Việc lừa đảo online qua các ứng dụng kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số để giao dịch, chuyển tiền là điều không tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. 5 nguyên tắc tránh lừa đảo online sau đây có thể giúp bạn không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.
Một ngày cuối tháng 10/2023, bà N.T.B. ở Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu nhận được một cuộc gọi video trên Facebook messenger từ một tài khoản Facebook giống hệt tài khoản facebook của con trai bà hiện đang sống ở Úc. Tưởng là con trai, bà B. đã nhận cuộc gọi video. Nhưng cuộc gọi video chỉ diễn ra trong vài giây, hình ảnh của con bà trông không được tự nhiên. Phía đầu kia nhắn tin lại là vì mạng Internet không tốt nên không gọi video tiếp được, chỉ nhắn tin. Đầu kia vay bà hơn 150 triệu để chuyển tiền cho một người bạn ở Việt Nam bị tai nạn có kèm theo số tài khoản của người nhận ở Việt Nam.
Tưởng thật, bà B. đi mượn tiền của hàng xóm rồi chuyển vào tài khoản. Nhưng hôm sau qua trao đổi điện thoại với con, bà B. mới biết mình bị lừa. Đối tượng lừa đảo đã lập 1 tài khoản Facebook với tên và ảnh đại diện giống hệt tài khoản của con trai bà B., và dùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo video giả mạo con trai bà từ các tấm ảnh được đăng trên facebook. Vì video tạo bởi AI không đủ chân thực nên cuộc gọi video chỉ được diễn ra trong vài giây để tạo lòng tin cho bà rồi bị ngắt với lý do mạng Internet kém.
Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo sử dụng video giả mạo được tạo từ AI nói riêng và lừa đảo trên mạng Internet nói chung diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, với đủ các loại thủ đoạn ngày càng tinh vi. Người không có kinh nghiệm, ít hiểu biết về công nghệ, hoặc thậm chí có hiểu biết về công nghệ cũng rất dễ bị lừa.
Sau đây, có 5 nguyên tắc tránh lừa đảo online bạn đọc có thể áp dụng để không trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo trực tuyến:
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta chỉ chuyển tiền vào tài khoản chính chủ đứng tên vợ/chồng/con/bố/mẹ/bạn bè hoặc công ty/tổ chức/đối tác mà ta xác minh được pháp nhân của họ. Vì vậy, hãy thiết lập Nguyên tắc 1:
KHÔNG chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tổ chức KHÔNG XÁC MINH ĐƯỢC NHÂN THÂN, PHÁP NHÂN vì BẤT KỲ LÝ DO GÌ.
Giả sử có người thật sự bị tai nạn cần mượn tiền, hãy yêu cầu người mượn tiền cung cấp tài khoản của bệnh viện để chuyển tiền. Khi chuyển tiền, cần xác định phía nhận tiền đúng là bệnh viện nào đó có thể xác minh được thông tin gồm tên bệnh viện, địa chỉ, số điện thoại…
Thời gian vừa qua, người dân nhận được nhiều cuộc gọi mời chào làm cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… Trong đó kẻ lừa đảo yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng. Ở các đơn hàng nhỏ ban đầu, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng ngay để tạo lòng tin. Khi đã có lòng tin, đến đơn hàng lớn vài triệu hoặc vài chục triệu đồng, sau khi thanh toán đơn hàng trước, cộng tác viên sẽ không thể nhận lại được tiền nữa.
Tại đây, cần quay lại Nguyên tắc 1: không thanh toán cho các cá nhân hoặc tổ chức mà bạn không biết rõ họ là ai, cho dù lời mời làm ăn có hấp dẫn đến thế nào. Bạn chỉ nên chuyển tiền cho một công ty, cửa hàng mà bạn biết rõ họ là ai, hoặc có số đăng ký kinh doanh, địa chỉ, mã số thuế, người đại diện pháp luật… một cách rõ ràng và công khai.
Câu hỏi bảo mật thường được các ngân hàng sử dụng để xác minh chủ tài khoản hoặc chủ thẻ tín dụng/thẻ ngân hàng qua điện thoại. Tại đây, ta cũng nên áp dụng nguyên tắc này để xác minh người đang muốn vay tiền.
Khi có cuộc gọi video từ mạng xã hội hoặc cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn để mượn tiền từ người thân mà bạn không thể gặp mặt trực tiếp, hãy sử dụng TỐI THIỂU 3 CÂU HỎI BẢO MẬT để xác minh người đang nói chuyện đúng là người thân của bạn. Các câu hỏi bảo mật này là thông tin thật mà chỉ những người trong gia đình biết và thống nhất với nhau, người bên ngoài không thể biết được và CHƯA được đưa lên mạng xã hội.
Trong trường hợp giữa 2 người chưa kịp thiết lập câu hỏi bảo mật, người cho mượn tiền cần tự nghĩ ra 3 câu hỏi về các thông tin bí mật đối với người mượn tiền để xác minh. Cũng cần đảm bảo các thông này CHƯA được đưa lên mạng xã hội.
Có thể kể ra một số ví dụ về câu hỏi bảo mật:
Có khả năng cả 3 “câu hỏi bảo mật” đều được kẻ lừa đảo trả lời được nếu chúng chuẩn bị kỹ thông tin trước khi lừa đảo, nhưng tốc độ trả lời sẽ không thể nhanh được bằng người mà chúng giả mạo, khi đó người được vay tiền có thể phát hiện được dấu hiệu và tiếp tục đặt các câu hỏi khác mà kẻ lừa đảo hoàn toàn không biết để trả lời.
Nhiều kẻ lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án… hù dọa nạn nhân rằng họ liên quan đến một vụ án nghiêm trọng nào đó, ví dụ: đường dây buôn bán ma túy, lừa đảo xuyên quốc gia, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng rồi bỏ chạy, số căn cước/chứng minh thư của họ bị đánh cắp và bị sử dụng để lừa đảo… làm nạn nhân sợ hãi, cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng và mật khẩu hoặc chuyển tiền phục vụ điều tra.
Hãy lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có GIẤY MỜI, GIẤY TRIỆU TẬP gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, KHÔNG làm việc online qua mạng.
Khi có cuộc gọi tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, hãy yêu cầu GỬI GIẤY MỜI HOẶC GIẤY TRIỆU TẬP HỢP LỆ ĐẾN CÔNG AN XÃ/PHƯỜNG nơi mình cư trú và cùng công an xã/phường đến TẬN NHÀ làm việc.
Cũng lưu ý rằng, lực lượng chức năng tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Nhiều nạn nhân bị gọi điện hoặc nhắn tin thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị. Từ đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp số OTP (One Time Password – mật khẩu dùng 1 lần để thực hiện giao dịch ngân hàng) gửi về điện thoại hay yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Hãy lưu ý rằng: thông tin về tài khoản, mật khẩu hay OTP là các thông tin chỉ 1 mình bạn được phép biết, vì chỉ 1 mình bạn là người có quyền hợp pháp định đoạt tài sản nằm trong tài khoản/thẻ ngân hàng của bạn. Cho người khác biết các thông này chính là bạn đã cho người khác quyền định đoạt tài sản của mình.
Vì vậy, hãy lưu ý Nguyên tắc thứ 4: Không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, vì bất kỳ lý do gì.
Như đã đề cập ở đầu bài, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể biến 1 vài bức ảnh của 1 người thành 1 đoạn video rất khó phân biệt được mức độ thật giả.
Vì vậy, ngoài việc kẻ lừa đảo có thể lợi dụng video giả người thân của bạn để vay tiền, chúng có thể làm ra các video giả của người nổi tiếng để bán hàng online, quyên góp online, mời gọi đầu tư hoặc thực hiện bất cứ giao dịch tài chính nào.
Ngoài ra, các trang web của các sàn thương mại điện tử, ngân hàng, facebook của tổ chức/cá nhân, các video quảng cáo/đánh giá sản phẩm… có thể được copy và hoặc làm giả một cách hết sức tinh vi để lừa người (giao diện giống hệt phiên bản thật, nhưng để ý kỹ đường dẫn sẽ có khác biệt).
Vì vậy, hãy tìm hiểu và cân nhắc cho kỹ trước khi bạn thực hiện bất cứ giao dịch tài chính nào qua mạng dựa vào các video hoặc các thông tin đã đã được phát online.
Tóm lại, có 5 nguyên tắc tránh lừa đảo online có thể giúp bạn và người thân không trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo trực tuyến:
Bạn cũng có thể kết hợp đồng thời 1 vài nguyên tắc trong 5 nguyên tắc tránh lừa đảo online này để gia tăng an toàn cho bản thân trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng.
Thiện Tâm
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…