Sự sống có thể tồn tại được trong quá khứ ở nơi mà các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đặt tên là El Malpais, còn gọi là “vùng đất xấu” . Bí ẩn về tộc người sinh sống tại khu “tử địa” – hang động liên kết chặt chẽ với hệ thống ống dung nham dài đến 64km – lần đầu tiên được hé lộ bởi một nhóm các nhà khoa học địa chất quốc tế do Đại học Nam Florida, Mỹ dẫn đầu.
Trong hơn 10.000 năm, những người sinh sống trong khu vực khô cằn thuộc miền tây New Mexico ngày nay được biết đến với lối kiến trúc độc đáo và hệ thống kinh tế cũng như chính trị còn sơ khai của họ.
Sau khi khám phá một ống dung nham (tàn tích của sự phun trào núi lửa cổ đại) chứa đầy băng ở Đài tưởng niệm Quốc gia El Malpais và sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ đối với một lớp băng tích nằm trong ống dung nham, Giáo sư khoa học địa chất Bogdan Onac (Đại học Nam California) và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng tổ tiên của những người Puebloan đã sống sót sau những đợt hạn hán tàn khốc bằng cách đi sâu vào các hang động và đốt lửa làm tan băng cổ đại để lấy nước uống và sinh hoạt.
Có niên đại từ năm 150 đến năm 950 sau Công nguyên, những vật liệu bị đốt cháy còn sót lại trong hang cho thấy con người đã những ngọn lửa nhỏ để làm tan chảy băng để lấy nước uống hoặc phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo. Với sự cộng tác của các đồng nghiệp đến từ Cục Công viên Quốc gia Mỹ, Đại học Minnesota (Mỹ) và một viện nghiên cứu từ Romania, nhóm các nhà nghiên cứu thực địa đã công bố khám phá của mình trên tạp chí Scientific Reports hôm 18/11 vừa qua.
Hạn hán được cho là đã ảnh hưởng rất lớn đến việc định cư, sinh sống, thâm canh nông nghiệp, xu hướng về nhân khẩu và sự di cư của các tổ tiên những người Puebloan từng sinh sống ở khu vực Tây Nam nước Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu, khám phá từ những lớp băng tích đã chỉ ra “bằng chứng rõ ràng” về 5 đợt hạn hán nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống của tổ tiên những người Puebloan trong các thế kỷ đó. Giáo sư Onac lưu ý rằng các điều kiện địa chất quanh khu vực này hiện đang bị đe dọa nặng nề.
“Khám phá này đã làm sáng tỏ một trong nhiều tương tác giữa con người và môi trường ở vùng Tây Nam nước Mỹ vào thời điểm mà việc thay đổi khí hậu đã buộc con người phải tìm nguồn nước ở những nơi không mong muốn,” ông cho hay.
Giáo sư Onac là một nhà nghiên cứu chuyên khám phá độ sâu của các hang động trên khắp thế giới, nơi mà băng và các đặc điểm cũng như sự hình thành về địa chất khác đã cho thấy tình trạng mực nước biển và điều kiện khí hậu trong quá khứ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tập trung vào một ống dung nham duy nhất giữa một loạt các dòng dung nham cổ nguy hiểm dài khoảng 64km, trong đó một số ống dung nham có chứa lượng băng tích đáng kể.
Trong khi các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng một số đường mòn trên bề mặt giữa các dòng dung nham là do những cư dân cổ đại đi tìm kiếm nguồn nước để lại, nhóm nghiên cứu cho biết công trình của họ là bằng chứng sớm nhất, trực tiếp nhất về việc lấy nước trong các ống dung nham ở miền Tây Nam nước Mỹ.
Nghiên cứu mô tả 5 thời kỳ hạn hán trong khoảng thời gian 800 năm, trong đó tổ tiên của người Puebloan đã tiếp cận hang động có lối vào cao hơn 2.200m so với mực nước biển và đã được khảo sát ở độ dài 171m và sâu khoảng 14m. Hang động chứa một khối băng dường như là dấu vết còn sót lại của một lớp băng tích rất lớn từng lấp đầy hầu hết phần sâu nhất của hang động. Vì lý do an toàn và bảo tồn, Cục Công viên Quốc gia Mỹ chỉ xác định địa điểm này là “Hang số 29” (Cave 29).
Trong những năm có nhiệt độ bình thường, sự tan chảy của băng gần lối vào hang động theo mùa sẽ để lại những vũng nước nông tạm thời mà tổ tiên của người Puebloan có thể tiếp cận được. Nhưng khi không có băng trong giai đoạn ấm và khô hơn, các nhà nghiên cứu đã ghi lại bằng chứng cho thấy tổ tiên của người Puebloan đã nhiều lần tìm cách đi ra phía sau của các hang động để đốt những ngọn lửa nhỏ nhằm làm tan chảy khối băng, rồi sau đó lấy nước.
Họ đã để lại những viên than và tro, giống như mảnh gốm xám Cibola mà các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khi thu thập một lõi băng cổ đại từ các ống dung nham. Nhiều hốc chứa than, đống tro, các mảnh gốm có vẻ được dùng làm lò đốt… là những bằng chứng sống động cho cách sinh tồn độc đáo này. Nhóm nghiên cứu tin rằng tổ tiên của người Puebloan có thể xử lý khói trong hang thông qua hệ thống lưu thông không khí tự nhiên để giữ cho đám cháy vừa nhỏ và đủ để làm tan chảy băng.
Giáo sư Onac cho hay rằng khám phá này là một điều bất ngờ. Mục tiêu ban đầu của nhóm trong cuộc hành trình vào ống dung nham là thu thập các mẫu để tái tạo lại môi trường cổ sinh bằng cách sử dụng các lớp băng tích đang dần tan chảy. Ông Onac cho biết thêm:
“Tôi đã vào nhiều ống dung nham, nhưng ống này đặc biệt bởi lượng than có trên bề mặt ở phần sâu của hang động. Tôi nghĩ đó là một chủ đề thú vị, nhưng chỉ khi chúng tôi tìm thấy than và bồ hóng trong lõi băng thì ý tưởng kết nối việc sử dụng băng làm nguồn nước mới nảy ra trong đầu tôi.”
Các nhà nghiên cứu đang phải chạy đua với thời gian bởi điều kiện khí hậu hiện đại đang khiến băng trong hang động tan chảy, dẫn đến việc mất đi dữ liệu khí hậu cổ đại. Giáo sư Onac cho biết gần đây ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia để tiếp tục nghiên cứu trong các ống dung nham trước khi bằng chứng về địa chất biến mất. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến băng trong các ống dung nham cổ này tự tan chảy dù không ai đốt lửa nữa.
Theo Visiontimes,
Phan Anh
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…