Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo hôm 3/12 vừa qua về vụ kiện Facebook. Cơ quan này cáo buộc Facebook từ chối tuyển dụng “những người lao động Mỹ có trình độ và năng lực” cho hơn 2.600 vị trí việc làm với mức lương trung bình khoảng 156.000 USD/năm. Trong khi đó, hãng đã lấp đầy đội ngũ nhân sự bằng những người lao động nước ngoài sử dụng các loại thị thực tạm thời như H-1B.
“Facebook đã cố tình tạo ra một hệ thống tuyển dụng, trong đó họ từ chối cho những người lao động đủ tiêu chuẩn của Mỹ có cơ hội công bằng để tìm hiểu và nộp đơn xin việc. Thay vào đó, Facebook tìm cách tiếp cận những người có thị thực tạm thời mà Facebook muốn tài trợ cho thẻ xanh,” Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo.
Một phát ngôn viên của Facebook nêu trong thông cáo rằng, công ty đã hợp tác với DOJ (Bộ Tư pháp Mỹ) để xem xét vấn đề này và trong quá trình tranh chấp liên quan đến cáo buộc trong đơn kiện, Facebook đã không đưa ra bình luận nào.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Facebook đã sử dụng các chiến thuật phân biệt đối xử với người lao động Mỹ bắt đầu không muộn hơn ngày 01/01/2018 và ít nhất là đến ngày 18/09/2019. Những chiến thuật này bao gồm việc không quảng cáo các vị trí mở trên trang web việc làm của họ cũng như từ chối cân nhắc những người lao động Mỹ cho những vị trí đó.
“Thông điệp của chúng tôi gửi tới người lao động rất rõ ràng: Nếu các công ty từ chối cơ hội việc làm bằng cách ưu tiên người có thị thực tạm thời một cách bất hợp pháp, Bộ Tư pháp sẽ buộc họ chịu trách nhiệm,” ông Eric S. Dreiband, người đứng đầu Bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.
Ngoài ra, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ còn nhấn mạnh thêm: “Thông điệp của chúng tôi gửi đến tất cả các nhà tuyển dụng – bao gồm cả những nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ – là rõ ràng: Các vị không thể ưu ái tuyển dụng, cân nhắc hoặc thuê một cách bất hợp pháp những người có thị thực tạm thời hơn người lao động Mỹ.”
Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết, hành vi bị cáo buộc của Facebook cũng tác động xấu đến những người có thị thực tạm thời bằng cách tạo ra một mối quan hệ việc làm không bình đẳng bởi những người lao động này dựa vào việc làm của họ để duy trì tình trạng nhập cư.
Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc cơ quan này kiện Facebook là bước tiếp theo sau cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm. Bộ đã theo đuổi việc xem xét rộng rãi ngành công nghệ từ năm 2019 và gần đây nhất đã đệ đơn kiện chống độc quyền với hãng Google vào tháng 10/2020.
Facebook hiện đang bị điều tra về các vi phạm chống độc quyền tiềm tàng bởi một nhóm cơ quan tư pháp tiểu bang và Ủy ban Thương mại Liên bang. Nhóm cơ quan tư pháp tiểu bang dự kiến đệ đơn kiện Facebook ngay trong tuần này.
Vụ kiện Facebook mà Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình ngày 3/12 vừa qua hướng tới giải quyết vấn đề chống độc quyền. Các công ty công nghệ đã đi đầu trong nhiều cuộc đấu tranh về cải cách nhập cư, đặc biệt là việc ủng hộ thị thực H1-B, loại thị thực tay nghề cao được nhiều người lao động công nghệ sử dụng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực thực hiện một số biện pháp bảo vệ và cải thiện tình trạng trên.
Theo Justice.gov,
Phan Anh
Xem thêm: