Tết Trung thu là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Trẻ em luôn nô nức đón chào Tết Trung thu, ngoài chiếc bánh Trung thu đặc trưng thì lồng đèn là món quà không thể thiếu trong đêm rằm tháng Tám, chiếc lồng đèn là cả tấm lòng của cha mẹ dành cho con, là những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên được của mỗi người.
Trung thu là dịp người ta tỏ lòng yêu thương với gia đình trong ngày Tết đoàn viên, tụ họp quây quần bên mâm cỗ. Đây cũng là Tết mà khiến trẻ em háo hức với những chiếc lồng đèn rực rỡ, với mâm cỗ đong đầy. Đối với người lớn, thì Trung thu là dịp chúng ta hoài niệm về thời thơ ấu đầy ấn tượng trong lòng mỗi người. Ai có thể quên được hình ảnh trăng tròn dìu dịu vừa lên trên bến sông, hay tiếng trống lân rộn ràng cả xóm, hay vị bánh Trung thu béo ngọt trong ký ức tuổi thơ.
Và chắc hẳn, không ai có thể quên được những chiếc lồng đèn từng là niềm ao ước một thời của mình. Không thể quên được hình ảnh trẻ con trong xóm túm tụm lại khoe với nhau những chiếc đèn rồi kéo nhau thắp nến rồng rắn đi khắp xóm, cứ thế len lỏi cho đến khi trăng lên đến đỉnh đầu trong tiếng cười đùa giòn tan vô tư lự. Khi ấy người lớn sẽ bày mâm cỗ, ngồi quây quần bên tách trà thơm hương sen rôm rả trò chuyện, trẻ con được vui chơi thỏa thích, phá cỗ, hát hò đến tận khuya mới bị gọi về đi ngủ.
Chiếc lồng đèn tưởng chừng đơn giản đến thế nhưng không phải ai cũng đủ may mắn để có được chúng. Những ai khá giả thì sẽ được cha mẹ mua cho những chiếc lồng đèn làm từ những cuộn phim 35mm của máy ảnh cơ. Phim sẽ được tẩy trắng sau đó nhuộm màu sặc sỡ vào tạo hình quả trám, hình hộp… Phần đáy là một mảnh bìa cứng có gắn lò xo để khi nến cháy sẽ không làm hư hỏng đèn.
Lồng đèn hình thú làm từ giấy bóng kính cũng là một niềm ao ước của trẻ em khi đó. Với hình các con vật đủ kích thước khác nhau, nhiều nhất có thể kể đến là bướm, thỏ, cá. Trên mỗi lồng đèn là các nét vẽ tạo hình đủ màu sắc và ngộ nghĩnh. Các bé gái thường thích thú với đèn các con vật, trong khi các bé trai say mê với lồng đèn hình thuyền và máy bay. Những loại lồng đèn này đã có từ rất lâu và vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay.
Ngày ấy, nếu nhà ai có được chiếc đèn kéo quân thì khi chiếc đèn được đốt lên chắc chắn sẽ thu hút được phần lớn trẻ em trong xóm đến ngắm nghía, đám trẻ sẽ vừa ngắm vừa được dạy hát một bài dân ca thật xưa về đèn kéo quân có lẽ chỉ còn trong ký ức:
“Khen ai khéo xếp cái đèn Cù
Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó lại vòng quanh
Bao giờ em bén duyên anh
Voi giấy, ngựa giấy vòng quanh cái tít mù tít mù…”
Và thế nào cũng có những thắc mắc về việc tại sao chiếc đèn này lại quay được và sự tích về chiếc đèn sẽ được kể lại ly kỳ như một câu truyện cổ tích. Đèn kéo quân là chiếc lồng đèn hình trụ. Xung quanh trục đèn là những vòng giấy dán hình người, thú, cảnh vật… được sắp xếp thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Do trục trơn và các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong, sự thay đổi nhiệt độ và áp suất không khí giữa bên trong, bên ngoài đèn làm cho các nan tre chuyển động và ánh sáng hắt bóng hình đoàn quan quân cùng muôn thú bằng giấy nối đuôi nhau xoay vòng liên tục. Chính vì vậy, đèn có tên gọi là đèn kéo quân. Với trẻ thơ đó là một khám phá kỳ thú khi chẳng cần máy móc mà chiếc đèn vẫn có thể chuyển động. Một khi đã quan sát sự chuyển động của lồng đèn kéo quân, bạn sẽ khó cưỡng lại vẻ đẹp của nó.
Đèn cù cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Tên của loại đèn này xuất phát từ hình dáng của nó, gọi là đèn cù vì nó quay như cái cù.
Đèn cù là một loại đèn vô cùng thú vị. Nếu nhìn đèn theo trục thẳng đứng từ trên xuống, đèn như một bông hoa 6 cánh nhiều màu. Thân đèn làm bằng nan tre uốn cong thành hình cánh hoa và được phủ giấy bóng kiếng. Chiếc lồng đèn có thể được trang trí thêm hình vẽ lên các cánh hoa. Phía đáy là hai bánh xe, một gắn với đế đèn và cái còn lại tiếp xúc với mặt đất. Khi chúng ta cầm gậy để đẩy bánh xe, phần lồng đèn ở trên sẽ xoay tạo ra âm thanh vui tai.
Đơn giản hơn nữa, chính là những chiếc lồng đèn giấy xếp. Với hình dạng những chiếc ống, được in hình sặc sỡ, lồng đèn xếp trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi, tuy nhiên, chúng dễ bắt lửa vì nến cháy táp vào phần giấy. Ngày nay, lồng đèn xếp có những cải tiến như in những hình ảnh phổ biến của các nhân vật phim hoạt hình, truyện tranh để thu hút trẻ nhỏ. Đồng thời cũng thay đổi chất liệu từ giấy thành vải để đảm bảo an toàn.
Trước Trung thu vài ngày là lúc bọn trẻ tụm năm tụm ba làm lồng đèn. Đa phần là những chiếc đèn đơn giản được làm từ lon bia và lon sữa bò đục. Chỉ vài thao tác đơn giản là rọc các đường dọc lon bia, sau đó ép lại cho lon bia phồng ra ngoài là đã có thể tự làm được một chiếc lồng đèn. Đứa lớn sẽ làm cho đứa bé và rồi thế nào cũng có những cãi vã, giận hờn vì cho là cái của mình không đẹp bằng những cái khác. Tuy chỉ đơn giản như vậy nhưng loại lồng đèn này phát ra ánh sáng khá lung linh bởi những khe của lon bia.
Và ấn tượng nhất có lẽ là lồng đèn làm từ lon sữa bò, chắc hẳn trong ký ức của chúng ta chiếc đèn lon sữa này đong đầy hình ảnh cha tràn ngập tình thương ngồi hì hụi đục lỗ, cột dây để làm ra chiếc đèn. Rồi thế nào lũ bạn cũng thích thú lắm, ngưỡng mộ cha thật khéo tay.
Chỉ cần một cọng dây kẽm, hai lon sữa bò, một cây tre, chúng ta sẽ có ngay chiếc lồng đèn vô cùng độc đáo. Sau khi có đầy đủ vật liệu, đục phần đáy hai lon sữa, ráp với nhau bởi dây kẽm, cố định lại bằng thanh tre, sau đó đốt nến là đã có thể sẵn sàng dẫn “em” lồng đèn này đi khắp xóm cùng lũ bạn hàng xóm.
Theo thời gian, xã hội phát triển và chiếc lồng đèn cũng dần thay đổi theo. Những chiếc lồng đèn bằng nhựa chạy pin, với nhiều hình dáng đã dần thay thế những chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng, giấy xếp truyền thống. Bên cạnh đó cuộc sống hiện đại cũng đã làm mất đi rất nhiều giá trị tinh thần trong đêm Trung thu. Những chiếc lồng đèn phát nhạc làm chúng ta không còn nghe được những giai điệu quen thuộc của bài hát về Trung thu. Trẻ em đã không còn những kỷ niệm đẹp về Trung thu, về chiếc lồng đèn là cả tình yêu thương của cha mẹ, về đêm Trung thu rước đèn cùng lũ bạn, về phá cỗ đêm rằm…
Biết bao người hoài niệm về Trung thu xưa, họ mong muốn có những tết Trung thu hồn nhiên cho trẻ nhỏ, để khi con cháu chúng ta lớn lên, chúng cũng có những kỷ niệm đẹp để nhớ về thời thơ ấu.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…