Đời Sống

Tâm trí hẹp hòi sinh phiền não, lòng rộng thảnh thơi ôm đất trời

Tâm trí con người giống như một chiếc bình chứa – nếu chật hẹp, thì chỉ một giọt nước cũng khiến nó tràn đầy, sinh ra phiền muộn, oán trách và ganh ghét. Nhưng khi lòng đủ rộng, mọi điều xảy ra trong đời đều trở thành trải nghiệm để thấu hiểu và trưởng thành. Người hẹp hòi thường bị trói buộc trong những toan tính được – mất vụn vặt, còn người rộng lượng thì biết buông bỏ đúng lúc để hướng đến những giá trị lớn lao hơn. Sống trong đời, ai giữ được tâm bình, trí sáng, lòng rộng mở – người ấy mới có thể gặt hái thành tựu bền vững và sống một đời thảnh thơi.

Tâm trí hẹp hòi sinh phiền não, lòng rộng lượng thảnh thơi ôm đất trời. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Điều làm nên phẩm cách của người quân tử chính là tâm thế. Họ mang trong mình lòng nhân hậu để yêu thương người khác, và sự khiêm nhường để biết kính trọng người xung quanh.

Sự khác biệt lớn giữa xuất sắc và tầm thường bắt nguồn từ tấm lòng rộng lượng.

Rộng lượng là một phẩm chất nội tại của tâm hồn – thể hiện ở độ rộng mở, khả năng bao dung và sức chịu đựng của lòng người. Nó không chỉ thể hiện ở cách ta nhận thức và chấp nhận thế giới bên ngoài, mà còn phản ánh sự bình an, lòng bao dung và chiều sâu trí tuệ bên trong.

Lòng rộng lượng quyết định cách ta cảm nhận, ứng xử và kết nối với người khác và chính nó là thước đo định hình chất lượng cuộc sống cũng như mức độ hạnh phúc của mỗi người.

Giữa bộn bề cuộc sống, người tầm thường dễ mắc kẹt trong những mâu thuẫn nhỏ nhoi, để rồi bỏ lỡ những giá trị lớn lao hơn đang chờ đợi ở phía trước.

Sự khác biệt sâu sắc nhất giữa con người không nằm ở trí tuệ hay tài năng mà ở tấm lòng rộng lượng

Thái Căn Đàm – một tập sách đầy minh triết của Hồng Ứng Minh – từng viết: “Gió thổi qua bụi trúc thưa, không để lại tiếng; ngỗng trời lướt qua mặt ao lạnh, nước chẳng lưu hình”. Gió có thể làm lá trúc xao động, ngỗng có thể in bóng trên mặt nước, nhưng khi chúng đi qua, tất cả lại trở về tĩnh lặng. Cảnh còn đó, mà dấu vết chẳng còn – nhẹ nhàng, vô vi, mà thấm đẫm sự tĩnh tại và minh triết.

Người có tầm nhìn xa, lòng dạ rộng lớn không dễ bị cuốn theo những xao động của thế gian. Họ giữ vững nội tâm, làm tốt phần việc của mình mà không vướng bận bởi thị phi hay được mất. Chính sự vững vàng ấy khiến họ tỏa sáng trong thầm lặng, và càng đi xa càng được người đời kính trọng.

Lâu Sư Đức, một vị quan triều Đường nổi tiếng với tấm lòng khiêm nhường và nhân hậu. Thế nhưng, Địch Nhân Kiệt – người nổi tiếng cương trực – lại từng xem thường ông, cho rằng Lâu Sư Đức thiếu năng lực thực sự.

Về sau, khi Địch Nhân Kiệt nhậm chức Tể tướng ở kinh thành, Võ Tắc Thiên lấy làm lạ vì ông tỏ ra coi thường Lâu Sư Đức. Bà liền nói với Địch Nhân Kiệt: “Ngươi có thể được triệu vào triều chính là nhờ Lâu Sư Đức tiến cử đó”.

Thì ra, trước những lời chỉ trích của Địch Nhân Kiệt, Lâu Sư Đức không những không oán giận, mà còn chủ động tiến cử ông với triều đình – một hành động cho thấy tấm lòng bao dung và phẩm chất cao quý của ông. Khi biết được sự thật, Địch Nhân Kiệt vô cùng hổ thẹn. Ông thốt lên trong lòng: “Lâu đại nhân quả thật là người có đức lớn; so với ông, ta còn kém xa về tầm nhìn và lòng độ lượng”.

Tấm lòng rộng lượng hay hẹp hòi sẽ định hình tầm vóc tâm hồn; và chính tầm vóc ấy quyết định phẩm chất, cách suy nghĩ và hành vi của mỗi người. Tính cách thường bộc lộ qua lời nói và hành động. Nhờ lòng độ lượng của Lâu Sư Đức, Địch Nhân Kiệt dần hóa giải được những thành kiến trong lòng.

Làm người, cần không ngừng khai mở trí tuệ, dưỡng nuôi tâm thức để từng bước tiệm cận tinh thần của bậc hiền nhân và sống một đời xứng đáng giữa trời đất bao la.

Như Kinh Thư từng dạy: “Người có lòng khoan dung, thì đức hạnh sẽ sâu dày”. Biển cả rộng lớn là bởi có thể dung nạp trăm sông; điều làm nên sự kỳ vĩ của biển chính là tấm lòng bao dung vô hạn. Còn những dòng sông nhỏ hẹp, chỉ một trận mưa cũng có thể khiến chúng đầy tràn – bởi sức chứa hạn hẹp, cũng như lòng người chưa đủ rộng thì dễ bị tổn thương vì những điều vụn vặt.

Lòng càng rộng, đường đi càng xa; tâm càng lớn, thành tựu càng lớn

Người xưa từng nói: “Khoan dung là đức lớn, người có lòng bao dung thì việc gì cũng thuận”.

Một người muốn gặt hái thành tựu trước hết phải có tấm lòng rộng mở – biết tiếp nhận ý kiến trái chiều, thấu hiểu và bao dung với người, với đời. Bởi nếu không có tấm lòng đủ rộng, thì khó có thể gánh vác việc lớn.

Trước khi lên ngôi vua nước Tề, Tề Hoàn Công từng có thời gian tranh giành quyền kế vị với Dữ Công Tử. Nhưng chính nhờ tầm nhìn và lòng bao dung, ông đã thu phục được cả những người từng đối địch, dựng nên một thời kỳ thịnh trị hiếm có trong lịch sử.

Khi còn theo phò Dữ Công Tử, Quản Trọng từng khiến Tề Hoàn Công bị thương trong một lần giao tranh. Nhưng khi lên ngôi, thay vì nuôi hận, Tề Hoàn Công đã lắng nghe lời khuyên của Bảo Thúc Nha, rộng lượng tha thứ cho Quản Trọng và trọng dụng ông làm thừa tướng.

Nhờ đó, ông đã có được một vị quân sư tài ba bậc nhất. Quản Trọng sau đó không chỉ dốc toàn lực phò tá mà còn giúp Tề Hoàn Công thực hiện nhiều cải cách lớn, đưa nước Tề vươn lên hùng mạnh và trở thành bá chủ chư hầu.

Tầm vóc của một bậc minh quân không nằm ở việc báo thù, mà ở chỗ biết bỏ qua ân oán cá nhân để dùng người tài, mưu cầu đại cục.

Tề Hoàn Công đã thống nhất chín chư hầu, đem lại hòa bình cho thiên hạ, trở thành vị bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Thành tựu ấy không thể tách rời khỏi phẩm chất khoan dung, biết trọng người và biết buông bỏ oán hận của ông.

Nếu lòng dạ nhỏ hẹp, con người dễ bị cuốn vào hận thù và những mối lo vụn vặt; nhưng khi tâm hồn rộng mở, trí tuệ cũng theo đó mà thăng hoa. Một bậc anh hùng đích thực, hay một con người vững vàng giữa thế gian phải mang trong mình tấm lòng quảng đại, biết nhún nhường khi thời thế đòi hỏi, biết vươn lên khi cơ hội đến, và luôn giữ được bản tâm trước mọi được – mất, hơn – thua của cuộc đời.

Chỉ khi có tâm lớn và tầm nhìn xa ta mới có thể nhìn thấu thế giới và mở ra một con đường rộng lớn cho chính mình.

Bởi thế, tâm càng rộng, công đức càng sâu.

Tâm trí con người tựa như một chiếc bình – tùy cách nuôi dưỡng, nó có thể chật hẹp như khe đá, cũng có thể bao la như đại dương hay vũ trụ. Chỉ khi ta học cách mở rộng tấm lòng, buông bỏ cái tôi chật hẹp, ta mới có thể vươn tới những tầng cao hơn của nhận thức, nhìn xa hơn khỏi thực tại, thấu hiểu được chiều sâu của thời gian và không gian.

Khi ấy, dù thế giới có biến động ra sao, lòng ta vẫn an yên như mặt hồ phẳng lặng. Ta có thể ung dung lắng nghe tiếng gió và mưa, thảnh thơi dõi theo áng mây trôi qua rồi tan biến.

Sở dĩ lòng người dễ bất an là vì họ bị trói buộc trong những kỳ vọng, ganh ghét và nỗi sợ mất mát. Khi tâm nhỏ hẹp, mọi việc lớn nhỏ đều trở thành gánh nặng. Một câu nói không như ý, một ánh mắt thiếu thiện cảm… cũng đủ khiến lòng xao động. Nhưng nếu tâm đủ rộng, bạn sẽ hiểu: mọi điều đến và đi trong đời đều chỉ là trạm dừng của nhân duyên. Không cần níu giữ, cũng chẳng phải né tránh – chỉ cần học cách tiếp nhận bằng sự bình thản từ bên trong.

Tấm lòng rộng lớn không phải điều có sẵn từ khi sinh ra, mà là kết quả của bao trải nghiệm, va vấp và buông bỏ. Đó là hành trình dũng cảm quay vào bên trong, đối diện với nỗi đau, với sự giận dữ, và rồi hóa giải chúng bằng lòng từ bi. Khi một người thực sự thấu hiểu nỗi khổ của bản thân và tha nhân, họ sẽ không còn thấy ai là kẻ thù, cũng không còn điều gì là quá lớn để tha thứ. Khi đó, lòng người trở nên mềm mại như dòng nước, nhưng lại có sức mạnh xuyên thấu mọi khổ đau.

Và rồi, chính từ nơi nội tâm sâu lắng ấy, con người mới có thể sinh ra trí tuệ chân thật. Một trí tuệ không đến từ sách vở mà đến từ sự tĩnh lặng, quan sát và chấp nhận. Trí tuệ ấy không ồn ào, không cố chấp chứng minh mình đúng, mà âm thầm dẫn dắt con người đi qua bão giông cuộc đời. Khi một người sống với tâm rộng, họ không còn thấy mình là trung tâm của vũ trụ, mà thấy mình là một phần hài hòa của toàn thể — và trong sự hòa hợp ấy, hạnh phúc chân thật mới thực sự nảy nở.

Như Victor Hugo từng viết: “Thứ rộng lớn nhất trên đời là đại dương, rộng hơn đại dương là bầu trời, và rộng hơn cả bầu trời – chính là trái tim con người”.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Soundofhope

Xem thêm:

Lý Văn Hàm

Published by
Lý Văn Hàm

Recent Posts

Hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được miễn trừ thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) vừa thông báo danh mục các…

3 giờ ago

ĐCSTQ gián tiếp thừa nhận tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Mỹ – WSJ

Quan chức ĐCSTQ thừa nhận rằng Bắc Kinh đứng sau một loạt các cuộc tấn…

8 giờ ago

Phân tích: Trung Quốc là bên thua cuộc duy nhất trong cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ?

Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang…

10 giờ ago

Kon Tum: Sau tai nạn khiến 5 người chết, thủy điện Đắk Mi được thi công trở lại

Hồi năm 2024, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình thủy điện…

10 giờ ago

Nghèo khó hay dư dả: Môi trường nào nuôi dưỡng nên nhân cách trẻ?

Giáo dục con cái là một dạng trí tuệ – và cũng là phép thử…

11 giờ ago

Các công ty Châu Âu khẩn trương sắp xếp lại chuỗi cung ứng để chuẩn bị cho thuế quan

Các công ty Châu Âu đang khẩn trương sắp xếp lại chuỗi cung ứng để…

12 giờ ago