Dù có chiều dài gần 7.000 km, nhưng điều kỳ lạ là sông Amazon không có cây cầu nào bắc qua. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ các yếu tố như nhu cầu xây dựng không đủ lớn, thách thức về chi phí và kỹ thuật.
Sông Amazon là sông dài thứ 2 trên thế giới và một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất hành tinh. Dòng sông này có thể tích trữ nước ngọt lớn hơn bất kỳ sông nào khác, là ngôi nhà của các loài cá heo sông lớn nhất thế giới cũng như 100 loài cá điện (electric fish) và 60 loài cá piranha. Dẫu vậy, không có cây cầu nào bắc qua sông Amazon. Nó chảy qua 3 quốc gia (Peru, Colombia và Brazil) với hơn 30 triệu người sinh sống ở lưu vực sông, theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), do đó việc trên sông không có cây cầu nào được xem là điều rất khó tin.
Khi so sánh với nhiều dòng sông nổi tiếng khác, chỉ tính riêng ở Cairo, có 9 cây cầu bắc qua sông Nile và hơn 100 cây cầu được xây trên sông Dương Tử (Trường Giang) ở châu Á trong 30 năm qua. Trong khi chỉ dài bằng 1/3 sông Amazon, sông Danube ở châu Âu có tới 133 cây cầu.
“Nhu cầu để xây cầu trên sông Amazon là không đủ lớn”, Walter Kaufmann, người phụ trách mảng Kỹ thuật công trình ở Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH) tại Zurich, cho hay.
Trong phần lớn tổng chiều dài 6.920 km, sông Amazon uốn quanh những khu vực dân cư thưa thớt, đồng nghĩa với việc có rất ít trục đường chính để kết nối với bất kỳ cây cầu nào. Tại những thành phố và thị trấn ven sông, thuyền và phà là các phương tiện chính để chở hàng hóa và người dân từ bờ này sang bờ kia. Do đó, nhu cầu xây dựng cầu là không thực sự cấp thiết.
Bên cạnh đó, ông Kaufmann cho biết rằng việc xây cầu cũng gắn liền với khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như hậu cần. Sông Amazon không phải địa điểm lý tưởng đối với nhà thầu do có hàng loạt chướng ngại vật tự nhiên mà kỹ sư và công nhân xây dựng cần phải vượt qua.
Chẳng hạn, những đầm lầy rậm rạp và đất mềm sẽ đòi hỏi cầu dẫn phải rất dài và phần móng rất sâu, dẫn tới việc tiêu tốn khoản chi phí khổng lồ. Ngoài ra, vị trí của dòng sông thay đổi qua các mùa, cùng với sự khác biệt rõ rệt về độ sâu cũng khiến quá trình xây dựng trở nên đặc biệt khó khăn. Đó là bởi mực nước sông dâng lên và hạ thấp trong năm.
Dẫu cho những vấn đề trên cũng tồn tại ở nơi khác, nhưng ở sông Amazon, vấn đề lại đặc biệt trầm trọng. “Môi trường ở Amazon chắc chắn thuộc hàng khó khăn nhất thế giới. Việc xây cầu bắc qua sông là điều rất thách thức nếu mực nước sâu, nhưng ít nhất quá trình xây dựng sẽ khả thi nếu sử dụng cầu phao”, ông Kaufmann nói.
Tuy nhiên, cầu phao không phải giải pháp hiệu quả ở phần lớn các khúc sông Amazon do dòng sông này chịu ảnh hưởng nhiều của biến động theo mùa, khiến độ phức tạp tăng lên. Ví dụ, vào mùa khô từ tháng 6 đến tháng 11, độ rộng trung bình của sông Amazon là 3,2 – 9,7 km trong khi vào mùa mưa từ tháng 12 đến tháng 4, dòng sông có thể mở rộng tới 48 km và mực nước cao hơn 15 m so với mùa khô, theo Britannica.
Dù không có cây cầu nào trên sông Amazon, nhưng có một cây cầu bắc qua sông Negro, phụ lưu chính của nó. Với tên gọi Ponte Rio Negro, hoàn thành vào năm 2011, nối liền Manaus và Iranduba, đây là cầu lớn duy nhất bắc qua phụ lưu sông Amazon.
Dù chưa có kế hoạch xây cầu ở Amazon một cách cụ thể, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra, theo ông Philip Fearnside, nhà sinh vật học và chuyên gia bảo tồn người Mỹ. Hồi năm 2019, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết rằng ông muốn xây một cây cầu trên sông Amazon trong dự án Rio Branco. Tuy nhiên, ông Fearnside cho rằng chi phí xây cầu sẽ rất tốn kém so với lợi ích kinh tế mà công trình đem lại.
Phan Anh
Người dân ca ngợi anh thợ sửa xe cứu 3 người đi xe máy mất phanh trên đèo Tam Đảo
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…