Hàng năm, 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều kỷ niệm “Ngày của cha” vào Chủ nhật thứ ba của tháng 6. Ngày này bắt nguồn từ Mỹ và đang dần được người châu Á đón nhận, đã trở thành ngày để con cái bày tỏ lòng biết ơn đến cha mình.
Vai trò của người cha có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Tuy tình yêu thương của cha không dịu dàng, trực tiếp như tình mẹ, nhưng lại vô cùng ấm áp và là một điểm tựa vững chắc cho con, có vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của trẻ.
Quan điểm tâm lý học truyền thống cho rằng người mẹ có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiều hơn, bởi vì mẹ cho con bú, thay tã cho con, giữa mẹ và bé có nhiều sự tương tác thân thiết hơn cha. Thế nhưng có những cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ “có cảm giác” trời sinh dành cho cha. Thời kỳ đầu sơ sinh, khi cha ra hoặc vào phòng, phản ứng của trẻ sẽ rất hoạt bát, năng động, thể hiện như muốn làm thân với cha.
Trong quá trình trẻ lớn lên, người cha đóng nhiều vai trò mà người mẹ không thể thay thế được. Về tâm lý học, người cha được xem là động lực then chốt để trẻ thoát khỏi vòng tay mẹ, là cầu nối giúp con bước ra thế giới bên ngoài. Trẻ có thể hình thành tính cách dũng cảm, tự tin, quyết đoán là do chịu ảnh hưởng của cha.
Người bạn chơi cùng con thời thơ ấu: Vào thời kỳ mẫu giáo, trẻ chơi những trò chơi kích thích, mạnh mẽ, tương tác cùng cha nhiều hơn với mẹ. Trong lúc “nổi loạn” cùng con, vui chơi cùng con, cha luôn có thể kích thích sự tích cực và sức sáng tạo của trẻ. Một cuộc nghiên cứu của trường Đại học Harvard phát hiện ra rằng, so với mẹ, việc nghe cha kể chuyện trước khi đi ngủ có lợi hơn cho trẻ.
Người uốn nắn trong giai đoạn tiểu học: Có câu “cha nào con nấy”, có thể thấy tầm ảnh hưởng sâu sắc của người cha đối với con cái. Khi con bước vào độ tuổi đi học, người làm cha cần phải làm gương, dùng phương pháp đúng đắn và tạo hứng thú để đặt nền tảng cho con thành tài. Có người cha đã dùng cách “thuận theo tự nhiên” để dạy con của mình, tuy nhiên, “thuận theo tự nhiên” hoàn toàn không phải là mặc kệ không lo, mà là uốn nắn theo cách riêng để các con thành người tài.
Người dẫn đường thời niên thiếu: Trong giai đoạn đang trưởng thành, trẻ ở độ tuổi dậy thì sẽ gặp những vấn đề như áp lực, tự ti, hờn dỗi cha mẹ v.v…, thậm chí là những hành vi ngỗ ngược như bỏ học, đánh nhau, bỏ nhà đi. Khi thấy con gặp khó khăn, thất bại, người làm mẹ luôn khó có thể chịu nổi, còn cha thì sẵn lòng cho con trải qua một chút trắc trở, học cách đối mặt với vấn đề. Đây chính là cách yêu thương con đặc biệt của cha dành cho con, cũng có lợi ích để trẻ đối diện với thế giới thực ngoài kia.
Bầu bạn khi đã trưởng thành: Khi đã trưởng thành, mối quan hệ giữa cha và con ngày càng có xu hướng trở thành bạn bè. Đối diện với những sự buồn phiền về tình cảm, sự nghiệp, gia đình, so với sự quan tâm săn sóc ân cần của mẹ thì cha sẽ khuyên giải với thái độ của một “người từng trải”, giúp con hình thành quan niệm và lý lẽ sống của riêng mình.
Tình yêu thương của cha vô cùng quan trọng, nhưng ngày nay, nhiều gia đình lại thiếu vắng nghiêm trọng sự giáo dục của người cha. Ở công viên, mẹ nắm tay con đi dạo, trên bàn ăn, chỉ có mẹ ăn cơm cùng con. Sự thiếu vắng của người cha có rất nhiều nguyên nhân.
Quan niệm truyền thống cho rằng “đàn ông lo việc bên ngoài, phụ nữ chăm sóc gia đình”, điều này khiến rất nhiều người cha cho rằng dạy dỗ con cái là việc của vợ. Còn người mẹ thì đóng vai trò “người giữ cửa” trong việc giáo dục gia đình, xem việc dạy con cái là nhiệm vụ của mình, không muốn để chồng can dự quá nhiều, dẫn đến việc người cha thiếu khả năng chăm sóc con.
Ngoài ra, với áp lực cuộc sống, cha mang trên vai gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình, khó mà có thời gian để dạy con. Có những người cha bận rộn công việc, đi sớm về khuya, thậm chí một tuần hay một tháng không gặp được các con. Thế nhưng, đôi khi nhân tố lớn nhất của việc con cái thiếu sự dạy dỗ của cha là do người cha thiếu ý thức về vai trò của mình. Nếu một người cha càng có ý thức trong việc giáo dục con thì sẽ càng đầu tư vào việc dạy con. Khi những vai trò khác xung đột với vai trò làm cha thì cũng sẽ ưu tiên nghĩ đến vai trò làm cha nhất.
Khi nuôi dạy con cái, người mẹ thường tỏ ra dịu dàng, quan tâm, tinh tế…, nhưng con trẻ không được cha dạy dỗ thì lại không thể học theo cha có được những phẩm chất đặc biệt như phóng khoáng, mạnh dạn, hướng ngoại, sau này sẽ gặp nhiều vấn đề trong quan hệ với bạn học, bạn bè và đồng nghiệp. Khi tư vấn tâm lý trẻ em, có không ít các bé không có quan hệ xã hội tốt, đa số đều có liên quan đến việc cha lâu ngày không can dự vào việc giáo dục con cái.
Trong quá trình biến đổi giới tính của con, cha làm hình mẫu cho những hành động nam tính, các bé trai sẽ xem cha là hình tượng để mình trở thành trong tương lai, các bé gái thì thấy được những phẩm chất nam tính ở cha, các bé gái ở độ tuổi dậy thì thậm chí còn dùng hình ảnh của cha làm hình mẫu để chọn chồng trong tương lai. Những bé gái thiếu thốn tình yêu thương của cha có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp với bạn khác giới, ví dụ như trẻ sẽ lo lắng hơn khi đối diện với bạn khác giới hoặc cũng có thể sẽ bắt đầu hẹn hò sớm hơn.
Người cha sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè của trẻ. Những trẻ thiếu đi sự dạy dỗ và tình yêu thương của cha thường sẽ không hòa nhập, rụt rè, nhút nhát. Một số những cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng việc bị thiếu sự giáo dục của cha có mối quan hệ với vấn đề phạm tội, các bé trai lớn lên trong gia đình mẹ đơn thân nuôi con thì càng có khả năng có hành vi bạo lực, tỉ lệ phạm tội cũng cao hơn.
“Tình cha âm thầm, khó để cảm nhận”. Cách thể hiện tình yêu thương của cha vừa là cha, lại vừa như bạn, thâm trầm và sâu lắng. Tình cha có cách thể hiện không trực tiếp và rõ ràng như tình mẹ. Thật ra thì tình cảm giữa cha với con cái không cần nói ra thành lời, hành động và bầu bạn cùng con mới là cách bày tỏ tốt nhất.
Dù rằng các ông bố luôn có rất nhiều cái cớ để tránh ở bên con, nhưng dù có bận thì cũng phải làm một người cha tốt, hãy đặt con vào lịch trình hằng ngày của bạn. Chỉ cần có lòng thì mỗi người cha đều sẽ có khả năng trở thành một “người cha tốt”. Con cái cũng có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm với cha, không nhất định cứ phải nói “Con yêu cha”. Ví dụ như chuẩn bị một món quà đặc biệt vào Ngày của cha, có thể là một chậu hoa, một món quà ý nghĩa, quần áo hoặc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tùy theo tính cách, hành động của cha cũng như hoàn cảnh gia đình.
Nếu cha không thích con cái tiêu tiền tùy tiện thì có thể tặng cha một cái ôm thật chặt, một tấm thiệp viết đầy những lời cảm ơn và kỷ niệm, hoặc cũng có thể tự nấu một bữa cơm cho cha và dành thời gian ấm cúng bên cha, cùng xem lại những bức ảnh cũ, nhớ lại những kỷ niệm thú vị lúc nhỏ, trò chuyện về cuộc sống, công việc, thậm chí chủ động nhờ cha chỉ dạy – những điều này đều có thể mang đến cho cha cảm giác đủ đầy và thành công. Quan trọng nhất là theo thời gian, ngày càng già đi, điều cha hi vọng nhất là được nhìn thấy các con nên người, gia đình đầm ấm, đây là cách báo đáp tốt nhất dành cho cha.
“Nuôi mà không dạy, làm cha thiếu sót”. Các chuyên gia cho rằng một người cha tốt nên có phẩm chất “quan tâm con cái, xứng đáng để tin tưởng”. Thế nhưng tình yêu của cha khác với sự thân thiết của mẹ, có đôi khi cha phải gánh vác trách nhiệm quản lý, thậm chí là xử phạt con. Để làm một người cha tốt không thể thiếu việc dạy dỗ về giới tính, thể chất và quy củ.
Giáo dục thể chất: Cha sẽ dùng những trò chơi vận động thể thao để mang đến cho con cảm giác kích thích, mạnh mẽ, thúc đẩy việc giáo dục thể chất của con. Theo thống kê, cha chiếm 70% trong các hoạt động thể thao của con, còn mẹ chỉ chiếm 4%. Khi bước vào độ đuổi thiếu niên, cha và con cái bắt đầu thực hiện một số những ‘công việc nhà’ đòi hỏi kỹ thuật và sức khỏe nhất định như bê bàn ghế, sửa điện, đồ dùng, sử sang nhà cửa… Điều này có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển thể chất và sức khỏe của trẻ. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có mối quan hệ thân thiết với cha sẽ có khả năng vận động và sự phối hợp tốt hơn.
Giáo dục giới tính: Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng các bé gái lớn lên trong gia đình mẹ đơn thân thường sẽ không muốn làm mẹ hoặc làm vợ khi trưởng thành, mức độ thỏa mãn trong cuộc sống hôn nhân không bằng những người cùng độ tuổi. Các bé trai thiếu thốn tình yêu thương của cha sẽ dễ có xu hướng “nữ tính hóa” trong tính cách. Vì vậy, sự kề bên của cha có ảnh hưởng quan trọng đối với sự xác định giới tính cũng như quan hệ hôn nhân của con cái.
Đối với các bé gái, trẻ cần thông qua cha để biết được nam giới ra sao, như vậy mới không dễ bị lừa gạt và ức hiếp trong mối quan hệ với bạn khác giới trong tương lai. Bé trai lại càng cần học được “thế nào là đàn ông” từ cha mình nhằm giúp trẻ giữ được quan hệ hôn nhân và gia đình ổn định sau này.
Giáo dục quy củ: Tình yêu của mẹ có xu hướng yêu thương, nuông chiều con cái, còn tình yêu của cha là giúp con hiểu lý lẽ và quy củ, sự giáo dục con cái tốt nhất là giữa vợ và chồng cần có sự “kết hợp”. Trong quá trình phát triển của con trẻ cần có quy củ, cần có người giám sát, trẻ có thể tỏ ra không “vâng lời” khi ở bên mẹ, nhưng trước mặt cha thì sẽ “ngoan ngoãn” hơn. Những trẻ không được cha dạy dỗ sẽ dễ va chạm với người khác và chịu tổn thương trong cuộc sống sau này.
Thanh Trúc
Cùng xem video cảm động về tình cha:
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…