Đời Sống

Trái tim nước Pháp: Câu chuyện về Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng kiến trúc vĩ đại của nước Pháp mà còn mang trong mình linh hồn và tinh thần dân tộc qua nhiều thăng trầm lịch sử. Từ những buổi sơ khai trong thế kỷ 12, nơi đây chứng kiến dòng người hành hương nhộn nhịp, qua thời kỳ tàn phá bởi Cách mạng Pháp, đến sự phục hồi kỳ diệu từ hỏa hoạn kinh hoàng năm 2019. Mỗi viên đá, mỗi nét điêu khắc đều lưu giữ câu chuyện về sự kiên cường, đoàn kết và niềm tin của người dân Pháp. Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng tôn giáo, mà còn là “trái tim” của cả một quốc gia.

Nhà thờ Đức Bà Paris – Trái tim nước Pháp

Nhà thờ lớn, nơi dẫn dắt con người hướng về thiên đường và sự thật, đã được mở cửa trở lại.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, Nhà thờ Đức Bà Paris đã chính thức mở cửa trở lại, đúng vào lễ “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” (Immaculate Conception). Đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt, bởi nhà thờ được dâng hiến cho Đức Mẹ Maria (Notre-Dame trong tiếng Pháp có nghĩa là “Đức Bà”). Nhà thờ kiểu kiến trúc Gothic nổi tiếng thế giới, hùng vĩ và tráng lệ này, sau khi trải qua trận hỏa hoạn vào năm 2019, đã được trùng tu và giờ đây tựa như một chú bướm thoát kén, bay lên đầy rực rỡ.

Trong suốt nhiều thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng tinh thần của tôn giáo và chính trị nước Pháp mà còn được xem như “trái tim của nước Pháp”. Trước sân nhà thờ, có một hình sao tám cánh bằng đồng, được coi là điểm xuất phát của mọi con đường trên lãnh thổ Pháp.

Biểu tượng của lịch sử thế giới

Tháp nhọn cao vút, hệ thống mái vòm bay tinh xảo và những ô cửa sổ kính màu tuyệt mỹ của Nhà thờ Đức Bà Paris như dẫn dắt tâm hồn con người hướng đến thiên đường và chân lý. Tòa kiến trúc đồ sộ này đã đứng vững qua bao thế kỷ, bất chấp dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, trở thành chứng nhân của nhiều sự kiện trọng đại.

Theo cuốn The Age of Chivalry của Hiệp hội Địa lý Quốc gia, Nhà thờ Đức Bà Paris từng là nơi phát động cuộc Thập tự chinh lần thứ ba, nơi đăng quang của Vua Henry VI nước Anh, nơi lưu giữ mão gai của Chúa Giê-su được Thánh Louis mang từ Jerusalem về vào năm 1239, và nơi hoàng đế Napoléon lên ngôi vào năm 1804. Đây cũng là nơi Vua Philip IV cưỡi ngựa đến cảm tạ Chúa sau chiến thắng của mình. Vào cuối thế kỷ 18, Nhà thờ từng bị quân Cách mạng Pháp chuyển đổi thành “Đền Lý trí.” Đến năm 1944, trong Thế chiến thứ hai, khi Pháp giành lại Paris, tiếng chuông của Nhà thờ đã vang vọng khắp bầu trời thành phố, đánh dấu sự giải phóng lịch sử.

Câu chuyện về Nhà thờ Đức Bà có thể được truy nguyên từ thế kỷ thứ 5, khi Vua Clovis, vị vua hiếu chiến của người Frank, cải sang Công giáo. Paris từ đó trở thành thủ đô của Vương quốc Frank, một trong những vương quốc Công giáo đầu tiên ở châu Âu. Đến thế kỷ thứ 6, nhà thờ đầu tiên của Paris mang tên Saint-Étienne đã được xây dựng. Qua các thế kỷ, Paris không ngừng mở rộng và nâng cao vị thế văn hóa, trở thành trung tâm của tri thức và nghệ thuật. Đại học Paris cũng ra đời và nhanh chóng trở thành một trong những trường đại học đầu tiên, cũng như danh tiếng nhất của châu Âu.

Vào thế kỷ 12, nhờ ảnh hưởng của các hoạt động hành hương và Thập tự chinh, Paris, đặc biệt là Đảo Île de la Cité trên sông Seine, đã trở thành một trung tâm giao thương sầm uất. Giám mục Paris, Maurice de Sully, được cảm hứng từ dòng người hành hương, bắt đầu lập kế hoạch xây dựng một nhà thờ mới trên nền tàn tích của hai nhà thờ cũ. Năm 1163, Giáo hoàng Alexander III đã đặt viên đá đầu tiên, chính thức khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà. Ông De Sully chịu trách nhiệm huy động tài chính và các nguồn lực, và từ nông dân đến nhà vua, tất cả đều đóng góp cho dự án này. Theo cuốn The Age of Chivalry, “những phụ nữ ngoan đạo ở Paris thường xuyên quyên góp, để lại một truyền thuyết rằng Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng nhờ công lao của những góa phụ”.

Ông De Sully không sống đến ngày hoàn thành công trình. Nhà thờ Đức Bà được xây dựng qua nhiều thế hệ, kéo dài gần 200 năm mới hoàn tất. Khi hoàn thành, công trình thể hiện tài năng và sự khéo léo của các kỹ sư, nghệ nhân thời Trung Cổ, đồng thời phản ánh tham vọng của cả một thời đại. Theo The Age of Chivalry, một du khách thế kỷ 14 đã trích dẫn: “Khi vừa bước vào, tôi như được đưa đến thiên đường, nơi đại sảnh đẹp nhất của Thiên Quốc”.

Vào ngày 2 tháng 12 năm 1804, Napoléon đến phía đông của Nhà thờ Đức Bà Paris và tổ chức lễ đăng quang trong sân. Tác giả: Charles Percier, Pierre François Léonard Fontaine. (Miền công cộng)

Nhiều thế kỷ sau, nhà văn Victor Hugo đã mô tả Nhà thờ Đức Bà Paris như sau: “Khung cảnh trước mắt không ngừng vươn lên cao… tựa như một bản giao hưởng hùng vĩ được viết bằng đá”.

Nhà thờ Đức Bà Paris là một viên ngọc quý của kiến trúc Gothic, nổi bật với những viên đá chạm khắc tinh xảo vươn cao hướng lên trời, cùng vô số họa tiết và tượng điêu khắc tôn giáo, trong đó có những hình tượng gargoyle nổi tiếng.

Sự hồi sinh

Nhà thờ Đức Bà Paris đã phải đối mặt với nhiều biến cố lớn. Trong thời kỳ Cách mạng Pháp, làn sóng bài trừ Công giáo lan rộng khắp cả nước. Chính quyền cách mạng đã xóa bỏ vai trò nhà thờ Công giáo của Nhà thờ Đức Bà, biến nó thành “Đền thờ Lý trí” để tôn vinh chủ nghĩa duy lý. Các nhà cách mạng còn nhầm lẫn các bức tượng các vị vua Do Thái với các vị vua Pháp trong lịch sử, dẫn đến việc phá hoại và chặt đầu những bức tượng này. Đến năm 1977, trong quá trình cải tạo khu phố ở Paris, phần đầu của một số bức tượng đã được tìm thấy.

Chỉ sau khi lãnh đạo cách mạng Maximilien Robespierre bị thất thế, Nhà thờ Đức Bà mới thoát khỏi số phận bị phá hủy hoàn toàn. Vào thế kỷ 19, sau những tổn hại từ cuộc cách mạng và sự tàn phá của thời gian, Nhà thờ Đức Bà đã đứng bên bờ vực sụp đổ. Nhờ vào sự bảo trợ của Napoléon, thành công vang dội của tiểu thuyết ‘Thằng gù Nhà thờ Đức Bà’ (Notre-Dame de Paris) của nhà văn Victor Hugo, và sự phục chế của kiến trúc sư Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc, Nhà thờ Đức Bà đã được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.

Có lẽ thảm kịch lớn nhất mà Nhà thờ Đức Bà phải chịu đựng là vụ hỏa hoạn vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. Điều trớ trêu là đám cháy xảy ra trong khi công trình phục hồi nhà thờ đang được tiến hành, phá hủy nhiều phần kiến trúc, bao gồm cả ngọn tháp trung tâm. Khi ngọn tháp chìm trong biển lửa và khói dày đặc bốc cao, người dân Paris tụ tập trên đường phố sững sờ chứng kiến biểu tượng quốc gia yêu quý này bị nhấn chìm trong ngọn lửa. Một số người bật khóc, và sau đó, họ vừa lau nước mắt vừa đồng thanh hát bài Ave Maria (Kinh Kính Đức Mẹ).

Cố tổng chỉ huy công trình phục hồi, Jean-Louis Georgelin, khi nhắc đến phản ứng của người Pháp trước thảm họa này, đã nói: “Rất nhiều người đã khóc, bởi họ cảm nhận rằng một điều gì đó trong sâu thẳm linh hồn và tinh thần của nước Pháp sắp sụp đổ”.

(Trái) 1699, quang cảnh lối vào chính và sân trong phía tây của Nhà thờ Đức Bà Paris. (Phải) Trong Chiến tranh Trăm năm giữa Anh và Pháp, Vua Henry VI của Anh, 10 tuổi, đã lên ngôi Vua Pháp tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Tác phẩm ra đời vào khoảng năm 1470 ~ 1490 và không rõ tác giả. (Miền công cộng)

May mắn thay, nhờ nỗ lực của đội cứu hỏa Paris, Nhà thờ đã được cứu khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhanh chóng cam kết sẽ tái thiết công trình lịch sử này.
Thế giới đang trông đợi lời hứa sẽ được thực hiện vào ngày 8 tháng 12 tới, khi Nhà thờ mở cửa trở lại, như một minh chứng cho sự kiên cường của nước Pháp và tinh thần của người dân nơi đây. Qua quá trình phục hồi, họ đã tìm lại được những giá trị quý báu trong lịch sử của chính mình.

Như lời của ông Georgelin: “Theo một cách nào đó, Nhà thờ Đức Bà chính là trái tim của nước Pháp – không chỉ đối với người Công giáo hay Kitô hữu, mà còn với mọi người dân. Mọi sự kiện quan trọng của quốc gia này đều bằng cách này hay cách khác, diễn ra trong hoặc xung quanh nhà thờ này”.

Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epoch Times

Mạt Lỵ

Published by
Mạt Lỵ

Recent Posts

Ngưng thở khi ngủ có thể làm thay đổi não bộ, đẩy nhanh lão hóa

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có xu hướng bị lão hóa nhanh…

7 phút ago

Nhà máy quốc phòng bán 6 triệu giàn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2025

6 triệu giàn pháo hoa sẽ được Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc…

9 phút ago

Đường dây làm giả cả giấy triệu tập của ngành công an

Đường dây này đã làm giả hàng nghìn giấy tờ, tài liệu các loại cho…

19 phút ago

Trung Quốc: Nhiều chủng virus lây lan, bệnh viện quá tải

Chủ đề như “tỷ lệ dương tính với virus cúm đang gia tăng nhanh chóng…

36 phút ago

Tổng thống Zelensky nói sẽ không tới tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Trump

“Đương nhiên là tôi muốn… Tôi không thể tới, đặc biệt khi chiến tranh đang…

43 phút ago

7 lời khuyên giúp cư xử lịch sự và nhã nhặn với người khác

Một trong những nhược điểm của văn hóa tự nhiên là chúng ta ít chú…

1 giờ ago