Internet Vạn Vật sẽ đưa chúng ta trở về thời Trung cổ?

Ai đang sở hữu những thiết bị kết nối Internet mà chúng ta đã mua? Ai kiểm soát chúng? Chúng đang kiểm soát ai?

(Ảnh: Queen Mary Master/Wiki)

Các thiết bị điện tử có kết nối Internet đã trở nên hết sức phổ biến trong cuộc sống con người hiện đại. Nhưng đi kèm theo sự tiện lợi mà nó mang lại, là những rủi ro to lớn mà chúng ta chưa từng nghĩ tới trước đây. Mới đây, một sòng bạc đã bị các hacker tấn công thông qua… một cái bể cá. Cái bể cá công nghệ thời 4.0 này có các cảm biến dẫn tới một máy tính, máy tính lại được kết nối với toàn bộ hệ thống mạng của sòng bài. Những kẻ xâm nhập đã lợi dụng kẽ hở này để đánh cắp 10GB dữ liệu rồi chuyển tới một xứ sở nào đó ở Phần Lan.

Vụ trộm ăn trộm dữ liệu qua đường thuỷ sinh này đã làm người ta nhận ra một vấn đề với các thiết bị “Internet vạn vật”: chúng ta không thực sự kiểm soát được chúng. Chúng ta cũng không biết ai làm được điều này, kể cả những kỹ sư phần cứng và phần mềm đã tạo ra chúng.

Vây quanh con người hiện đại ngày nay là một rừng cảm biến. Bể cá, tivi thông minh, máy đo nhiệt độ trong nhà, đồng hồ thông minh theo dõi sức khoẻ, điện thoại di động… những thứ ấy liên tục thu thập thông tin người dùng và hoàn cảnh sống của họ. Thông tin thu lượm được không chỉ có giá trị cho người dùng, mà còn là cả những người muốn bán hàng và kiếm tiền từ chúng ta. Họ toan tính làm sao các thiết bị có kết nối với Internet ấy phải được lập trình để thu thập và chia sẻ thông tin càng nhiều càng tốt.

Lấy con robot quét dọn thông minh Roomba làm ví dụ. Năm 2015, thứ đồ công nghệ cao cấp này đã tự vẽ ra bản đồ ngôi nhà của người dùng với mục đích tốt đẹp là để di chuyển thuận tiện hơn khi dọn dẹp. Nhưng rồi hãng tin Reuters và Gizmodo phát hiện ra, nhà sản xuất của Roomba là iRobot, đang nhăm nhe chia sẻ những bản đồ họ có được cho các đối tác thương mại của mình.

Ăn trộm dữ liệu là một tính năng… cài sẵn

Không khác Roomba, nhiều thiết bị thông minh khác cũng được lập trình để chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng cho những nhà quảng cáo qua các cửa hậu mà khách hàng không hề hay biết. Trong một vụ việc nghiêm trọng hơn cả Roomba, một thiết bị massage có tên WeVibe đã thu thập thông tin về tần suất sử dụng, chế độ cài đặt và thời gian sử dụng trong ngày của người dùng rồi gửi về cho nhà sản xuất. Sau khi bị phát hiện và bị tố cáo, công ty này đã đồng ý trả nhiều triệu đôla tiền phạt để dàn xếp với các khách hàng của mình.

Những cửa hậu kia còn tiềm ẩn nhiều mối lo ngại về bảo mật khác. Vụ việc nổi tiếng của hãng máy tính Lenovo là một ví dụ. Công ty này cài sẵn phần mềm có tên “Superfish” vào các máy tính họ bán ra. Chương trình này cho phép Lenovo và các công ty trả tiền cho hãng, bí mật chèn quảng cáo hướng đối tượng vào các kết quả tìm kiếm trên web của người dùng. Chiêu này của họ đặc biệt nguy hiểm vì nó xâm nhập vào trình duyệt web mà người dùng không hề hay biết – kể cả những giao tiếp đã được mã hoá bảo mật có liên quan đến giao dịch ngân hàng và mua sắm trực tuyến.

Vấn đề thực sự là quyền sở hữu

Một nguyên nhân căn bản khiến chúng ta không kiểm soát được toàn bộ thiết bị của mình là các công ty sản xuất ra chúng suy nghĩ và hành động như thể họ vẫn còn sở hữu thiết bị đó, mặc dù đã bán đứt cho chúng ta.

Lập luận của các công ty này là: người dùng có thể mua một thiết bị điện tử thời thượng, như điện thoại thông minh chẳng hạn, nhưng họ chỉ mua quyền sử dụng các phần mềm cài đặt trong đó mà thôi. Còn lại bản thân phần mềm đó vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất. Và vì họ vẫn sở hữu nó, nên họ có quyền kiểm soát nó. Cũng giống như chuyện hãng xe bán một chiếc xe hơi cho bạn, nhưng lại đòi sở hữu máy móc động cơ ở bên trong vậy.

Kiểu quan hệ này đang đánh đổ quan niệm cơ bản về quyền sở hữu. Vụ việc về những chiếc máy cày hiệu Deere của Mỹ khá tương tự như vậy. Nông dân được nhà sản xuất thông báo rằng họ không thực sự sở hữu những chiếc máy cày, họ chỉ mua quyền sử dụng phần mềm điều khiển máy cày thôi. Vậy nên khi máy hỏng, họ không được quyền tự sửa chữa máy cày của chính họ, càng không được đem ra các tiệm khác để sửa. Các nông dân đang phản đối chuyện này, nhưng với những người dùng điện thoại thông minh, họ có thể bỏ qua vì vòng đời của thiết bị ngắn và họ có thể đổi một máy khác rất nhanh.

Câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ chúng ta mới nhận ra rằng các công ty kia đang cố áp đặt điều tương tự cho những căn nhà thông minh, những chiếc tivi thông minh, những chiếc bồn cầu thông minh, và cả những chiếc xe hơi thông minh của người dùng?

>> Công nghệ thao túng tâm trí con người như thế nào? (Phần 1)

Con người trên con đường trở về thời Trung cổ?

Vấn đề ai sở hữu của cải vật chất có lịch sử lâu đời. Trong thời Trung cổ châu Âu, nhà vua sở hữu gần như tất cả mọi thứ, và quyền sở hữu tài sản của mọi người phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với nhà vua. Nông dân sống trên những mảnh đất mà nhà vua ban cho các địa chủ trong vùng, còn thợ thủ công thậm chí đôi khi còn không sở hữu các dụng cụ để làm nghề mộc hay nghề rèn.

Qua nhiều thế kỷ phát triển, nền kinh tế và pháp luật của phương Tây đã tạo dựng nên quan hệ thương mại hiện đại ngày nay: người dân và các công ty tư nhân thường xuyên mua bán và sở hữu đất đai, công cụ và các vật dụng khác. Ngoài những trường hợp đặc biệt cần có sự tham gia của chính phủ như bảo vệ môi trường hay sức khỏe cộng đồng, quyền sở hữu được xác lập mà không cần bất kỳ điều kiện gì kèm theo.

Điều này có nghĩa là hãng xe hơi không thể ngăn cản tôi sơn xe màu tôi thích, hay đi thay dầu ở bất cứ garage nào tôi muốn. Tôi cũng có thể sửa chữa hay nâng cấp chiếc xe lúc nào và như thế nào tùy thích. Điều tương tự cũng diễn ra với cái tivi, chiếc máy cày hay tủ lạnh nhà bạn.

Ấy vậy, sự bùng nổ của Internet vạn vật dường như lại đang đưa con người quay lại với thời phong kiến, khi dân thưởng không được sở hữu những đồ họ sử dụng hàng ngày. Trong thế kỷ 21 này, các công ty đang sử dụng luật bảo vệ tài sản trí tuệ – được lập ra với mục đích bảo vệ các ý tưởng vô hình – thành công cụ để kiểm soát các vật dụng hữu hình mà khách hàng đã trả tiền mua.

Kiểm soát tài sản trí tuệ

Lấy chiếc điện thoại thông minh của Samsung làm ví dụ. Google kiểm soát hệ điều hành và các ứng dụng thuộc họ Google để giúp cho các điện thoại chạy hệ điều hành Android hoạt động trơn tru. Google sau đó cho Samsung thuê lại quyền sử dụng các ứng dụng này. Samsung chỉnh lại giao diện một chút, rồi tiếp tục cho người mua điện thoại thuê lại các ứng dụng kia – đây chính là những gì mà Google và Samsung lập luận. Bản thân Samsung đã hủy làm ăn với rất nhiều bên cung cấp ứng dụng vì họ muốn lấy dữ liệu của người dùng để sử dụng cho mục đích riêng.

Nhưng mô hình này có vấn đề. Là người sở hữu chiếc điện thoại, chúng ta cần có quyền sửa chữa tài sản của chính chúng ta. Chúng ta cần có quyền đuổi cổ những nhà quảng cáo hung hăng quá trớn ra khỏi thiết bị của chúng ta. Chúng ta cần có khả năng đóng các cửa hậu đang lén gửi thông tin ra bên ngoài cho bên quảng cáo, không đơn thuần chỉ vì chúng ta không thích bị do thám, mà là vì đi kèm với các cửa hậu ấy là những rủi ro lớn về bảo mật, cứ ngẫm lại câu chuyện “Superfish” của Lenovo ở trên thì biết.

Nếu chúng ta không có quyền kiểm soát tài sản của chính chúng ta, thì chúng ta không thực sự sở hữu nó. Chúng ta chỉ là những kẻ nông dân thời đại kỹ thuật số, chỉ có thể sử dụng những vật dụng mà chúng ta đã mua và trả tiền theo mong muốn chủ quan của những kẻ địa chủ thời đại kỹ thuật số.

Mặc dù vậy, vẫn còn có những hy vọng. Những xì-căng-đan tiết lộ dữ liệu người dùng, ngay sau khi bị phơi bày, đã nhanh chóng trở thành cơn ác mộng PR với những công ty bị phát hiện. Và ở Mỹ, cả hai đảng lớn trong quốc hội đều đang nghiêm túc xem xét những dự luật “quyền được sửa chữa” để khôi phục lại quyền sở hữu chân chính của khách hàng.

Về phía người dùng, điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng hơn về quyền sở hữu của mình, phủ định những gì mà các công ty ăn cắp dữ liệu kia đang làm và muốn làm, mạnh mẽ thực thi quyền sử dụng, quyền sửa chữa và quyền thay đổi những tài sản thông minh của chúng ta, và ủng hộ những nỗ lực củng cố quyền lợi ấy. Có như vậy, tương lai mới lưu lại hy vọng cho chúng ta.

Joshua A.T. Fairfield, Giáo sư luật ở ĐH Washington và Lee/TheConversation.com
Hạ Chi biên dịch

Joshua A.T. Fairfield

Published by
Joshua A.T. Fairfield

Recent Posts

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

11 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

35 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago