Các bậc cha mẹ đều nhận thức rằng trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ, vì vậy họ luôn hy vọng con mình có được loại trí tuệ tuyệt vời này. Nhưng trí tuệ cảm xúc đến từ đâu? Liệu nó có thể nuôi dưỡng được không?
Câu trả lời là, trí tuệ cảm xúc không thể được nuôi dưỡng. Thời nay, không ai ngốc nghếch, việc học tập các kỹ năng cảm xúc như một bộ sách “võ thuật” chỉ khiến bản thân mệt mỏi và đối phương cũng cảm thấy không chân thật.
Bản chất của trí tuệ cảm xúc đến từ hai nguồn chính. Thứ nhất là từ lối ứng xử từ cha mẹ. Nói một cách đơn giản, cách mà cha mẹ đối xử với con sẽ định hình cách con ứng xử với người khác trong tương lai và cách con mong muốn người khác đối xử với mình. Thứ hai, trong một môi trường tự do, nơi trẻ không bị ép buộc bởi những phương pháp giáo dục cứng nhắc hoặc bị can thiệp, trẻ sẽ có cơ hội vận dụng khả năng quan sát và trí tuệ bẩm sinh của mình để suy nghĩ, hiểu bản thân và người khác. Từ đó, trẻ có thể học hỏi và phát triển các phương thức giao tiếp hiệu quả.
Tôi có một cô em gái 11 tuổi. Vào kỳ nghỉ hè, em gái đến nhà tôi ở. Tôi nói với em rằng: “Em là người tự do. Mọi việc của em đều do em tự quyết định: em thức dậy lúc mấy giờ, đi ngủ lúc mấy giờ, làm bài tập hay xem ti vi, ăn gì hay không ăn gì, tất cả đều do em lựa chọn. Em không cần phải làm vừa lòng anh, chỉ cần là chính mình là đủ.” Sau đó, tôi đưa cho em một ít tiền và nói: “Em muốn mua gì thì cứ mua”.
Em gái tôi hoàn toàn tự quyết định mọi việc, ngay cả việc có muốn đắp chăn hay không. Một ngày, khi có khách sắp đến, tôi nói với em: “Hôm nay có khách tới, có thể họ sẽ ghé qua một số căn phòng. Anh muốn nhà mình gọn gàng một chút để thể hiện sự tôn trọng khách, nên mong em có thể giúp dọn dẹp phòng cho gọn gàng”. Em gái nghe xong lập tức vui vẻ đi làm việc.
Bởi vì tôi luôn tôn trọng em, nên em cũng sẵn lòng phối hợp với tôi. Tôi không hề dạy bảo em rằng: “Đắp chăn và dọn phòng là điều đương nhiên cần làm, em phải làm một đứa trẻ ngoan”. Tôi chỉ đơn giản là thành thật bày tỏ nhu cầu của mình.
Trong quá trình này, tôi không phán xét em gái mà luôn dành cho em tình cảm yêu thương. Em gái đã cảm nhận được điều đó và cũng học cách đối xử với người khác bằng tình yêu thương và sự không phán xét.
Không ai thích bị dạy dỗ, cũng không ai thích bị phán xét. Trong các mối quan hệ xã hội, chắc chắn sẽ có những tình huống không như mong muốn. Nhưng khi những điều này xảy ra, chúng ta sẽ chọn phán xét đối phương, giáo dục họ, hay là chân thành bày tỏ sự thật và chia sẻ cảm xúc của mình? Đây chính là ranh giới của tình yêu thương. Những người có thể chân thành thể hiện sự thật và cảm xúc của mình là những bậc thầy trong các mối quan hệ, sẽ được người khác tôn trọng và yêu mến.
Hãy tưởng tượng một chút: nếu tôi và cha mẹ thường xuyên phán xét và dạy bảo em gái, chẳng hạn như “Lãng phí là điều đáng xấu hổ” hay “Không dọn dẹp phòng thì thật bừa bộn”, thì chúng tôi vô hình chung đã gán cho em những hành động mà chúng tôi cho là sai lầm. Khi em bước vào hôn nhân, nếu người chồng thỉnh thoảng lãng phí hoặc tiêu tiền không hợp lý, em sẽ cảm thấy xấu hổ và tức giận vì những phán xét mà mình đã từng nhận. Những cảm xúc đó sẽ lập tức trỗi dậy. Em sẽ phán xét chồng và tranh cãi với anh ấy về những chuyện nhỏ nhặt không đáng này.
Câu chuyện này có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhiều cuộc hôn nhân, bắt đầu với những tình cảm đầy yêu thương, rồi dần bị những mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng làm tiêu tan gần như hoàn toàn. Tại sao chúng ta không thể dễ dàng tha thứ cho nhau và chờ đợi? Bởi vì trong tuổi thơ, chúng ta cũng không nhận được sự tha thứ từ cha mẹ, mà chỉ sống trong những phán xét khắt khe về đúng và sai.
Phán xét về đúng hay sai thực chất là một cách nhìn nhận vấn đề rất nông cạn. Một khi bị dán nhãn đúng hay sai, chúng ta sẽ không còn khả năng đánh giá sự việc một cách sâu sắc và thấu đáo nữa.
Khi gặp bạn bè, người lớn thường dạy trẻ em những câu chào như: “Chào dì, dì khỏe không?” hoặc “Khi dì rời đi, cần nói với dì là ‘hẹn gặp lại'” Những câu này được gọi là giáo dục phép tắc, nhưng thực ra lại gây cản trở cho trẻ trong việc quan sát và cảm nhận mối quan hệ xã hội.
Nếu quan sát trẻ em xung quanh, bạn sẽ nhận thấy rằng những câu lễ phép mà cha mẹ thường dạy trẻ, mặc dù trẻ có thể nói ra, nhưng thường tỏ ra bị động và ngượng ngùng. Trẻ chỉ lặp lại một cách máy móc những gì cha mẹ đã dạy mà không thực sự nhìn vào mắt người đối diện.
Ngược lại, khi cha mẹ không áp đặt yêu cầu cho trẻ, mà tôn trọng cách giao tiếp và nhịp điệu riêng của trẻ, trẻ có thể không chủ động nói những câu lễ phép và có thể tỏ ra cẩn trọng, chậm chạp hơn so với những bạn bè khác. Nhưng chính quá trình “phản ứng chậm” này là thời điểm trẻ cảm nhận cẩn thận về bản thân và người khác, từ đó học hỏi và tìm ra cách giao tiếp thoải mái với mọi người. Bước này rất quan trọng cho sự phát triển tình cảm trong tương lai của trẻ; chỉ cần cha mẹ không can thiệp, trẻ sẽ tự nhiên phát triển và hoàn thành điều đó.
Bạn tốt của tôi, anh Dương, từng nói: “Tôi không giáo dục con một cách cứng nhắc, nhưng điều đó không có nghĩa là đứa trẻ sẽ trở nên hư hỏng”. Con gái của anh là một ví dụ điển hình cho sự nhiệt tình của trẻ nhỏ. Mỗi lần gặp mặt, em đều chào hỏi với năng lượng tràn đầy, khiến mọi người cảm thấy vui vẻ. Cảm giác này chưa bao giờ xuất hiện ở những đứa trẻ được dạy phải biết lễ phép.
Tôi cũng có một người bạn khác, cô ấy tạo cho con một không gian tự do tuyệt đối, cô không đánh giá hay “dạy dỗ” chúng quá nghiêm khắc. Mặc dù bản thân cô gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi âm thầm, và phần lớn thời gian không thể dành cho con. Cô ấy nhận ra rằng mình không thể thể hiện tình yêu theo cách thông thường, nhưng vẫn cố gắng trao cho con sự tự do tuyệt đối.
Một lần, con gái 7 tuổi của cô bị một cậu bé trong khu phố đánh, nhưng em không đáp trả. Khi cô hỏi: “Con ơi, tại sao con không đánh lại? Có phải con sợ không?” Em trả lời: “Mẹ, con không đánh lại không phải vì sợ, mà vì con không muốn những nỗi sợ của mẹ trở thành nỗi sợ của con. Mẹ luôn lo lắng về xung đột, nhưng con thì không. Con không đánh lại vì con cảm thông với cậu ấy. Bố mẹ và ông bà của cậu ấy thường xuyên mắng cậu, cậu ấy gần như mỗi ngày đều bị đánh. Cậu ấy thật đáng thương, không biết cách sống hòa hợp với mọi người. Con hiểu cậu ấy, vì vậy con không đánh lại”.
Cô rất ngạc nhiên và đồng thời cũng rất ngưỡng mộ đứa trẻ. Đứa trẻ có cái nhìn sâu sắc như vậy, có khả năng suy nghĩ thấu đáo về nguyên nhân và hậu quả cũng như hiểu người khác, chính là nhờ vào sự tự do mà mẹ đã dành cho cô bé.
Tự do là gì? Nói một cách đơn giản, đó là khi trẻ em đối mặt với những tình huống khác nhau, thay vì can thiệp và đưa ra lời giáo huấn, thì người lớn sẽ im lặng và để trẻ tự khám phá.
Giả sử mẹ thường xuyên tự cho mình là đúng và dạy trẻ bằng những câu như: “Hành động đánh người là sai, những đứa trẻ không được giáo dục sẽ đánh nhau”. Như vậy đến khi bạn đánh trẻ, trẻ sẽ phán xét: “Mẹ sai, mẹ không được giáo dục nên mới đánh con”. Một khi đã gán nhãn đúng sai, trẻ sẽ không còn chú ý để quan sát và suy nghĩ về những nguyên nhân sâu xa đằng sau hành động, mà chỉ dừng lại ở cái nhìn nông cạn: “Bạn sai, tôi đúng”.
Nếu bạn quan sát hai đứa trẻ đang chơi với nhau, có thể bạn sẽ thấy một trong số chúng khóc to vì bị ủy khuất. Tuy nhiên, nếu người lớn không can thiệp bằng những lời nhận xét hay phán xét, thì thường hai đứa trẻ sẽ tự động giải hòa và không lâu sau lại vui vẻ chơi cùng nhau, giống như chưa hề có mâu thuẫn. Ngược lại, khi người lớn tham gia vào, đưa ra những phán xét về ai đúng ai sai, thì việc giải hòa tự nhiên giữa hai trẻ sẽ trở nên khó khăn. Những vết rạn trong tình bạn lúc này có thể sẽ khó mà hàn gắn.
Sử dụng cách nhìn đúng sai để đánh giá một người rất khó khiến người khác chấp nhận. Hơn nữa, lối suy nghĩ này khiến chúng ta bám chặt vào quan điểm của mình: “Rõ ràng tôi là đúng, còn bạn sai, có vấn đề gì chứ?” Như vậy, cho dù bạn có đúng đi chăng nữa, thì người khác cũng không muốn gần gũi với bạn nữa.
Trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ thân mật, việc phán xét đúng sai là sai lầm nhất. Trong tình yêu, bạn thực sự muốn chứng minh rằng mình là đúng, hay bạn muốn có một mối quan hệ hạnh phúc? Nếu bạn chỉ cố gắng khẳng định mình đúng trước thế giới, thì chẳng khác nào bạn đang sống trong sự cô đơn.
Trí tuệ của con người cho phép chúng ta suy nghĩ sâu sắc về những nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau các hành động, phân tích mối quan hệ nhân quả và hiểu biết toàn diện về bản thân cũng như người khác. Loại trí tuệ này chỉ có thể phát triển từ sự tự do, được tạo ra khi cha mẹ không can thiệp và cho phép trẻ em trải nghiệm thế giới mà không bị quấy rầy.
Trong trường mẫu giáo Montessori, một nhóm trẻ 3-4 tuổi đã ngồi nói chuyện với nhau rất lâu, cuối cùng, sau một cuộc nói chuyện dài các em kết luận rằng: “Cha mẹ không thể thay đổi. Càng cố gắng thay đổi họ, họ càng tệ hơn”. Kết luận này là điều mà tôi phải mất hơn 30 năm cuộc đời đi trên con đường quanh co mới ngộ ra được. Sự thật này đã giải thoát tôi khỏi vòng luẩn quẩn đau khổ và giúp tôi tìm thấy sự tự do trong tâm hồn. Thật thú vị, những đứa trẻ mẫu giáo này lại có thể tự ngộ ra điều đó sớm đến vậy. Đây chính là trí tuệ của trẻ con; chỉ cần cho chúng không gian, chúng sẽ tự lĩnh hội những sự thật đơn giản và cơ bản nhất của cuộc sống.
Nếu muốn trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc, bạn hãy chỉ nhìn nhận chúng mà không phán xét. Điều này không dễ dàng, vì hầu hết chúng ta đều lớn lên trong sự phán xét và hiểu lầm. Nếu không thể nhìn nhận trẻ bằng một tâm trí cởi mở, thì ít nhất chúng ta cần cố gắng làm được điều này: Hãy im lặng, ngừng tự cho mình là đúng trong việc giáo dục, để trẻ có không gian tự do phát triển trí tuệ của mình.
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…