Món cá chạch nướng đầu tiên trong đời tôi là do bà làm. Khi đó, tôi khoảng hai tuổi, được gửi về quê sống cùng bà. (Ảnh minh họa: Epoch Times)
Đêm đã khuya, khuya đến mức ăn một bữa khuya cũng thấy áy náy. Sau khi đi dạo bên ngoài trở về, tôi ngồi dưới ánh đèn trò chuyện với một người bạn ở trong nước. Cuốn Sách Tương Tư của cô ấy viết thật hay. Tôi nói với cô ấy rằng mình mong chờ được đọc nhiều hơn những bài viết của cô. Sau đó, tôi đứng dậy đi xuống bếp, lấy cơm đã nấu sẵn chuẩn bị cho hộp cơm ngày mai ra để nguội. Đột nhiên, tôi cảm thấy đói. Mở tủ trên đầu, tôi tìm được một hộp mì ăn liền của Nissin. Nhìn sang bàn, có vài quả cà chua mua từ chợ nông sản, còn có cả quả bơ nữa. Nhưng tôi lại thèm ăn một phần đậu hũ Mapo.
“Cơm do người khác nấu bao giờ cũng ngon hơn”. – Bà ngoại từng nói vậy. Sau khi ra nước ngoài, trừ những lần đi ăn nhà hàng, tôi hiếm khi có cơ hội được ăn đồ ăn do “người khác” nấu. Dù là đến nhà bạn hay bạn đến nhà tôi, tôi vẫn là người đứng bếp chính. Hiếm hoi lắm mới có một lần được ăn món do “người khác” nấu, tôi liền cảm động vô cùng. Cũng từ đó mà nhận ra lời bà nói là thật. Tự nấu ăn cho mình, tôi cố tưởng tượng bản thân chính là “người khác” ấy. Tay trái nhận lấy từ tay phải đưa qua, cuối cùng vẫn chỉ là mình tự nấu cho mình ăn.
Bà ngoại là người thầy đầu tiên dạy tôi về ẩm thực, cũng là “người khác” nấu ăn cho tôi. Món cá chạch nướng đầu tiên trong đời tôi là do bà làm. Khi đó, tôi khoảng 2 tuổi, được gửi về quê sống cùng bà.
Có một hôm, từ sáng sớm, bà cõng tôi ra bờ sông phía sau cây cầu, đặt tôi lên một tảng đá lớn, còn bà thì xắn quần lội xuống nước. Bà mò mẫm một lúc, bắt được đầy một sọt nhỏ cá chạch. Vì sao tôi lại có ký ức về chuyện này? Có lẽ bởi vì hôm đó gió sông mát lạnh, còn mùi cá chạch nướng của bà thơm lừng. Bà nướng cá chín rồi, cẩn thận gỡ hết những chiếc xương nhỏ trước khi đút cho tôi ăn. Vậy mà tôi vẫn bị hóc xương, há miệng kêu “a a” không ngừng. Ánh lửa trong bếp hắt lên khuôn mặt lo lắng của bà.
Đồng hồ điểm mười hai tiếng. Không nghĩ ngợi nhiều nữa, tôi xắn tay áo, bật máy hút khói, rửa tay, bắc chảo lên bếp. Mở một hộp tương đậu, tỉ mỉ nghiền nhỏ hạt tiêu Tứ Xuyên, đập tỏi, băm nhuyễn. Bà ngoại chưa từng ăn món đậu hũ Mapo của vùng Tứ Xuyên. Cả đời bà chỉ biết đến hương vị quê nhà. Món sở trường của bà là gà hầm rượu nếp. Những năm đại học, mỗi khi về quê thăm bà, tôi thường nửa tỉnh nửa mê nghe tiếng bà dậy sớm trong sân để bắt gà.
Vừa lẩm bẩm: “Cháu gái ta về rồi! Là sinh viên đại học rồi…”, bà vừa lặng lẽ bước đến đàn gà. Con gà bị bà tóm chặt hai chân, giãy giụa kêu quang quác, lông vung vãi khắp sân. Đến bữa tối, món gà hầm rượu nếp mà bà tự hào nhất được bưng lên bàn. Mãi đến bây giờ, tôi mới hiểu ra rằng, thế giới rộng lớn đến đâu đi nữa, thì hương vị quê nhà vẫn là ngon nhất. Thiên hạ rộng vô biên, muôn sự lạ lùng, nhưng con người thật sự không cần phải biết hết mọi điều.
Nhớ lại 20 năm trước, bà ngoại mất ở nhà. Đêm đó, bà đau đầu dữ dội, cơn đau như tia chớp giật mạnh từng dây thần kinh của bà. Tôi xoa bóp vai bà để giúp bà bớt đau. Bà chỉ vào mình rồi nói với tôi: “Chắc là vì giết quá nhiều gà nên bây giờ nghiệp báo đến rồi phải không?”
“Bà ơi, những con gà bà giết, cháu cũng ăn mà. Bà cháu mình đều tin Phật, bà yên tâm đi, có lẽ kiếp sau chúng sẽ lại có duyên với cháu. Bà chắc hẳn cũng đã chuyển sinh rồi, biết đâu một ngày nào đó, giữa đám đông, cháu sẽ nhận ra bà.”
“Bà ơi, bây giờ cháu đã biết nấu hàng trăm món ăn rồi. Cháu đã đi qua hàng chục quốc gia và thành phố trên thế giới. Người Pháp ăn thịt vịt, người Ý ăn mì sợi.”
“Haha, cháu giỏi lắm! Bà đã sớm nói rồi, sau này cháu sẽ đứng trên vạn người”. Bà ngồi đối diện tôi, mặc bộ sườn xám bằng lụa, hai tay chống cằm, nhìn tôi với nụ cười hiền hậu. Trong bát của tôi, màu đỏ rực của món ăn phản chiếu ánh mắt bà.
Nếu là trước đây, tôi chắc sẽ sợ đến chết khiếp, sẽ bật dậy véo vào cánh tay mình để xua đi ảo giác rằng bà chưa mất. Nhưng giờ đây, tôi chỉ lặng lẽ cúi đầu, từng thìa từng thìa ăn sạch từng hạt cơm trong bát. Chỉ cần tôi muốn, bà sẽ cứ ngồi đó nhìn tôi ăn. Chỉ cần tôi muốn, bà và tôi có thể cứ ngồi như vậy đến tận sáng mai. Mất bà rồi, tôi chẳng còn sợ hãi điều gì nữa.
Tôi chưa từng nấu một bữa cơm nào cho bà ngoại, cho đến khi bà già đi, cho đến khi bà rời xa tôi. Khi tôi còn sống ở nhà bố mẹ, mẹ là người nấu ăn. Tôi hậu đậu, nên mẹ cũng hiếm khi để tôi vào bếp. Mẹ nấu ăn nổi tiếng trong họ hàng, chỉ trong nửa giờ có thể làm xong bốn món một canh. Hồi nhỏ, nhà tôi sống trong khu tập thể có bếp chung, từng có hàng xóm lén ăn trộm thức ăn thừa của nhà tôi để trong bếp. Tôi phát hiện ra và báo với mẹ.
Nhưng mẹ chẳng tin tôi. Vì người trộm đồ ăn đó là đứa trẻ mà cả khu ai cũng công nhận là ngoan ngoãn, hiền lành. Cho đến lần tiếp theo, tôi lại bắt gặp nó ăn vụng. Nó còn thản nhiên đứng trước mặt tôi mà khoe khoang đầy đắc ý. Tôi khi đó mới sáu tuổi, trong mắt người lớn chỉ là một đứa trẻ giỏi bịa chuyện. Biết làm gì đây? Mỗi lần thấy nó trộm ăn, tôi chỉ biết giấu tay ra sau lưng, tay trái vặn tay phải, lòng cầu nguyện mẹ lập tức xuất hiện, tốt nhất là từ trên trời bay xuống như Tôn Ngộ Không.
Bạn học đại học của tôi ai cũng biết mẹ tôi nấu ăn tuyệt đỉnh. Cả lớp lần lượt kéo đến nhà tôi ăn cơm mẹ nấu, ai cũng tấm tắc khen ngon. Không chỉ vậy, đồng nghiệp, bạn bè của bố cũng thường xuyên đến nhà ăn cơm, số người từng ăn qua món mẹ tôi nấu nhiều không kể xiết. Mẹ tôi hay đùa rằng nhà mình chẳng khác gì quán cơm hay nhà trọ. Bà luôn nhận được cuộc gọi của bố ngay trước khi tan làm, báo rằng tối nay sẽ có bao nhiêu người đến ăn và họ muốn ăn gì. Tất cả đều được quyết định gấp gáp, sắp xếp vội vàng, vậy mà mẹ vẫn có thể chuẩn bị bữa cơm đúng giờ, khiến ai nấy đều hài lòng.
Mẹ vốn đã là cao thủ trong bếp, nhưng có một khoảng thời gian, những món mẹ nấu lại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Đó là khoảng một tháng trước khi tôi chuẩn bị đi xa. Đầu mùa hè nóng bức, tôi luôn bận rộn, ngày nào cũng đi sớm về khuya. Vậy mà trên bàn ăn trong phòng khách, ngày nào cũng có một bát canh đợi sẵn: lúc là canh củ sắn nấu xương heo, lúc là canh sen rong biển, lúc lại là canh củ cải hầm sườn. Hoặc một đĩa cá trắm hấp với quả ô liu muối, gà hấp xì dầu, hay rau tươi xào đơn giản. Mọi món ăn đều được đậy kín bằng lồng bàn, ngày ngày chờ tôi về. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ những món ăn đó còn nhận ra trước cả mẹ tôi rằng: Tôi sắp đi, và có lẽ sẽ chẳng quay về nữa. Trong đó hòa lẫn bao nỗi niềm: tình yêu thương sâu sắc, sự lo sợ, hoảng hốt, khẩn cầu và cả sự lưu luyến khôn nguôi. Giống như hương nhang trầm trong ngôi đền cổ, cũng như làn nước lạnh lẽo từ đáy giếng sâu—một hương vị kỳ lạ, nhưng vô cùng ngọt ngào.
Lâm Mộc biên dịch
Theo Epoch Times
Thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ gây sốc thị trường chứng khoán…
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã lên án bản án đối với ứng cử viên…
Ukraine đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần do Hoa Kỳ làm…
UBND TP. Hải Phòng đề xuất được bán nhà ở cho các hộ dân có…
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, trong đó tăng mạnh nhất là xăng RON 95…
Ông Trump đã thực hiện cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử, trong…