Dưỡng – Giác – Trí: Ba loại hồn theo triết gia Hy Lạp Aristotle
- Quang Minh
- •
Linh hồn vẫn luôn là một bí ẩn đối với hiểu biết của con người. Nếu như ở văn hóa phương Đông, người ta nói rằng con người có ba hồn bảy phách, thì ở văn hóa phương Tây, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle lại đưa ra ba loại hồn của con người là dưỡng, giác và trí.
Aristotle (384 – 322 TCN) là một nhà bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexander Đại đế. Di bút của Aristotle bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, lý luận học, hùng biện học, ngôn ngữ học, kinh tế học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Cùng với Plato và Socrates, Aristotle là một trong ba cột trụ của văn minh Hy Lạp cổ đại.
Nói về linh hồn, Aristotle cho rằng con người có ba loại hồn, đó là: dưỡng hồn, giác hồn và trí hồn. Ba loại hồn này là cần thiết để cho con người có thể thực hiện các hoạt động trong cuộc sống…
Dưỡng hồn
Theo Aristotle, linh hồn là thứ khiến cho vạn vật có sự sống, và phần đầu tiên của linh hồn là dưỡng hồn. Đây là phần hồn có mặt rộng rãi nhất trong tất cả mọi sinh vật sống. Theo đó, tất cả những gì sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi, chết, rồi phân hủy, đều có dưỡng hồn.
Dưỡng hồn có thể được tìm thấy trong con người, động vật, và cả thực vật nữa. Aristotle cho rằng dưỡng hồn giúp cho sự sống tiếp diễn, nhưng không có một sinh vật nào có thể tránh khỏi việc bị lão hóa và phân hủy. Hay nói cách khác, không có sự sống nào là bất tử. Sự sống sẽ tiếp diễn dưới dạng những thế hệ tiếp theo, và rồi nó cuối cùng cũng sẽ lại tới hồi kết.
Thực vật là một ví dụ điển hình của dưỡng hồn. Nó nảy mầm, lớn lên, phát triển, sinh sôi, già cỗi, chết đi, và vòng tuần hoàn lại lặp lại như thế. Thực vật không có một mục đích sống cao hơn, mà chỉ thuần túy là duy trì sự sống.
Giác hồn
Giác hồn là phần hồn giúp một sinh vật có thể nhận thức thông qua các giác quan. Theo Aristotle, ngoài việc phục vụ cho chức năng cảm giác, giác hồn còn giúp sinh vật có được ký ức, biết đau đớn, biết hài lòng, v.v.
Trong khi thực vật không có giác hồn, thì con người và động vật lại có nó. Tuy nhiên Aristotle nhận định rằng khả năng của giác hồn là khác nhau ở các động vật khác nhau. Trong khi một số động vật có thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, v.v. thì có động vật lại thiếu hụt một số chức năng này.
Mặc dù cả con người và động vật đều có giác hồn, nhưng Aristotle không cho rằng động vật có thể hiểu được niềm tin. Để có được niềm tin, người ta phải tin tưởng, để tin tưởng thì người ta phải được thuyết phục, mà khả năng lý trí đó – trí hồn – lại không phải điều mà Aristotle cho rằng động vật có thể có được.
Trí hồn
Theo Aristotle, trí hồn là thứ mà chỉ con người mới sở hữu. Nó giúp con người có khả năng suy nghĩ một cách lý trí. Trí hồn bao gồm hai phần: bị động và chủ động.
Phần trí hồn bị động cho phép con người có thể thu thập được thông tin, đánh giá, tin vào thông tin đó, ghi nhớ và mang nó ra sử dụng sau này.
Phần trí hồn chủ động cho phép con người suy nghĩ, mang các thông tin đã được ghi nhớ ra để cân nhắc, lập luận. Theo Aristotle, chính nhờ trí hồn chủ động mà chúng ta mới có triết học.
Khác với những nhà triết học đi trước, Aristotle đặt trí hồn ở tim chứ không phải là ở não bộ của con người. Điều này lại trùng hợp với quan niệm của người Ai Cập và phương Đông, cho rằng người ta suy nhĩ từ trong “tâm”, “tâm tưởng”.
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video: