Việc đào tạo một cậu bé trở thành đàn ông đòi hỏi chúng phải có kiến thức và lòng dũng cảm. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Chúng ta đều đã chứng kiến những hình ảnh tan hoang và nghe những câu chuyện đau lòng về hậu quả khốc liệt mà cơn bão Helene để lại. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện truyền cảm hứng về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tinh thần tương thân tương ái. Một trong những câu chuyện đó đến với tôi chỉ vài ngày sau khi cơn bão đi qua, qua lời kể đầy xúc động của những người bạn sống trong vùng bị ảnh hưởng.
Dù ngôi nhà của họ nằm ở vị trí cao, tránh được dòng nước lũ cuốn trôi, nhưng gia đình bạn tôi đã bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày khi một con suối gần đó trở thành dòng nước dữ. Một đêm nọ, khi đang đọc sách trước giờ đi ngủ, hai cậu con trai trong gia đình – ở độ tuổi thiếu niên – nghe thấy tiếng kêu cứu vang lên từ bên ngoài cửa sổ. Không tìm thấy cha mình – người khi ấy đang ở trong xe để dò sóng radio cập nhật tin tức – hai cậu bé đã tự mình hành động. Các em nhanh chóng thu gom thiết bị, ra ngoài trong màn đêm và băng qua con suối để cứu người hàng xóm mắc kẹt trong đống đổ nát và một chiếc ô tô đang bị ngập nước.
Nhiều người khi nghe câu chuyện này đã xúc động nói rằng các cậu bé ấy đã trưởng thành chỉ sau một đêm. Trong một xã hội mà nam tính thường bị gắn với định kiến tiêu cực, thì hành động gan dạ và đầy trách nhiệm ấy lại là minh chứng rõ ràng cho những giá trị nam tính tích cực: lòng dũng cảm, tinh thần bảo vệ và ý thức trách nhiệm. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chúng ta có thể nuôi dạy nhiều chàng trai trẻ hành động như vậy?
Tổng thống Theodore Roosevelt từng nói:
“Không ai có thể là một công dân tốt nếu anh ta không được rèn luyện để trở thành một người đàn ông tốt. Mỗi cậu bé đều cần được dạy dỗ để hoàn thành trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.”
Những lời khuyên của Roosevelt về việc nuôi dạy những người đàn ông mạnh mẽ và có trách nhiệm đã được minh chứng trong hành động của hai cậu bé dũng cảm kể trên.
Điều đầu tiên đáng chú ý là: khi nghe thấy tiếng kêu cứu, các cậu bé đang đọc sách, chứ không phải dán mắt vào điện thoại hay đeo tai nghe chìm đắm trong thế giới ảo. Dù có thể một phần do mất điện, nhưng tôi biết rõ rằng trong gia đình ấy, việc đọc sách luôn được khuyến khích và trở thành một phần của nếp sống thường ngày.
Roosevelt từng nói rằng một người đàn ông cần có kiến thức, lòng dũng cảm và khả năng hành động dứt khoát trong khủng hoảng. Đọc sách chính là con đường bồi dưỡng trí tuệ và phẩm chất đó. Sách không chỉ mở rộng hiểu biết, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi lý tưởng và hình mẫu sống tích cực—hoàn toàn trái ngược với những thần tượng sai lệch đầy rẫy trong văn hóa đại chúng hiện đại.
Roosevelt cũng nhấn mạnh rằng, không ai có thể là công dân tốt nếu không áp dụng Mười Điều Răn và Quy Tắc Vàng vào cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ trong những dịp đặc biệt.
Hai cậu bé trong câu chuyện trên đã liều mình cứu người không chỉ vì được dạy kỹ năng ứng phó, mà vì các em hiểu sâu sắc giá trị của sinh mạng con người—bởi mỗi con người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Ngay cả trong hoàn cảnh bị cô lập, gia đình các em vẫn giữ vững sinh hoạt đạo đức: tổ chức buổi thờ phượng sáng Chủ Nhật với cầu nguyện, hát thánh ca và thảo luận giáo lý. Chính những sinh hoạt tưởng chừng nhỏ bé đó đã xây dựng nên nhân cách kiên cường.
Một báo cáo gần đây của New York Times cho thấy số lượng nam thanh niên thuộc thế hệ Z quay lại với nhà thờ đang tăng lên nhanh chóng—một xu hướng đáng mừng. Khi một người đàn ông trẻ có la bàn đạo đức vững chắc, điều đó sẽ định hướng cách họ sống và hành động. Sức lan tỏa từ điều đó có thể mang lại thay đổi tích cực cho cả xã hội.
Roosevelt còn nhấn mạnh vai trò của việc rèn luyện thể chất trong quá trình trưởng thành:
“Trí óc, đôi mắt, cơ bắp—tất cả đều cần được rèn luyện để cậu bé có thể làm chủ bản thân và từ đó làm chủ số phận của mình.”
Ngày xưa, hoạt động thể chất là một phần tất yếu của cuộc sống nông thôn. Nhưng ngày nay, với cuộc sống hiện đại ít vận động, trẻ em dường như ngày càng xa rời thiên nhiên và thiếu các trải nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, hai cậu bé trong câu chuyện của tôi không xa lạ gì với lao động và thiên nhiên. Các em thường xuyên giúp việc ở trang trại lân cận, và gần đây còn tham gia những chuyến đi bộ đường dài khám phá rừng núi. Những trải nghiệm ấy rèn luyện cho các em sự dẻo dai, kỹ năng sinh tồn và tinh thần đồng đội—tất cả đều góp phần giúp các em sẵn sàng hành động trong tình huống khẩn cấp.
Theodore Roosevelt là biểu tượng cho lý tưởng về một người đàn ông toàn diện—khỏe mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần và có đời sống đạo đức sâu sắc. Cha mẹ của hai cậu bé trong câu chuyện đã noi theo lý tưởng đó khi nuôi dạy con, và những thành quả họ gặt hái được là minh chứng rõ ràng.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta—những người làm cha mẹ, thầy cô, và những người định hình thế hệ tương lai—nên nghiêm túc nhìn lại cách mình đang nuôi dạy các chàng trai trẻ. Bằng cách đầu tư vào đạo đức, tri thức và sức khỏe, chúng ta có thể xây dựng một thế hệ đàn ông mới: mạnh mẽ, có trách nhiệm và biết sống vì người khác.
Danh sách hàng hóa Hoa Kỳ tiếp tục dài ra khi Bắc Kinh tiếp tục…
Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc thi bán marathon dành cho robot hình người,…
Trong nhịp sống hiện đại đầy căng thẳng và bệnh tật, con người ngày càng…
Thuế quan với Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn cho đến khi có cải cách.
Pakistan cáo buộc rằng Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn…
Các tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ đã giảm hỗ trợ cho các sự kiện…