Theo sử sách thì Nguyễn Bá Lân là người duy nhất làm Thượng thư, đứng đầu đủ cả 6 bộ. Ông làm quan tài giỏi, lại chính trực và thẳng thắn, nên cứ thấy bộ nào yếu kém thì Chúa lại cử ông đến làm Thượng thư bộ đó.
Vào thời Lê Trung Hưng ở xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội) có ông Nguyễn Công Hoàn nổi tiếng hay chữ, được xem là một trong “tứ hổ” ở Kinh thành Thăng Long.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì ông Hoàn có cậu con trai là Nguyễn Bá Lân. Thấy con mình thông minh, sáng dạ nên ông Hoàn hết lòng dạy dỗ. Tài năng và đức độ của người cha đã ảnh hưởng đến Nguyễn Bá Lân ngay từ tấm bé.
Ở trong nhà là cha con, nhưng về khoản sôi kinh nấu sử thì họ cũng lại là đồng môn của nhau. Sách “Đăng khoa lục sưu giảng” và “Lịch đại danh hiền phổ” còn ghi chép lại các giai thoại về hai cha con như vậy.
Khi đi học, thầy thường chấm bài của ông Lân cao hơn cha. Mỗi lần như thế ông Hoàn buồn lắm, không ăn cơm. Ông Lân phải xin thầy chấm bài của cha mình cao hơn.
Một lần hai cha con qua đò, trông thấy một đàn dê, ông Hoàn liền ra bài phú “Dịch đình thừa dương xa phú” và bảo con rằng hai cha con cùng làm bài phú này, nếu sang bờ bên kia người nào làm xong trước sẽ ném người kia xuống sông.
Khi thuyền sang bờ bên kia thì ông Lân làm xong trước trong khi ông Hoàn mới được một nửa. Ông Hoàn bắt con ném mình xuống nước nhưng ông Lân không chịu.
Một lần khác, hai cha con đi thuyên trên sông Đà, thấy một chiếc chầy đang cháy trên sông, ông Hoàn liền ra vế đối: “Chầy cháy trôi sông, lão ngư ông tưởng cá”, Nguyễn Bá Lân đối ngay rằng: “Hôm mai vượt biển, người tinh tú trông sao”. Ông Hoàn thấy vế đối rất chuẩn lại ẩn một chí khí khác thường, nên tin rằng con mình sau này nhất định sẽ thành tài.
Ông Hoàn dù là danh sĩ nổi tiếng, nằm trong nhóm “tứ hổ” kinh thành Thăng Long xưa nhưng ông lại rất lận đận về con đường thi cử. Năm 1727 ông đỗ đầu kỳ thi Hương, nhưng vào đến thi Hội thì không đậu. Từ đó trở đi ông không đi thi nữa, chỉ chuyên dạy học. Các chức vụ sau này ông có được là nhờ con mình làm chức lớn, nên cha được phong tặng theo tục lệ lúc bấy giờ.
Khoa thi năm tân hợi 1731, Nguyễn Bá Lân vượt qua thi Hương, vào thi Hội thì vượt qua tứ trường, đỗ đầu kỳ thi Hội tức Hội nguyên. Cuốn “Đại Việt sử ký tục biên” chép rằng: “Ra lệnh thi các cử nhân (thi Hội), lấy hợp cách bọn Nguyễn Bá Lân (người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong) 12 người”.
Vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, theo “Đăng khoa lục sưu giảng” thì bài văn sách của Nguyễn Bá Lân đáng đỗ khôi giáp, nhưng vì thất cách nơi bị đánh xuống
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Bá Lân được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội. Có nhiều câu chuyện dân gian cho rằng ông Lân làm giám khảo và chấm rớt bài thi của cha mình. Tuy nhiên trong gia phả dòng họ do chính ông Lân viết vào năm 1759 thì: “Cụ Nguyễn Công Hoàn đi thi Hội lần cuối năm 1727, từ đó mắc bệnh không đi thi nữa”.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Bá Lân làm quan qua các chức vụ khác nhau, ông làm quan liêm khiết, thẳng thắn làm tròn chức phận được giao phó.
Nguyễn Bá Lân không chỉ giỏi văn, mà võ cũng tài, cầm quân đi các nơi dẹp yên giặc cướp, giữ kỷ cương phép nước. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Bá, năm 1746 có loạn quân Mạc Tam từ Trung Quốc tiến sang đánh chiếm vùng Cao Bằng. Lúc ấy Cao Bằng có 4 châu thì bị mất 3 châu, chỉ còn lại châu Thạch Lâm. Dân Cao Bằng phải bỏ nhà chạy loạn, nhiều người bị bắt.
Bấy giờ Nguyễn Bá Lân đang làm quan Lưu thủ Hưng Hóa, liền đưa quân đến Cao Băng đánh quân Mạc Tam. Nguyễn Bá Lân chiếm lại được Cao Bằng, tất cả lương thực và gia súc thu được từ quân Mạc Tam đều chia lại cho dân. Từ đó ông được giao giữ chức Đốc trấn Cao Bằng, dùng những người có tâm để xây dựng hệ thống quan lại lo cho dân chúng.
Năm 1743, ông giữ chức Hàn lâm Thị độc, gia phong tước Bá.
Năm 1756, ông được triệu vào kinh đô Thăng Long nhận chức Thiêm đô ngự sử, vào phủ Chúa nhận chức Bồi Tụng (chức quan chỉ đứng sau Tham tụng) tước Lễ Trạch Hầu, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám (chức đứng đầu Quốc Tử Giám), rồi chức Hàn lâm Viện Thừa chỉ, chăm lo việc đào tạo tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” viết rằng: “Nguyễn Bá Lân làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân dẹp yên giặc cướp tỏ rõ công lao; vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua”.
Năm 1785, Nguyễn Bá Lân mất, thọ 86 tuổi, ông được an táng tại quê nhà, được truy phong làm Thái tể, tước Quận công, được tôn làm Thành Hoàng Ngũ Xá (linh thần chi phù).
Trước khi mất ông giữ nhiều chức vụ khác nhau, trong đó làm Thượng thủ đủ cả 6 bộ, bởi cứ thấy Bộ nào yếu là Chúa lại tin tưởng cử ông làm Thượng thư nắm bộ đó.
Cuốn Đại Nam nhất thống chí đánh giá Nguyễn Bá Lân như sau:
Nguyễn Bá Lân người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, cha tên là Hoàn, nổi tiếng về văn học, học thức của Nguyễn Bá Lân là nhờ gia đình, ông đỗ Hội Nguyên – Tiến sĩ đời Vĩnh Khánh, làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân dẹp yên giặc cướp tỏ rõ công lao; vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua, thăng đến Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, thượng thọ 86 tuổi, khi chết được truy tặng “Thái tể, tước Quận công”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…