Một ngày, cậu con trai út kể chuyện với tôi. Bé nói “Bạn A lớp con nói là bạn ấy không có mẹ”. Trong con mắt trong trẻo thơ ngây và được sống trong đủ đầy tình cảm của cậu con, sự việc ấy vô cùng to tát. Tôi nghe câu nói ấy cũng thấy bùi ngùi, cũng chưa hỏi lại tình huống thật sự là gì, có thể là cậu bé đó nói không rõ nghĩa, có thể là mẹ cậu ấy không ở cùng nhà, nhưng câu chuyện đã gợi cho người nghe một cảm giác thương cảm. Bởi con cái là báu vật vô giá đối với người cha, người mẹ nhưng người mẹ cũng chính là bầu trời của con mình. Khi con cái mất đi sự chăm sóc và đồng hành của người mẹ là một sự thiệt thòi rất lớn. Câu chuyện đó cứ vương vấn mãi trong đầu tôi, một nỗi niềm băn khoăn về “Tình mẫu tử”.
Tình mẫu tử là tổng hoà của tình mẹ đối với con mình và tình cảm của con dành cho mẹ mình. Đó là những tình cảm tự nhiên như hơi thở, có thể nói là thứ tình cảm gắn bó với người ta thời gian lâu nhất từ lúc ta chào đời cho đến mãi sau này. Một người mẹ có thể yêu con mình vô điều kiện, không cần bắt đầu từ việc con mình có yêu thương vô điều kiện hay không. Và cũng thế, người con luôn có sẵn tình yêu thương kính trọng mẹ mình. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tình mẫu tử không tốt đẹp như lẽ thường.
Cũng không có ngôn từ nào đủ để miêu tả tình cảm một người mẹ dành cho con. Thiên chức của một người mẹ là mang đến cho con hình hài cơ thể, nuôi con lớn lên, dạy dỗ con nên người, chia sẻ và đồng hành với con như một người bạn, thậm chí lo lắng cho con đến tận khi họ không còn trên cõi đời này nữa.
Sau 9 tháng 10 ngày thai nghén mang nặng đẻ đau, ngay từ trong bào thai, các con đã nhận được nguồn dinh dưỡng từ cơ thể mẹ mình, nhận các cảm xúc xung động đến chúng từ nội tâm của người mẹ. Nên cái sợi dây tình cảm thiêng liêng vô hình này dù sau khi cắt dây rốn nó vẫn luôn mãi nối tiếp!
Đưa con đến thế giới này mới chỉ là bước đầu của quá trình yêu thương suốt đời. Một người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau mới thấu nỗi vất vả đưa một sinh linh chào đời. Có những người mẹ khi mang thai thì nghén đến gầy rộc cả chục cân, người thì giãn tĩnh mạch toàn thân đi lại nặng nề hoặc là dung nhan biến đổi xấu xí… Mỗi một lần mang thai và sinh nở là một lần nhan sắc và sức khoẻ của người mẹ lùi mấy bậc. Chỉ người mẹ mới trải bao đêm khó ngủ ì ạch vì bụng bầu lớn mà khó chịu, nằm nghiêng cũng khó mà nằm ngửa cũng không yên. Ai đã chịu biết bao “cơn gò” đau đẻ, ai đã thấm nỗi đau đẻ hay đau rạch tầng sinh môn hay cơn đau ập đến sau khi hết thuốc tê của những bà mẹ đẻ mổ. Quả thật đó là trường kì kiên nhẫn chịu khổ về thể xác. Khi con chào đời thì người mẹ cũng lại bắt đầu một hành trình ngay tức thời là chăm bẵm con dù vừa trải qua một cuộc “vượt cạn” kiệt sức. Thế nên có những người mẹ đã mắc chứng trầm cảm sau sinh, hoặc cơ thể suy kiệt, hậu sản.
Vất vả là thế nhưng nhìn con lớn từng ngày thì họ lại quên hết mệt mỏi, lại vô cùng hạnh phúc và dành tình yêu thương đong đầy cho con. Nhìn con đã đầy tháng, nhìn con đã biết lẫy, biết bò, biết đi, biết nói. Mỗi một dấu mốc ấy có những nụ cười rạng rỡ của người mẹ. Khi con ốm, ai là người thức đêm để chăm con, chườm mát hạ sốt cho con, ai là người cùng con chiến đấu với bệnh tật. Bàn tay người mẹ ân cần và dịu dàng, lời hát ru của mẹ sao êm ái, những câu chuyện kể thân thương, những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ của con dường như luôn có bóng dáng người mẹ. Người mẹ trong mắt con mình luôn đẹp nhất, hiền từ nhất, đáng tin cậy nhất, bao dung nhất …
Các con tôi, có bé hay nói “con yêu mẹ nhất” hoặc “con yêu mẹ” đơn giản hơn thì có bạn hỏi “tối qua mẹ ngủ có ngon không”. Chỉ cần những sự quan tâm đó, người mẹ đã thấy ấm lòng. Thế đó, con cái cũng luôn có một tình yêu tự nhiên như hơi thở với người mẹ của mình.
Ca sĩ Đen Vâu viết: “Đem tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ.” Dù câu từ rất thật, thật một cách trần trụi nhưng phản ánh sự quan tâm thật sự : “đừng làm mẹ buồn lòng, hãy quan tâm đến mẹ làm mẹ vui.”
Tôi nhớ có em Võ Nguyễn Thái Bảo 10 tuổi có ý định đạp xe từ tỉnh Phú Yên vào tỉnh Bình Dương để thăm mẹ ốm khiến nhiều người xúc động. Khi bà ngoại phát hiện em đi đâu mất báo Công An thì bé đã đi cách nhà 10km. Vì người mẹ thường xuyên đi làm xa để nuôi bé, thi thoảng mới về và nghe tin mẹ bị ốm, bé lo lắng và thương mẹ nên nghĩ sẽ tự đi xe đạp đi thăm mẹ.
Cuộc sống với nhiều mảnh đời, số phận khác nhau, có những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của người mẹ thật hạnh phúc nhưng cũng có những em bé kém may mắn khi bị bỏ rơi. Bản thân tôi cũng tưởng tượng ra phần nào sự côi cút của một đứa con không có mẹ bên cạnh. Các bé sẽ thấy bơ vơ không điểm tựa, thiếu sự chăm sóc tỉ mỉ nhẹ nhàng, sự vỗ về âu yếm, sự bao dung vô điều kiện, dù tình thương của bố cũng rất lớn nhưng khó có thể thay thế được tình yêu và sự thể hiện tình yêu uyển chuyển như của người mẹ được.
Tình cảm mẹ con không phải lúc nào cũng hoàn hảo, đong đầy yêu thương. Đôi khi, cách cư xử của người mẹ cũng gây ra tổn thương cho con cái họ và ngược lại con cái cũng gây ra không ít vết thương trong lòng mẹ. Khi một người mẹ phân biệt đối xử, thiên vị và chiều chuộng người con này, hắt hủi người con khác sẽ tạo ra nỗi đau trong lòng con trẻ, đeo bám con lúc trưởng thành, thậm chí đến tận lúc già. Thực tế xã hội cho thấy có những người con không hiếu thuận với mẹ mình, cư xử xấc láo, thậm chí gây nợ nần cho mẹ, không biết trân trọng tình cảm mẹ dành cho mình mà coi đó là nghĩa vụ của mẹ, dù đã trưởng thành. Có những người hắt hủi coi thường người mẹ quê mùa đã nuôi mình ăn học. Người mẹ trong những trường hợp đó nhất định rất đau lòng. Nhưng tôi nghĩ cũng chỉ có số rất ít những người con như vậy.
Không ai có thể tự vỗ ngực tự hào rằng mình là người mẹ – người con hoàn hảo trong tình mẫu tử cả, nhưng xét về tình, về lý thì bắt đầu từ việc “làm người tốt” sẽ là con đường chân chính để giúp bạn. Người mẹ có thể hi sinh tất cả vì con cái mình, nhưng cần biết định hướng, giáo dục con theo đạo lí truyền thống tốt đẹp, không quá chiều con để dung dưỡng những tính cách không tốt cũng không nên áp đặt và kỳ vọng khiến con mình áp lực.
Hãy giúp con có chính kiến và tự do nhưng cũng trong khuôn khổ đạo lý làm người, cần biết kiên trì, bao dung với người khác. Được nhìn thấy các con mình khôn lớn trưởng thành lên mỗi ngày, niềm hạnh phúc tuyệt diệu ấy không có gì sánh bằng.
Các con luôn là nguồn sống của người mẹ. Những người con biết yêu thương cha mẹ mình đó là phù hợp với lẽ thường, hơn nữa chính là theo truyền thống tốt đẹp, khi họ có con cái, những người cháu này sẽ nhìn vào tấm gương là bố mẹ mình. Bố mẹ có luôn hiếu kính với ông bà không, bố mẹ cư xử phải đạo như thế nào. Những điều đó cũng hình thành khuôn mẫu cho thế hệ sau.
Nếu như người mẹ và người con đều đứng trên cơ điểm lòng biết ơn, lòng bao dung, nhẫn nại để đối xử với con mình, với mẹ mình. Thì tình mẫu tử sẽ luôn đẹp đẽ, đáng trân trọng. Với người con: Hãy biết trân trọng tình cảm tốt đẹp thiêng liêng ấy, bởi người mẹ đã “ dứt ruột” đẻ ra bạn, nuôi nấng bạn nên người, có thể hi sinh tất cả vì bạn và người mẹ ấy chỉ có một trên đời.
Với người mẹ: Người mẹ đã được giao phó thiên chức thiêng liêng, đưa con đến thế gian này, điều này là duy nhất, người con là kiệt tác mà mỗi người mẹ được giao phó. Vậy hãy trân quý con cái của mình!
Đăng lại từ website Việt Nam Tươi Đẹp của tác giả Hoàng Thu
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…