Sự thất bại của giáo dục hiện đại nằm ở đặt mục tiêu sai chỗ

Mục tiêu của trường học vốn dĩ là giáo dục học sinh thành những tài năng toàn diện, sống hòa đồng với người khác và có tính cách bao dung, thay vì chỉ là những chuyên gia có một chuyên môn nhất định. Theo tôi, các trường chuyên kỹ thuật nên tuân thủ nguyên tắc này ở một khía cạnh nào đó. Việc trau dồi tư duy độc lập và khả năng tự phán đoán của học sinh nên được ưu tiên hàng đầu, chứ không phải chỉ tiếp thu những kiến ​​thức đặc thù. —— Trích: Albert Einstein.

Nền giáo dục Nhật Bản được xây dựng trên triết lý “con người = đạo đức”. (Ảnh: Pixabay)

Từ “End” (kết thúc) có ít nhất hai hàm nghĩa. Một là đã thực hiện một mục tiêu. Hai là chỉ sự kết thúc của một sự việc gì đó hoặc sự thất bại của một việc nào đó. Sự khủng hoảng trong ngành giáo dục hiện nay phần lớn là do hiểu sai mục đích, mục tiêu hay kết quả cần đạt được trong giáo dục. Nhà trường và hầu hết mọi người đều hiểu sai dẫn đến một kết cục khác, tức dấu chấm hết hay sự thất bại của giáo dục.

Một nguồn gốc quan trọng cho sự hiểu lầm về mục đích của giáo dục chính là coi giáo dục thành một công cụ thực dụng. Tuy nhiên, mục đích của giáo dục không phải để phục vụ người khác, mà là hướng tới tự do. Nói cách khác, giáo dục không chỉ dạy người khác phát triển nghề nghiệp trong tương lai, mà còn giúp hình thành một nhân cách tốt. Giáo dục là dạy mọi người bước vào xã hội một cách thoát tục, tức là trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân trong cuộc sống hiện thực nhất. Hễ đi chệch khỏi mục đích này, giáo dục sẽ thất bại.

Hiện trạng giáo dục ngày nay

Các chiến lược giáo dục trong trường học hiện đại có xu hướng áp dụng một loạt các tiêu chuẩn, nhồi nhét cho học sinh các kỹ năng của thế kỷ 21. Sau đó cho phép họ hoạt động như một đội quân hái ra tiền, có thể hợp tác, đổi mới và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21.

“Sáng kiến ​​cốt lõi chung” (The Common Core initiative, sáng kiến ​​giáo dục được đưa ra vào năm 2010) thịnh hành ngày nay đang xây dựng và thực hiện một hệ thống thống kê và đánh giá toàn diện. Hệ thống này nhằm kiểm tra biểu hiện của học sinh và đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có quyền giành được các phương án đạt chuẩn một cách bình đẳng. Sau khi hoàn thành các phương án đạt chuẩn, bạn có thể vào trường đại học để nghiên cứu thêm và tìm kiếm việc làm trong xã hội. Đây quả thực là biểu hiện của sự thụt lùi của giáo dục, thậm chí đi ngược lại mục đích của chính bản thân công tác giáo dục.

Nhưng kết quả của giáo dục chân chính không phải là bằng cấp, việc làm hay tiền bạc. Các nguyên lý của chủ nghĩa Mác cho rằng con người do công nghệ và tư liệu sản xuất quyết định. Kiểu “giáo dục” cứng nhắc dựa trên văn hóa kinh doanh này không phải là sự hướng dẫn, mà là khai thác. Thế giới này rất cần quay trở lại trường học và tiếp nhận việc giáo dục lại.

Mục đích và mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người hoàn thiện, phù hợp với những giá trị vĩnh cửu vốn có, chứ không phải đào tạo tất cả mọi người đều tuân theo một bộ tiêu chuẩn kinh tế thống nhất đương thời. Do đó, giáo dục hướng đến chân lý phổ quát của nhân loại, chứ không phải là những chi tiết cụ thể. Khi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt đúng vị trí, những thứ khác sẽ tuần tự theo sau.

Tiêu chuẩn của “Sáng kiến ​​cốt lõi chung” quá hạn hẹp, không thể giải quyết các vấn đề cốt lõi của nhân loại. Nó thu gọn việc học tập thành một tập hợp các khóa học thông tin tập trung, chỉ duy hộ lợi ích một phía. Trọng tâm của việc giảng dạy là miễn bạn vượt qua bài đánh giá bằng cách ghi nhớ các thông tin cơ bản, bạn sẽ được coi là đạt chuẩn. Điều này đi ngược lại mục đích của giáo dục và sẽ chỉ dẫn đến sự thất bại của giáo dục.

Vượt lên chính mình

Giáo dục thực sự nâng cao trí thông minh của tất cả học sinh lên mức kỳ vọng cao nhất của mỗi người, bao gồm trí tưởng tượng và năng lực đánh giá cùng cảm xúc về thực tế của học sinh, cũng như thói quen tư duy phân tích và khoa học. Như ông John Henry Newman, nhà thần học và nhà thơ người Anh đã nói, việc tu dưỡng tâm hồn “có nghĩa là ảnh hưởng đến bản tính tinh thần của chúng ta, và sự hình thành nhân cách.”

Đối với người xưa, mục đích của hành động và giáo dục là nhằm đạt được trí tuệ giúp tinh thần tuân theo thực tế. Đối với con người hiện đại, mục đích của hành động và giáo dục là khiến hiện thực đáp ứng nhu cầu tinh thần thông qua các kỹ năng. Tuy nhiên, cảm giác về khoảng cách giữa cuộc sống và thực tế được tạo ra bởi quá nhiều công nghệ và kỹ năng chuyên môn hóa, khiến con người xem nhẹ kinh nghiệm và khả năng học hỏi dần suy yếu.

Từ xưa đến nay, mục đích của giáo dục là rèn luyện nhân cách con người. Bức bích họa “Trường học Athens” (The School of Athens) do họa sĩ thời Phục hưng Raphael sáng tác, mô tả Học viện Plato do nhà triết học Plato thành lập ở Athens cổ đại vào đầu thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Trung tâm của bức bích họa vẽ Plato đang thảo luận các vấn đề với Aristotle. (Ảnh: Public domain)

Vào những năm 1970, tiến sĩ John Senior đã lãnh đạo dự án “Chương trình Nhân văn Tích hợp” nổi tiếng tại Đại học Kansas. Những phát hiện của ông đã thu hút sự quan tâm và chú ý trong nhiều lĩnh vực khác nhau của giới học thuật. Ông từng viết: “Giáo dục không phải nhằm đạt được các kỹ năng trên thị trường, cũng không phải để cải thiện bản thân, văn hóa, thành tích cá nhân, hay thậm chí là kiến ​​thức. Mặc dù những lợi ích này thường được tạo ra. Nhưng về bản chất, nó là một lời kêu gọi hãy vượt lên chính mình.”

Tôi nhớ khi còn học nội trú, tôi từng có kinh nghiệm vượt lên chính mình.

Lần đầu tiên là vào lúc 6 giờ sáng. Tôi đã bị đánh thức bởi thầy hiệu trưởng, thầy đang đứng dưới giường tôi trong đôi ủng cao su. Nhưng không một ai trong số 5 người bạn cùng phòng bị đánh thức như tôi. Thầy hiệu trưởng nói với tôi rằng móng của một con cừu trong chuồng của ông đã bị thối rữa, đến mức ông chỉ có thể kết thúc cơn đau của nó bằng một phát súng, và bây giờ cần phải xử lý cái xác. Thầy nói với tôi với một khuôn mặt không chút biểu cảm: “Có vẻ như em sẽ học được điều gì đó.” Thầy ấy đã đúng. Sau những lời dặn dò đơn giản, thầy để lại đống việc cho một đứa trẻ ở thành phố như tôi. Rạng sáng hôm đó, tôi đã kéo một con cừu chết nặng hơn 100 kg băng qua các ngọn núi, cuối cùng ném nó vào bãi rác, và hoàn thành nhiệm vụ bẩn thỉu và khó khăn này.

Lần thứ hai là vào ban đêm. “Một con cừu mẹ trong nhà kho đã sinh ra một con cừu non.” Thầy hiệu trưởng nói với tôi: “Thầy muốn em ở cùng con cừu mẹ cho đến khi con cừu con có thể đứng dậy.” Tôi loạng choạng bước xuống cầu thang với chiếc đèn pin. Hai tuần ấy tôi lần lượt chứng kiến ​​cái chết và việc sinh nở, đây là một vòng đời hoàn chỉnh, rất có tính giáo dục, mặc dù tôi không hề học chăn cừu.

Giáo dục là cung cấp các khóa học thực tế như vậy trong những khoảnh khắc giảng dạy thuần túy, nhằm xác nhận các giá trị chân, thiện, mỹ được mô tả trong sách. Từ đó giúp học sinh có thể hiểu thế giới và cách đối mặt với sự sống và cái chết.

Nhưng để làm được điều này cần phải quản lý giáo dục hết sức thận trọng, vừa trau dồi kinh nghiệm giảng dạy, vừa bổ sung, kiểm chứng cho nội dung môn học. Đồng thời hình thành một nhân cách chân chính trong bầu không khí thân thiện. Điều này phù hợp với bất kỳ nơi nào như lớp học, các sân thể thao, và nơi hoang dã, hoặc ở những nơi khó xảy ra nhất như chuồng cừu. Bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành địa điểm giáo dục. Khi hướng dẫn học sinh cách đối mặt với cuộc sống thực tế, dù ở những lĩnh vực đã biết hay chưa biết, thì giáo dục vẫn sẽ mang lại kết quả tốt nhất.

Phương pháp này nhằm hướng dẫn học sinh tương tác với thực tế và cân bằng mối quan hệ giữa khó khăn và tình hữu nghị trong sự tương tác này.

Giáo viên tiếng Anh nên khuyến khích sinh viên học Shakespeare và chúc mừng họ khi họ chia sẻ suy nghĩ của mình về các dòng thơ trong sách trước các bạn cùng lớp.

Huấn luyện viên nên khuyến khích học sinh đối mặt với nỗi sợ hãi về thể chất và đưa ra lời khích lệ khi các vận động viên trẻ bị chảy máu mũi trên sân bóng bầu dục. Người chỉ huy dàn hợp xướng nên yêu cầu sự hoàn mỹ và khen ngợi những học sinh hát tốt trong Thánh Lễ. Trại trưởng nên yêu cầu sự xuất sắc và khen ngợi những bạn trẻ đã kể chuyện bên ánh lửa trại.

Khi giáo dục cho phép tất cả mọi người nắm vững những kiến ​​thức cần phải nắm vững, tức chân lý, thì giáo dục đã đạt được mục tiêu của nó. Mặc dù kết quả không nhất thiết phải là “thiết thực”, nhưng đó là hiện thân của lòng tốt, vẻ đẹp và tính nhân văn.

Trong trường hợp tốt nhất, giáo dục đồng ý với quan điểm nhân loại học truyền thống, tức là coi con người như một sự tồn tại tinh thần có dục vọng ăn uống, trí thông minh, trí tưởng tượng và ý chí. Do đó, sự ngu dốt và tò mò được nuôi dưỡng như khởi đầu cho những khám phá và việc mở mang trí huệ.

Trong trường hợp xấu nhất, giáo dục sẽ tách con người ra khỏi thiên tính và đạo đức. Đồng thời khiến hành động và mục tiêu của con người hoàn toàn bị chi phối bởi lợi ích. Do vậy việc thu nhận kiến ​​thức và kỹ năng cho cuộc sống và công việc đã lấn át mục tiêu truy cầu tinh thần cao hơn của con người.

Những học sinh được “giáo dục” như vậy chỉ có thể sống trong một không gian hạn chế và hoàn toàn không nghĩ đến chân lý, trong khi ngẫm về chân lý mới là mục đích của giáo dục. Lối tư duy triết học này vượt qua tri thức thuần túy và những sự kiện chồng chất lên nhau. Từ đó hình thành một khuôn khổ, trong đó mọi thứ có thể được hiểu trong mối quan hệ tương thích với nhau. Đây không chỉ là mục đích của giáo dục, mà còn là mục đích sống của nhân loại.

Trong bài “Toàn bộ ý nghĩa của giáo dục”, ông GK Chesterton, nhà văn người Anh, đã viết: “Chính là cung cấp cho nhân loại những tiêu chuẩn trừu tượng và vĩnh cửu để nhân loại có thể đánh giá trạng thái của vật chất và hư vô.” Giáo dục là việc bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp, giúp chúng thăng hoa đến tận cùng, là hướng dẫn học sinh có cả kiến ​​thức tu dưỡng bên trong và bên ngoài, để hiểu được trật tự của thực tại hữu hình hoặc vô hình. Có thể nhận thức được toàn bộ sự thực của sự việc và tư duy tốt hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, là trạng thái cao nhất mà giáo dục theo đuổi: Thói quen làm chủ bản thân và có đức hạnh.

Ông Chesterton đang làm việc cho tạp chí Crisis Magazine. (Ảnh: Public domain)

Giáo dục đã rơi vào niềm tin rằng sự xuất sắc của con người là ở phương tiện chứ không phải ở mục đích. Khẩu hiệu của người hiện đại là làm việc chăm chỉ để sống một cuộc sống tốt đẹp, tức là việc tự lực cánh sinh và đạt được thành công nơi thế tục. Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc sống lại vượt xa việc mưu sinh. Khái niệm hiện tại về thành công nơi thế tục nói về các thành tựu kinh tế, nhưng mục đích của giáo dục là nhằm cải thiện bản thân con người. Bất kỳ hành vi nào không đạt được mục tiêu giáo dục này đều đang phá hủy chính nền giáo dục đó.

Tác giả Sean Fitzpatrick, đăng trên Epoch Times

Thông tin về tác giả:

Ông Sean Fitzpatrick giảng dạy về khoa học nhân văn tại Học viện Đại học Gregory, một trường nội trú ở Elmhurst, Pennsylvania. Các tác phẩm nổi tiếng của ông về giáo dục, văn học và văn hóa đã được xuất bản trên các tạp chí “Crisis Magazine” (Tạp chí khủng hoảng), “Catholic Exchange” (Trao đổi Công giáo) và “The Imaginative Conservative” (Phe Bảo thủ giàu sức tưởng tượng).

VIDEO: Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?

Sean Fitzpatrick

Published by
Sean Fitzpatrick

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

5 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

19 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

42 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago