Khi chiếc ô tô đầu tiên ra đời, có lẽ ít ai tưởng tượng được rằng đến một ngày nó lại trở nên phổ biến như vậy trên toàn thế giới.
Mặc dù ô tô được coi là một trong những phát minh quan trọng của lịch sử loài người, nhưng ở một số nơi, ngay từ khi những chiếc ô tô sơ khai nhất xuất hiện, người ta đã sớm nhận ra ‘mặt trái’ của những chiếc ‘xe không ngựa kéo’ mới lạ này, rằng chúng khá ồn ào và phát ra nhiều khí thải. Bởi vậy nhiều khu vực sớm đã ban hành lệnh cấm những chiếc ô tô này lưu thông.
Theo thời gian, tuy những hạn chế đó đã được cải tiến và ô tô nhanh chóng trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến trên khắp nước Mỹ, song có một nơi, ngay trong lòng đất nước vốn nổi tiếng về khoa học và công nghệ này, vẫn một mực từ chối ô tô ngay từ khi chúng xuất hiện – đó là hòn đảo Mackinac.
Nằm ở bang Michigan, trong hồ Huron, hòn đảo Mackinac từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn với nhiều người yêu thích thiên nhiên và lịch sử, muốn ‘thoát khỏi’ chốn đô thị náo nhiệt.
Cuộc sống của người dân Mackinac vốn chậm rãi, bình ổn, bởi vậy khi những chiếc ô tô đầu tiên xuất hiện, tiếng động cơ của nó đã gây huyên náo những con đường yên ả, tiếng còi xe inh ỏi kèm theo khói bụi xả ra từ động cơ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây.
Người dân hòn đảo xinh đẹp này nhanh chóng nhận ra có điều bất ổn và rằng sáng chế này không dành cho họ. Thời đó, còn có cư dân đảo gọi những chiếc ô tô là “quái vật cơ học” – rõ ràng là ô tô không được vinh danh ở nơi đây.
Bởi vậy, không có gì là lạ khi vào năm 1898, hội đồng làng Mackinac đã quyết định ban hành lệnh cấm ô tô trước khi ‘cỗ máy quái vật’ có cơ hội ‘chiếm lĩnh’ hòn đảo này.
Nội dung quy định cấm:
Quyết định: “Rằng những chiếc xe không ngựa kéo này sẽ bị cấm hoạt động trong phạm vi làng Mackinac” – Hội đồng Làng đảo Mackinac, ngày 6 tháng 7 năm 1898.
Điều luật này nghe có vẻ khá kỳ quặc và ‘cổ hủ’, nhưng ở Mackinac, quy định này vẫn duy trì liên tục cho đến ngày nay. Hiện tại, thành phố này vẫn giữ nguyên lập trường của mình, những chiếc ô tô không được ‘chào đón’ ở đây.
Thực tế, nó vô cùng ấn tượng.
Đảo Mackinac có chiều dài chỉ hơn 6km, nổi bật với các công trình xây dựng mang phong cách kiến trúc Victoria có tuổi đời hơn 300 năm và được tô điểm với những kiến trúc đặc trưng của người Mỹ bản xứ, cùng nhiều toà nhà mang hơi hướng quý tộc Pháp.
Mặc dù chỉ có vỏn vẹn 500 cư dân sinh sống, nhưng vào mùa du lịch cao điểm, lượng người trên hòn đảo này có thể lên tới 15.000; ngoài một vài chiếc xe chuyên dụng được dùng trong các tình huống khẩn cấp như cứu thương, cứu hộ… thì bạn không thể thấy bóng dáng của bất kỳ một chiếc ô tô nào trên hòn đảo này. Giao thông ở Mackinac chủ yếu là đi bộ, đi xe ngựa kéo, và xe đạp – có lẽ đây là một khởi đầu thú vị cho chúng ta thấy có một nơi đã và đang đứng ngoài một xã hội tập trung vào ô tô.
Jeff Potter, người đã có một bài báo về Mackinac, viết: “Không khí trong lành và ít nguy cơ chấn thương do va chạm xe cộ hơn. Cư dân đảo này khỏe mạnh hơn vì năng vận động. Ngoài ra, có một sự bình đẳng được yêu thích ở đây: ai ai cũng di chuyển quanh hòn đảo theo cách đó. Họ cũng tiết kiệm được một khoản tiền to lớn – khoản tiền mà họ sẽ phải chi trả nếu đi lại bằng ô tô”.
Tuy không có ô tô, nhưng việc di chuyển xung quanh hòn đảo không hề gặp khó khăn. Mackinac là nơi có đường cao tốc M-185 và là đường cao tốc an toàn nhất ở Mỹ, bởi chỉ có các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe ngựa kéo lưu thông trên đường.
M-185 không thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia của Mỹ. Nó chạy bao quanh hòn đảo, dọc bờ biển. M-185 để cư dân và du khách có thể dễ dàng thong dong dọc theo bờ biển dài 8,3 dặm, thông thoáng với nhiều bãi đậu xe và trạm xăng được bố trí hợp lý.
>> Xe hơi và quyền lực nhà nước
Đến với đảo Mackinac, du khách sẽ có cơ hội được lội ngược dòng lịch sử trở về cuộc sống của hơn một thế kỷ trước – khi con người chỉ đi lại bằng xe đạp và xe ngựa. Có thể nói hòn đảo này chính là hiện thân của nước Mỹ trong quá khứ, khi lượng xe cộ lưu thông và khí thải chưa trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Hòn đảo này đã hướng chúng ta đến và trỗi dậy niềm khao khát về 1 thế kỷ trước – thời điểm trước khi những con quái vật cơ học ‘chiếm lĩnh’ thế giới của con người.
Khi những chiếc ô tô đầu tiên được ra mắt, nó được tung hô như một phương tiện đi lại vượt trội hơn so với các phương tiện giao thông lúc bấy giờ như xe ngựa, xe đạp… Nhưng đến nay, ô tô lại góp phần làm ô nhiễm tiếng ồn và không khí, cũng như ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới.
Theo Tree Hugger
Minh Minh
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…