Trong hàng chục năm qua, nhiều nông dân và các nhà khoa học đã dũng cảm đi ngược lại với truyền thống nhằm tìm ra hướng đi mới cho canh tác nông nghiệp. Hướng đi được nhiều nông dân và các nhà khoa học đang theo đuổi, đó là canh tác theo mô hình nông nghiệp sinh thái.
Nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng nhất vì hiện nay nó đang nuôi sống hơn 7 tỷ người trên hành tinh. Tuy nhiên, không nhiều người trong chúng ta biết rằng nông nghiệp chính là một trong những hoạt động làm tổn thương Trái Đất nghiêm trọng nhất. Với thói quen và kỹ thuật canh tác cũ, nông nghiệp đã và đang giết dần Trái Đất và các hệ sinh thái trên Trái Đất.
Xa hơn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái được xem là phương thức trồng trọt cao nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái sử dụng những phương pháp cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái như trồng rừng, không làm đất (cày bừa), trồng đa canh, thuận theo tự nhiên…
Trong mô hình này, đất luôn được bồi đắp để luôn giàu dinh dưỡng mà không cần phân bón hóa học, người nông dân tự chủ, sống cùng hệ sinh thái và tận hưởng công dụng của nó một cách tự nhiên và bền vững nhất. Sản phẩm của họ được phân phối hoặc qua các kênh đặc biệt, hoặc thẳng đến các hộ gia đình, sao cho tránh áp lực từ vòng quay năng suất và giá cả của thị trường.
Tháng 2/2017, Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Mở TP. HCM đã giới thiệu đến những người quan tâm một bộ phim mang tên “Người nông dân sinh thái: Mắt xích cho một xã hội lành mạnh”, bộ phim giới thiệu về những mô hình nông nghiệp sinh thái thành công trên thế giới, chúng được chính những cá nhân, tổ chức đang dấn thân sống và thực hiện cách thức nông nghiệp mới này chấp nhận chia sẻ.
Có thể nói, đây là một bộ phim tuyệt vời được tổng hợp từ những video ngắn về các mô hình nông nghiệp sinh thái thành công trên thế giới. Người xem không khỏi ngỡ ngàng, tràn đầy cảm hứng và hy vọng trước những thông tin vô cùng hữu ích mà nó mang lại về quan điểm xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.
Trước khi xem video ở cuối bài viết, dưới đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn dễ nắm bắt hơn.
Ernst Gotsch là một nông dân – nhà nghiên cứu nông nghiệp người Thụy Sĩ. Ông đã dành hàng chục năm để nghiên cứu, thực hành nông nghiệp sinh thái và chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể sống dựa vào rừng và sản xuất lương thực từ rừng, đồng thời có thể bảo vệ rừng một cách hoàn hảo, thậm chí mô hình này còn giúp cải tạo các vùng đất đã thoái hóa và bạc màu.
Phương pháp của Ernst có tên là Syntropic Agriculture – tạm dịch “ Nông nghiệp Tương hợp Năng lượng”. Nó là các kỹ thuật tương tác trong nông nghiệp nhằm tạo ra sự cân bằng năng lượng tích cực trong toàn hệ thống. Đây là kỹ thuật làm vườn thâm canh kết hợp với lâm nghiệp. Điểm cốt yếu là kết hợp các loại thực vật với các khoảng cách và tầng khác nhau, sau đó là kỹ thuật cắt tỉa các loại cây thân gỗ, cây ăn quả. Việc cắt tỉa giúp mang các chất hữu cơ về cho đất một cách liên tục, mà không phải bổ sung bất cứ một chất hữu cơ nào từ bên ngoài.
Phương pháp của Ernst cho phép phục hồi đất thông qua việc sản xuất rau và trái cây. Lúc thu hoạch, đất trở nên tốt hơn, màu mỡ hơn khi mới bắt đầu canh tác.
Ernst cho rằng cách vận hành nông nghiệp truyền thống không tạo thuận lợi cho sự sống tự nhiên. Kết hợp nông lâm nghiệp giúp người nông dân hưởng lợi từ tính năng động của rừng, vốn là cỗ máy của hành tinh chúng ta, cho phép nó tuần hoàn và vận hành sự sống trên hành tinh thông qua mô hình nông lâm nghiệp.
“Khi hiểu cơ chế vận hành của tự nhiên như thế nào để áp dụng vào việc sản xuất lương thực, có nghĩa là chúng ta đã sử dụng công nghệ tự nhiên của Trái Đất và chúng ta trở thành một phần cơ chế vận hành của Trái Đất.”
Mô hình của Ernst không chỉ phù hợp với các vườn rừng nhỏ, ông đã hợp tác và vận hành thành công mô hình của mình với trang trại có diện tích lên đến 5.000 ha có tên là Fazenda Da Toca tại Brazil. Đây là minh chứng về khả năng sản xuất ở quy mô lớn của mô hình này. Nhiều học trò và cộng sự của Ernst đã ứng dụng rất thành công mô hình của ông ở khắp nơi trên thế giới.
Claude Bourguignon, một kỹ sư nông học của Pháp cho biết, có khi trong một tuần, toàn bộ các mẫu đất ông nhận được yêu cầu phân tích toàn là đất chết. Ông cho biết, ngành vi sinh học đất đã bị loại bỏ khỏi khắp các trường Đại học về nông nghiệp trên toàn thế giới từ năm 1986. Các kỹ sư nông nghiệp mới ra trường hiện nay không ai hiểu vi sinh vật trong đất hoạt động thế nào.
Soi dưới kính hiển vi, đất tự nhiên chứa hàng vạn côn trùng và vi sinh vật. Các sinh vật này khiến cho đất rất tơi, xốp, và ôxy có thể len vào rất sâu trong đất, đồng thời đất cũng trữ nước tốt. Chất thải và xác của các sinh vật cũng khiến cho đất trở nên rất giàu dinh dưỡng. Nhờ vậy, rễ cây có thể dễ dàng len lỏi đâm sâu xuống đất tự nhiên, hút lấy ôxy và chất dinh dưỡng để phát triển. Khi phun thuốc trừ sâu, người ta đã giết chết hết các côn trùng và vi sinh vật, đất trở nên mất hết dưỡng chất.
Theo Claude, việc cày xới khiến cho đất chết. Khi bị cày xới, lớp đất mặt bị phơi dưới ánh nắng mặt trời và trở nên khô. Đất đã bị cày trở nên bóng và láng, không khí không len được vào đất nữa. Đất bị cày xới trở nên cứng như bê tông, có thể mọc cả rêu, không còn độ xốp; khi bẻ đất, nó không vỡ vụn ra các hạt nhỏ như đất tự nhiên. Nhiều loại cây cối hiện nay rễ chỉ bò ngang mặt đất, thậm chí mọc ngược lên mặt đất để tìm chỗ thở vì đất bị cày xới trở nên quá cứng.
Claude cho biết:
“Bản thân đất là một thực thể sống tự nhiên. Khi không có con người tác động, tự nó đã có cấu trúc rất đẹp và giàu dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Đất không cần phân hóa học, không cần cày xới, đất chỉ đòi có cây để nó nuôi lớn”.
“Khoa học nông nghiệp làm chúng ta tưởng rằng nếu không có phân bón hóa học thì tất cả chúng ta sẽ chết đói. Cho rằng không có phân bón thì cây không thể sống được là tuyên truyền, là nhồi sọ.”
Để giải quyết việc này, Claude và vợ là Lydia đã xây dựng quy trình kích hoạt sinh học của đất và mong muốn phổ biến điều đó đến mọi người nông dân. Ông cho trồng hàng rào các cây thân gỗ xung quanh vườn. Ông không cho cày xới các khu vườn. Ngược lại, ông cắt cành cây của hàng rào thành các đoạn 5cm, rải xuống đất, tạo thành một lớp thảm phủ trên bề mặt đất. Lớp thảm này giúp giữ ẩm cho đất, làm tổ cho các sinh vật trong đất, đồng thời đất cũng trở nên sạch sẽ và không có cỏ mọc trong đó. Lớp thảm bảo vệ bề mặt đất cũng cho phép các nông dân gieo hạt trực tiếp lên lớp thảm, hạt có thể nảy mầm trong đó.
Cánh đồng 8.000 ha của Antonesi Semen, nông dân tại vùng Ctakobe, Ukraine là một ví dụ cho phương pháp mà Claude theo đuổi. Đã hơn 30 năm nay, Antonesi canh tác trên cánh đồng 8.000 ha với 3 nguyên tắc: không cày xới, không bón phân hóa học, chỉ bón phân chuồng hữu cơ và luân canh để cho đất nghỉ ngơi. Cánh đồng của ông luôn cho năng suất cao hơn các cánh đồng khác canh tác theo phương pháp truyền thống.
Ngoài 2 câu chuyện trên, còn nhiều câu chuyện thú vị khác về xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái được trình bày trong bộ phim như khai thác hiệu quả nguồn nước tiểu của con người nhằm thay thế cho phân vô cơ vốn sản xuất từ các mỏ tự nhiên sắp cạn kiệt, hay phân phối trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp sinh thái đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, tất cả chúng đều hướng đến mục đích chia sẻ thông tin, khuyến khích nông dân mạnh dạn tạo ra một mô hình nông nghiệp kết hợp hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giúp người nông dân trở nên hạnh phúc hơn khi canh tác trên chính đồng ruộng của mình.
Cũng nói thêm, mô hình nông nghiệp sinh thái này cũng chính là điều mà nhà nông học Masanobu Fukuoka đã trình bày trong quyển sách nổi tiếng Cuộc cách mạng một-cọng-rơm. Trong đó, ông đề xuất phương pháp rải rơm rạ trở lại ruộng lúa sau khi thu hoạch để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Ông đã thu được năng suất kỷ lục cho đại mạch và hắc mạch khi gieo trồng theo 4 nền tảng như sau:
“Đối với người nông dân trong công việc của mình: hãy phụng sự tự nhiên rồi mọi chuyện đều sẽ đâu vào đó. Làm nông đã từng là công việc thiêng liêng. Khi nhân loại rời xa khỏi lý tưởng này là khi nền nông nghiệp thương mại hiện đại bắt đầu. Khi người nông dân bắt đầu trồng cây để kiếm tiền, ông ta đã quên mất những nguyên tắc thực sự của nông nghiệp.” – Masanobu Fukuoka
Thiện Tâm
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…