tưởng giáo dục tại gia khi sinh con đầu lòng. Sau đó, cô đã mở trường học tại gia để con cái của các gia đình khác cũng có thể đến học.

Renae Zentz (đến từ Texas) gặp chồng của mình, Harold Zentz, khi đang theo học tại Đại học Brigham Young, Mỹ. Sau khi kết hôn, hai người đến định cư ở Utah. Renae quyết định nghỉ việc và làm một bà mẹ nội trợ khi mang bầu cô con gái đầu lòng. Đây chính là bước ngoặt khiến bà phải cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn giáo dục cho con cái của mình. 

Vợ chồng Zentz có 6 người con và 4 người cháu. Hiện tại, Renae Zentz đang điều hành Family Lyceum – một ngôi trường tư thục kết hợp giữa giáo dục tại nhà và lớp học truyền thống. Nếu cho con theo học, phụ huynh sẽ được trao toàn quyền kiểm soát việc học tập của con mình. Trường hoạt động theo phương châm “lớp học tử tế”. Vậy nên, phát triển nhân cách và lòng nhân ái cho học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng đối với họ. 

Bà Zentz (51 tuổi) chọn tên trường là Family Lyceum vì muốn bày tỏ sự tôn trọng với các trường học ở Hy Lạp cổ đại và các trường Lyceum được thành lập bởi Ralph Waldo Emerson (và những người khác) trong thời kỳ nước Mỹ vẫn còn non trẻ. Bà hy vọng có thể mang đến cho các gia đình thực sự yêu thích và có lòng khao khát đối với tri thức một môi trường học tập tuyệt vời.

Lựa chọn dạy học cho con tại nhà

Bà Zentz bắt đầu nghĩ đến việc dạy con học tại nhà khi cô con gái lớn của bà vẫn còn là một em bé. 

“Chồng tôi là một giáo viên trường công. Khi tôi đến thăm ngôi trường trung học cơ sở của anh ấy, trong lòng tôi bỗng trào dâng mạnh mẽ cảm giác muốn dạy con tại nhà”, bà nói.

Vốn có sẵn tính cách độc lập, bà Zentz vui vẻ tự soạn giáo án và nhận phần lớn trách nhiệm dạy con học tại nhà. Tuy nhiên, sau đó bà nhanh chóng nhận ra sự khác biệt ở các con của mình khi chúng được học chung với những đứa trẻ đến từ các gia đình khác. 

“Sau nhiều năm chiêm nghiệm, tôi nhận thấy những ngày chúng tôi được ở bên bạn bè là những ngày thú vị nhất trong tuần”, bà nói.

Sáng lập Family Lyceum

Khoảng 12 năm trước, bà Zentz mở một lớp học nho nhỏ tại nhà với 18 học sinh, dạy hai buổi một tuần. 

“Các con tôi cũng tham gia những lớp học đó và chúng tỏ ra vô cùng thích thú”, bà nói. 

Tuy nhiên, theo thời gian, chương trình giảng dạy mà bà sử dụng ngày càng giống với những gì hệ thống giáo dục của chính phủ đang làm. Các học sinh theo học chương trình học tại nhà không muốn những chương trình như vậy. Cuối cùng, bà Zentz quyết định thành lập Family Lyceum và theo đuổi định hướng mà bà (và các em học sinh) mơ ước. 

“Tôi tin rằng trẻ em vốn đã có khao khát học tập ngay từ khi sinh ra”, bà nói.

Nhiệm vụ của bà là nuôi dưỡng, bồi đắp niềm khao khát, yêu thích học tập của trẻ em ngày càng phát triển. Đó là lý do tại sao các lớp học của bà đều được đặt tên liên quan đến lửa và ánh sáng. 

Các học sinh nhỏ nhất sẽ được học lớp Firefly (con đom đóm). Sau đó, các em sẽ lên lớp Spark (tia lửa), Flicker (lấp lánh), Ember (than hồng) và cuối cùng là Flare (ngọn lửa bùng cháy).

Những đứa trẻ đăng ký vào Family Lyceum chỉ cần đi học 2 hoặc 3 ngày một tuần, thời gian còn lại học tại nhà. Mỗi tháng nhà trường sẽ đưa cho phụ huynh một cuốn sách để đọc cho con nghe ở nhà.

“Tôi nghĩ điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi cha mẹ đọc to cho con mình nghe một câu chuyện. Thế giới của chúng ta quá bận rộn. Tất cả chúng ta đều bận rộn đến mức không muốn đọc to bất cứ thứ gì cả. Nhưng tôi nhận thấy khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong gia đình chúng tôi là lúc chúng tôi cùng nhau đọc to một cuốn sách hay”, bà Zentz nói.

Một số cuốn sách được sử dụng tại Family Lyceum gồm bộ sách lịch sử bốn tập “Câu chuyện về thế giới” của Susan Wise Bauer, “Cô gái khăn quàng đỏ: Hồi ký về Cách mạng Văn hóa” của Ji-li Jiang, “Trò chơi phương Tây” của Ellen Raskin.

Tôn trọng các giá trị truyền thống

Cheryl Hendricks đang cho hai con của mình theo học tại Family Lyceum. Năm ngoái, con trai lớn của cô tỏ vẻ không hài lòng với trường học công vậy nên cô đã tìm kiếm những lựa chọn giáo dục khác. Tuy vậy, cô chưa bao giờ cân nhắc đến việc học tại nhà. Cheryl Hendricks đã tâm sự nỗi khổ của mình với các bà mẹ khác ở phòng tập nhảy. Một người ở đó đã giới thiệu cho cô đến với Family Lyceum.

“Khi bước vào tòa nhà đó, tôi có thể cảm nhận được những con người ở đây tỏa ra một niềm hạnh phúc và thái độ vui tươi khó tả. Thật may mắn là chúng tôi đến đúng vào thời điểm các lớp đang học. Vậy nên chúng tôi đã có cơ hội quan sát các em học sinh và phong cách giảng dạy của nhà trường. Tôi rất ấn tượng với Family Lyceum vì họ tập trung nhiều vào văn học. Thật tuyệt vời khi thấy họ coi trọng các giá trị truyền thống”, Cheryl Hendricks cho biết.

Năm đầu tiên tại Family Lyceum đã mang đến nhiều thay đổi bất ngờ cho các con của cô.

“Chưa bao giờ tôi thấy chúng có thái độ phấn khích như vậy khi đi học”, cô cho biết. 

Các bài học lịch sử

Cô Amanda Neilson hiện đang có ba người con theo học tại Family Lyceum. Điểm mà cô và các con yêu thích nhất ở ngôi trường này là họ thường xuyên dạy về lịch sử – điều này hoàn toàn trái ngược với chương trình dạy của trường công. Con trai lớn của cô theo học trường công cho đến lớp 3. Cậu bé kể rằng bài học lịch sử duy nhất mà cậu được học là về Martin Luther King, Jr. Mọi chuyện đã thay đổi khi các con của cô theo học tại Family Lyceum.

“Khi về nhà, các con háo hức kể cho tôi nghe những câu chuyện lịch sử chúng được dạy trên lớp”, cô nói. 

Bà Zentz chia sẻ lý do lịch sử là môn học quan trọng ở Family Lyceum: “Trẻ 5 tuổi và trẻ 12 tuổi được học lịch sử ở các cấp độ khác nhau nhưng vẫn chung một chủ đề. Các em có thể nói chuyện với mọi người ở nhà về những câu chuyện này. Điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, gắn kết với nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng khoa học có sự liên kết chặt chẽ với lịch sử bởi vì lịch sử là ‘nhân chứng’ chứng kiến sự phát triển của khoa học và các nhà khoa học. Và tất nhiên, văn học cùng nhiều thứ khác cũng có thể liên kết với lịch sử theo cách như vậy”.

Bà Zentz rất tự hào về phương châm của trường: “Chúng tôi là một lớp học tử tế”. Family Lyceum có tương đối ít nội quy, nhưng đối xử và nói chuyện tử tế với mọi người là một trong các nội quy của trường. Bà tin rằng lòng tốt có thể tạo ra tác động tích cực đến việc học tập và hạnh phúc của học sinh.

“Văn hóa tử tế tạo nên một môi trường học tập an toàn cho trẻ em. Khi các em bị điểm kém, bị thất bại trong học tập, không có ai cười các em cả. Trong lớp học chỉ toàn những người tử tế nên các em không phải lo sợ gì hết”, bà nói. 

Bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp lâu đời là một điểm nổi bật khác của ngôi trường này.

“Mọi người thường miêu tả chúng tôi như ngôi trường một phòng kiểu cũ. Chúng tôi muốn ủng hộ các giá trị truyền thống của nước Mỹ, những điều mà các nhà lập quốc (Founding Fathers) tin tưởng. Mọi thứ đều có thể định nghĩa bằng ba từ đơn giản: Chúa, gia đình và đất nước”, bà Zentz nói.

Các trường học bình thường không thường xuyên nhắc đến Chúa nhưng Family Lyceum thì khác. 

“Họ bắt đầu ngày mới bằng những lời cầu nguyện và sau đó tuyên thệ trung thành”, phụ huynh Amanda Neilson bày tỏ sự hài lòng.

Trao quyền kiểm soát cho cha mẹ

Một trong những giá trị truyền thống mà Family Lyceum theo đuổi là trao cho phụ huynh quyền kiểm soát những gì con cái họ đang học và làm ở trường. Cô Neilson cho biết khi con cô còn học trường công lập, nhà trường luôn kiểm soát tất cả mọi thứ, kể cả những chuyện nhỏ nhất. 

“Family Lyceum lấy gia đình làm trung tâm. Dù con tôi đang đi học thì tôi vẫn có thể kiểm soát được những gì xảy ra với chúng”, cô Neilson nói.

Bà Zentz bày tỏ suy nghĩ của mình về các phụ huynh: “Chúng tôi cảm thấy phụ huynh mới là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con trẻ. Gia đình quan trọng hơn thầy cô ở trường. Chúng tôi muốn hỗ trợ các bậc cha mẹ trong hành trình giáo dục con cái của họ. Một số người con của tôi đã theo học các lớp chính phủ hoặc khoa học chính trị. Các giáo viên trong lớp có quan điểm rất cứng nhắc. Họ gần như chỉ trích hoặc lăng mạ những học sinh có quan điểm khác với họ. Và vì vậy tôi cho rằng đó là một môi trường độc hại”.

Bà cho rằng trong bất cứ môi trường giáo dục nào giáo viên cũng phải đảm bảo tinh thần trách nhiệm đối với gia đình các em học sinh.

“Tôi nghĩ tất cả môi trường giáo dục đều có thể làm được điều đó. Tôi nghĩ giáo viên ở trường công có thể hỗ trợ các gia đình nhiều hơn. Các giáo viên nên giữ thái độ trung lập với các chủ đề nhạy cảm”, bà nói.

Minh Minh

Published by
Minh Minh

Recent Posts

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

3 giờ ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

4 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

5 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

5 giờ ago

Cựu tổng thống Nga Medvedev chỉ ra cách chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…

5 giờ ago

Cố gắng thay đổi điều bất khả…

Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…

6 giờ ago