Để chống lại sự xâm nhập của AI vào việc học của học sinh, một số trường đang sử dụng một giải pháp bất ngờ: Giấy và bút. (Ảnh: Shutterstock)
Sự phổ biến của các công cụ AI như ChatGPT khiến học sinh chỉ cần vài giây là có thể viết luận văn, giải toán phức tạp hoặc soạn thảo báo cáo thí nghiệm, làm dấy lên câu hỏi: Năm 2025, học sinh thực sự học được những gì? Giáo viên tái sử dụng “sổ xanh” (tập vở viết tay) và thi tại lớp để bảo vệ sự trung thực học thuật trong thời đại ChatGPT.
Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, các trường học và đại học buộc phải xem xét lại phương pháp giảng dạy và kiểm tra, từ bài tập về nhà đến kỳ thi cuối kỳ.
Theo Fox News, để ngăn chặn AI can thiệp vào việc học của học sinh, một số trường đang áp dụng giải pháp tưởng chừng lỗi thời: giấy và bút.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, cuốn “sổ xanh” cổ điển (loại sổ nhỏ có kẻ ô dùng để làm bài thi viết tay) đang quay trở lại. Dù trông giống như di tích của thời kỳ tiền kỹ thuật số, nhưng các giáo viên cho biết đây là một trong những công cụ hiệu quả nhất để đảm bảo học sinh tự làm bài.
Khó có thể đưa ra con số chính xác, nhưng các khảo sát gần đây cho thấy, tới 89% học sinh từng sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ tương tự để làm bài tập. Một số học sinh thừa nhận chỉ dùng để khơi nguồn sáng tạo hoặc chỉnh sửa ngữ pháp, nhưng cũng có học sinh hoàn toàn dựa vào AI để viết bài luận hoặc làm bài tập về nhà.
Sự gia tăng các hành vi gian lận khiến giáo viên phải tìm mọi cách bảo vệ chất lượng giảng dạy và tính trung thực học thuật.
Nhiều trường đại học báo cáo rằng các vụ vi phạm liên quan đến AI đã tăng vọt, dù có thể còn nhiều trường hợp chưa bị phát hiện. Các phần mềm kiểm tra AI như Turnitin đang được sử dụng ngày càng rộng rãi, nhưng ngay cả vậy, nhà trường cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn AI.
Một phần nguyên nhân là vì AI hiện nay có khả năng mô phỏng văn phong của con người rất tốt. Các công cụ này có thể điều chỉnh ngữ điệu và phong cách, thậm chí bắt chước văn phong của bài làm trước đó của học sinh. Nếu không có công cụ giám định phức tạp hoặc sự tinh ý của giáo viên, rất khó để phát hiện hành vi sao chép.
Trong các bài kiểm tra mù, giáo viên thường không thể phân biệt được bài làm của người và AI. Thậm chí, một số trường học ban đầu thử dùng phần mềm phát hiện AI nhưng đã phải ngừng lại vì lo ngại về độ chính xác và quyền riêng tư.
Để đối phó tình trạng này, ngày càng nhiều giáo viên tổ chức thi ngay tại lớp, yêu cầu học sinh làm bài bằng giấy và bút. Các trường như Đại học Texas A&M, Đại học Florida và Đại học California Berkeley đều cho biết nhu cầu sử dụng sổ xanh tăng mạnh trong 2 năm qua.
Lý do rất đơn giản: Nếu học sinh phải viết tay tại lớp, chúng không thể gian lận bằng ChatGPT hoặc các trợ lý AI khác. Đây không chỉ là sự hoài cổ, mà còn là sự thay đổi trong triết lý giảng dạy. Một số giáo viên nhận thấy, việc không có “đường tắt số hóa” giúp học sinh suy nghĩ kỹ hơn và làm bài nghiêm túc hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin đây là giải pháp hoàn hảo.
Những người chỉ trích cho rằng việc chỉ dựa vào bài kiểm tra viết tay trên lớp có thể làm giảm khả năng nghiên cứu sâu và phân tích của học sinh, đặc biệt với các chủ đề phức tạp cần thời gian suy nghĩ, chỉnh sửa và tìm hiểu thêm tài liệu. Ngoài ra, viết tay không thể ngăn chặn việc học sinh sử dụng AI cho bài tập về nhà, dự án nhóm hay các bài luận.
Một số giáo viên đang kêu gọi giải pháp cân bằng hơn: Không cấm AI, mà dạy học sinh cách sử dụng chúng có trách nhiệm. Điều này bao gồm lồng ghép kỹ năng AI vào chương trình học, giúp học sinh hiểu được ranh giới giữa cảm hứng và đạo văn, và biết khi nào nên dùng ChatGPT hay Grammarly một cách hợp lý.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một hiệu trưởng đại học nói rằng trí tuệ nhân tạo là một phần trong sự nghiệp tương lai của học sinh. Công việc của nhà trường là dạy cho các em biết cách tư duy phản biện, ngay cả khi trong tay các em có công cụ mới.
Khi công nghệ AI tiếp tục phát triển, chiến lược bảo vệ tính trung thực học tập của các trường học cũng sẽ thay đổi. Một số trường đang chuyển sang hình thức vấn đáp, yêu cầu học sinh phải giải thích miệng về quá trình suy nghĩ của mình.
Một số khác thì yêu cầu nộp thêm các bước chuẩn bị như bản nháp có chú thích, video ghi lại quá trình thảo luận nhóm…, những điều này khiến việc gian lận trở nên khó khăn hơn.
Dù chưa có giải pháp hoàn hảo, nhưng có một điều chắc chắn: Vấn đề AI không thể bị phớt lờ, hệ thống giáo dục phải nhanh chóng thích ứng, nếu không sẽ có nguy cơ mất uy tín.
Sự trở lại của sổ xanh cho thấy vấn đề gian lận bằng AI đang rất nghiêm trọng, giáo viên cũng sẵn sàng nỗ lực hơn để bảo vệ sự trung thực học thuật. Nhưng giải pháp cuối cùng có lẽ sẽ là kết hợp giữa cũ và mới: Vừa sử dụng công cụ truyền thống như sổ xanh, vừa áp dụng các công cụ kiểm tra kỹ thuật số, đồng thời giáo dục học sinh về tầm quan trọng của sự trung thực trong học tập.
Khi AI phát triển, giáo dục cũng phải phát triển theo. Mục tiêu không chỉ là ngăn chặn gian lận, mà là đảm bảo học sinh khi rời ghế nhà trường sẽ có kỹ năng, kiến thức và giá trị đạo đức cần thiết để thành công trong đời thực.
Một cuộc điều tra quy mô lớn của tờ The Guardian vừa công bố cho thấy, tình trạng gian lận trong giáo dục đại học tại Anh đang chuyển dịch mạnh mẽ từ đạo văn truyền thống sang hình thức mới: Lạm dụng AI như ChatGPT.
Trong năm học 2023–2024, đã có gần 7.000 trường hợp gian lận học thuật do sử dụng AI bị phát hiện, tương đương 5,1 sinh viên trên mỗi 1.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm học trước.
Không chỉ gia tăng về số lượng, hình thức gian lận bằng AI đang trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn bao giờ hết, đặt ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống đánh giá và quản lý học thuật tại các trường đại học.
Nhiều công ty công nghệ đang coi sinh viên là nhóm người dùng mục tiêu. Google hiện cung cấp miễn phí bản nâng cấp Gemini trong 15 tháng cho sinh viên đại học, còn OpenAI cũng có chính sách giảm giá cho sinh viên tại Mỹ và Canada.
Các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ tập trung kiểm soát, ngành giáo dục cần sớm thích ứng với thực tế rằng AI sẽ trở thành một phần tất yếu trong học tập.
Tiến sĩ Thomas Lancaster tại Đại học Imperial College London cho rằng cần tập trung phát triển cho sinh viên các kỹ năng mà AI không thể thay thế, như giao tiếp, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tương tác với công nghệ.
Bộ Quốc phòng ban hành quy định mới, không gọi nhập ngũ công dân mắc…
“Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí cho Ukraine. Họ cần có năng…
Có rất nhiều phương pháp tự nhiên để kiểm soát sên và ốc sên, tuy…
Tổng thống Trump chỉ trích tỷ phú Musk vì đã thành lập một đảng chính…
Các chuyên gia cho biết những thay đổi đơn giản trong cách suy nghĩ và…
Ấn Độ sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với…