Trong một nghiên cứu đăng tải hôm 15/3 vừa qua trên tạp chí Science Robotics, các nhà khoa học đã tiến một bước lớn khi phát triển robot có khả năng hỗ trợ thực hiện phẫu thuật ghép ốc tai.
Stefan Weber, một giáo sư ở Đại học Bern, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Sinh học ART Thuỵ Sĩ cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành dự án này suốt hơn 8 năm. Trái với nhiều nghiên cứu khác, chúng tôi chỉ tập trung vào hoàn thiện một ứng dụng suốt quãng thời gian đó.”
Weber cùng nhóm nghiên cứu đã chế tạo một robot với thiết kế hoàn hảo, nó có khả năng tạo một đường cực nhỏ và chính xác trong sọ não người. Trên lý thuyết, robot này có thể ứng dụng vào các loại phẫu thuật khác. Nhưng nó được thiết kế chủ yếu để trợ giúp phẫu thuật cấy ghép ốc tai.
Cấy ghép ốc tai là loại hình phẫu thuật giúp cải thiện khả năng nghe của người bị suy yếu thính lực, bằng cách thu nhận âm thanh bởi một micro ngoại vi, xử lý và truyền âm thanh đó dưới dạng xung điện thẳng đến dây thần kinh thính giác. Mỗi năm có khoảng 65.000 ca cấy ghép như vậy, thường là cho trẻ nhỏ.
Để thực hiện cấy ghép ốc tai cho một bệnh nhân, các bác sĩ phẫu thuật phải khoan một đường rộng khoảng 2,5 milimet qua một khu vực sọ não được bao bọc bởi các dây thần kinh mặt và vị giác. Chính vì độ khó trong kỹ thuật này, trong quá trình cấy ghép, có đến 30-55% bệnh nhân lại mất đi một phần “thính giác dư thừa” (thuật ngữ để chỉ phần thính giác mà một người vẫn có thể phân biệt được dù có bị vấn đề về tai hay không).
Weber nói: “Con người khi làm các việc vẫn có sự hạn chế về kỹ năng, cảm nhận hoặc tầm nhìn, trong khi đó, một hệ thống robot nếu được thiết kế đúng chuẩn, lại có thể làm việc ở bất kỳ độ phân giải nào – cho dù nó là một milimet hay thậm chí là 1/10 milimet.”
Do vậy đối với ông, việc cấy ghép ốc tai là một lựa chọn hoàn hảo cho ứng dụng tự động hoá. Và có thể nói, đây thực sự là một bước thiết yếu trong phẫu thuật, “một con robot có thể thực sự góp phần tạo ra một thay đổi đáng kể về kết quả.”
Sau nhiều năm bỏ công sức vào việc thiết kế robot và thiết kế một cơ chế an toàn- bao gồm cả việc phân tích sọ não bệnh nhân trước phẫu thuật để đưa ra kế hoạch điều trị bằng robot cho từng cá nhân, và việc giám sát các dây thần kinh mặt để đảm bảo rằng robot không làm hại các tế bào xung quanh trong khi phẫu thuật, robot lần đầu tiên đã được đưa vào ứng dụng phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ 51 tuổi vào mùa hè năm ngoái.
Tính đến nay, robot đã trợ giúp thành công 3 ca phẫu thuật. Bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng đang được theo dõi để xác định xem thính lực của họ đã được cải thiện bao nhiêu. Hiện nhóm của Weber đang tiếp tục nghiên cứu việc ứng dụng robot trong bước cuối cùng của cấy ghép – đưa một điện cực vào tai trong. Họ đã có một vài thành công, nhưng công đoạn này đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cao hơn rất nhiều.
Weber nói: “Tôi chưa nói đến việc chúng tôi có thể tự động hoá quá trình cấy ghép, nhưng mục đích của chúng tôi là tối ưu hoá nó.” Hiện nhóm nghiên cứu của Weber vẫn đang dừng ở việc tinh chỉnh và cải thiện cấy ghép ốc tai, nhưng ông thực sự nghĩ rằng robot này có thể đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác trong thế giới y học.
Và như vậy, cho dù việc sử dụng robot để tiến hành một ca phẫu thuật hoàn chỉnh chưa thực sự sẵn sàng, thì những con robot với các chuyển động thô sơ đơn giản bước đầu đã có thể tìm được chỗ đứng trong các phòng phẫu thuật.
Theo Popsci
Thế Kiệt
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.