Ngày 12/01 vừa qua, sau hơn 40 năm ngừng hoạt động, núi lửa Taal (cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 65km) đã “thức giấc” và phun trào trở lại. Kết quả là, có rất nhiều khói bụi thải ra bầu khí quyển và tạo thành cột khói khổng lồ cao chừng 10km hướng thẳng lên trời, xen lẫn sấm chớp kinh hoàng, kèm theo đó là nguy cơ xuất hiện sóng thần.
Những người dân sống xung quanh khu vực núi lửa Taal đã được lệnh di tản sau khi cảnh báo khẩn cấp được nâng lên mức 4/5, tức là vụ phun trào nguy hiểm có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài ngày. Vào ngày 13/01, ngọn núi lửa Taal bắt đầu phun nham thạch đỏ. Theo Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu rủi ro Thiên tai Quốc gia của Philippines, khoảng 8.000 cư dân đã phải sơ tán khỏi đảo, trong đó có chừng 6.000 người đã ra khỏi khu vực nguy hiểm vào tối ngày 12/01.
Cư dân mạng đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh và video cho thấy mức độ phun trào cũng như sấm sét liên tục trên tro bụi của núi lửa Taal:
>> Úc: Bầu trời chuyển đỏ khi bão lửa tới gần thị trấn ven biển
Tuy nhiên, theo Sonja Behnke, nhà nghiên cứu núi lửa tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ), hiện tượng sét đánh trên miệng núi lửa, còn được gọi là sét núi lửa (volcanic lightning), không phải là điều gì xa lạ. Trên thực tế, bà đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng trên ở một số nơi như Iceland và Nhật Bản.
Trước tiên, tro bụi núi lửa cần phải mang điện tích. Khi một ngọn núi lửa phun trào (khác với những vụ phun trào dung nham nhẹ như đã xảy ra ở núi lửa Hawaii), nó phóng ra các hạt đá nóng chảy (còn gọi là “magma”) vào không khí, qua đó tạo thành tro bụi núi lửa.
Trong các cột tro bụi này, hàng tỷ hạt magma bắt đầu va chạm, cọ xát với nhau và tạo ra những hạt mang tích điện. Quá trình trên tương tự như việc tạo ra điện tích bằng cách cọ xát chiếc tất lên thảm. “Tro bụi sẽ được tích điện khi núi lửa phun trào,” bà Sonja Behnke cho biết.
>> Núi lửa phun trào ở nhiều nơi: Điều gì đang xảy ra trong lõi Trái Đất?
Nhà khoa học khí quyển Adam Varble, nhà nghiên cứu về giông bão tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương cho hay: “Về cơ bản sét núi lửa và sấm sét trong các đám mây bão đều hình thành do sự va chạm của các hạt.” Trong các đám mây bão, chỉ có các hạt băng va vào nhau để tạo ra các điện tích, còn trong hiện tượng sét núi lửa thì là sự cọ xát giữa các hạt magma.
Sau đó, để có được những tia sét, các hạt tích điện cần tách ra thành các vùng khác nhau trong cột tro bụi núi lửa. Trong cột tro bụi hỗn loạn, các hạt có kích thước khác nhau sẽ rơi xuống với tốc độ khác nhau, từ đó tạo ra các vùng hạt tích điện khác nhau – vùng điện dương hoặc điện âm.
Khi có hai vùng hạt tích điện trái dấu, khoảng không gian ở giữa trở thành một điện trường, cho phép điện truyền qua không khí. Đây là cách mà những chùm tia sét xuất hiện trong tro bụi núi lửa hoặc đám mây bão.
Những tia sét (trong các ngọn núi lửa hay đám mây bão) đều rất mạnh, có thể mang điện tích đến hàng tỷ vôn.
Núi lửa Taal đã tạo ra rất nhiều sét. Nguyên nhân có thể là do các hạt bay lên rất cao trong không khí và sau đó bị đóng băng và tích nước. Điều này có nghĩa là các hạt tích điện vừa là magma vừa là băng, từ đó khiến cho các chùm sét xuất hiện nhiều trong cột khói tro bụi núi lửa Taal.
Trên thực tế, núi lửa Taal đã phun trào hơn 30 lần trong 5 thế kỷ qua, lần gần nhất là vào năm 1977. Năm 1911, một vụ phun trào đã giết chết 1.500 người, còn vụ phun trào diễn ra vào năm 1754 đã kéo dài trong nhiều tháng. Dù sự việc này khiến cho nhiều người phải di tản, nó cũng giành được sự chú ý của khách du lịch bởi cảnh tượng kỳ vĩ hiếm có.
Theo Mashable,
Phan Anh tổng hợp
Lượng mưa tại đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong vòng 48 giờ qua…
Phó Tổng thống Kamala Harris đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi thua…
CEO của TikTok gần đây đã liên hệ với chủ sở hữu của nền tảng…
Ngay cả những người được coi là anh hùng trong mắt thiên hạ, có thành…
Nguyễn Hữu Đạo là bậc danh y kỳ tài. Ông để lại 2 bộ sách…
Mới đây, một bác sĩ của Bệnh viện Trung ương số 3 Thiên Tân đã…