Các nhà khoa học Nhật Bản đang tiến hành các nghiên cứu để làm sáng tỏ bí ẩn về một xác ướp 300 năm tuổi có hình dạng “mặt người” và đuôi cá.
Cụ thể, sinh vật bí ẩn dài khoảng 31 cm được cho là đã mắc vào lưới của ngư dân ở Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo Shikoku của Nhật Bản, từ năm 1736 đến năm 1741, và hiện được lưu giữ trong một ngôi đền ở thành phố Asakuchi. Với khuôn mặt nhăn nhó, hàm răng nhọn, hai tay, tóc trên đầu và lông mày, nó có hình dáng giống người nếu không tính phần thân dưới giống cá, theo tờ The Sun.
Hiện các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki đã đưa xác ướp đi quét CT với nỗ lực làm sáng tỏ những bí mật của nó.
Hiroshi Kinoshita thuộc Hiệp hội Văn hóa Dân gian Okayama, người đứng đầu dự án, cho biết rằng sinh vật kỳ bí này có thể mang nhiều ý nghĩa về mặt tín ngưỡng.
Theo ông, người cá ở Nhật Bản được xem là có mối liên quan đến truyền thuyết về sự bất tử. Người ta nói rằng nếu ai ăn thịt của người cá, người đó sẽ không bao giờ chết.
“Có một truyền thuyết ở nhiều vùng của Nhật Bản rằng một người phụ nữ đã vô tình ăn thịt của một người cá và sống được 800 năm. Truyền thuyết tên ‘Yao-Bikuni’ này cũng được lưu giữ gần ngôi đền nơi xác ướp người cá được tìm thấy. Tôi nghe nói trong quá khứ một số người, tin vào truyền thuyết, đã từng ăn vảy của xác ướp người cá này”, ông Kinoshita nói.
Tuy nhiên, theo ông, cũng có một truyền thuyết nói rằng người cá là điềm báo cho sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm.
Một lá thư lịch sử đề năm 1903, dường như được viết bởi một chủ sở hữu cũ của xác ướp, đã ghi lại một vài thông tin.
“Một người cá bị mắc vào lưới đánh cá ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Kochi. Những ngư dân bắt được nó không biết đó là người cá và mang nó đến Osaka và bán nó như một con cá bất thường. Tổ tiên tôi đã mua nó và giữ nó như một bảo vật của gia đình”, trích nội dung bức thư.
Không rõ làm thế nào hoặc khi nào xác ướp đến đền Enjuin ở Asakuchi. Nhưng linh mục chính, Kozen Kuida, cho biết nó đã được trưng bày trong tủ kính cách đây khoảng 40 năm và hiện được giữ trong hộp chống cháy.
Ông nói với tờ The Asahi Shimbun: “Chúng tôi đã tôn thờ nó, hy vọng rằng nó sẽ giúp mang lại phúc lành và giảm bớt sức tàn phá của đại dịch virus corona dù chỉ là một chút”.
Tuy nhiên, một số người có cái nhìn thực dụng hơn về xác ướp này. Họ cho rằng nó được thợ thủ công tạo ra vào thời Edo (1603-1867) để thỏa mãn tín ngưỡng thờ phụng người cá vốn phát triển vào thế kỉ 17 ở cả châu Á và châu Âu.
Người Babylon cổ đại tôn thờ một vị thần biển tên là Oannes. Ngài cư ngụ ở vùng biển Erythrean và dạy cho con người biết về nghệ thuật và khoa học. Ngày nay tại bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp), chúng ta có thể bắt gặp bức tranh sơn dầu từ thế kỷ 8, mô tả Thần Oannes trong hình tượng một Người cá nam – nam nhân ngư, nửa thân trên là của một người nam, nửa thân dưới là đuôi cá.
Trong tích cổ Trung Quốc, người cá còn được gọi là Giao Nhân Thiện Chức (hay giao nhân), nước mắt của sinh vật này có thể biến thành trân châu.
Trong “Sưu Thần Ký” – một cuốn sách ghi lại những trải nghiệm thần kỳ của tác giả, có ghi:
“Ngoài biển Nam Hải có Giao Nhân, sinh sống dưới nước như loài cá, thần kỳ ở chỗ có thể khóc ra trân châu”.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, còn tồn tại một sinh vật gọi là ningyo, được miêu tả là có miệng khỉ với hàm răng giống cá và cơ thể phủ đầy vảy vàng.
Các nhà khoa học cho biết sẽ tiến hành các bước kiểm tra tỉ mỉ và sẽ công bố các phát hiện của họ vào cuối năm nay.
Hoài Anh
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…