Bộ Y tế Ấn Độ đã xác nhận trường hợp một cậu bé 12 tuổi tử vong tại bang Kerala vào hôm 5/9 vừa qua sau khi bị nhiễm virus Nipah, theo hãng tin Straits Times. Bệnh nhân nhập viện 1 tuần trước đó vì sốt cao. Khi tình trạng của bé xấu đi và các bác sĩ nghi ngờ em bị viêm não, họ đã gửi mẫu máu của bệnh nhân tới Viện Virus học Quốc gia. Các xét nghiệm tại đây xác nhận cậu bé nhiễm virus Nipah.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa khu vực trong vòng bán kính 3 km xung quanh nhà bệnh nhân và kiểm tra những người có triệu chứng ở tất cả các quận lân cận của bang Kerala. Giới chức bang Kerala đã mở chiến dịch truy vết, cách ly và xét nghiệm những người tiếp xúc.
Tính đến ngày 6/9, có 2 nhân viên y tế đã xuất hiện triệu chứng nhiễm virus Nipah và 188 người khác được xác định tiếp xúc với cậu bé, trong đó 20 người được xem là có nguy cơ lây nhiễm cao, chủ yếu là các thành viên trong gia đình bệnh nhân. Họ đang được cách ly nghiêm ngặt hoặc nhập viện
Người đứng đầu cơ quan y tế bang Kerala Veena George cho biết số người tiếp xúc có thể gia tăng vì cậu bé đã được chuyển viện nhiều lần.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 năm xuất hiện một đợt bùng phát virus Nipah được ghi nhận ở bang Kerala, nơi cũng đang quay cuồng với tỉ lệ nhiễm COVID-19 cao. Đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ tháng 5/2018, sau khi virus Nipah cướp đi sinh mạng của 17 người trong cùng một quận ở Kerala.
Virus Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Sự lây truyền thường xảy ra khi con người tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc thông qua việc tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, một số lượng lớn các trường hợp Nipah lây truyền từ người sang người cũng đã được báo cáo. Người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi và buồn nôn. Người bệnh sau đó bị phù não, dẫn đến buồn ngủ, lú lẫn, có thể hôn mê và tử vong.
Chủng này được phát hiện lần đầu tại Malaysia vào năm 1998, gây bệnh nghiêm trọng cho cả động vật và người.
Mặc dù virus Nipah được coi là ít lây lan hơn COVID-19, nhưng tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus Nipah cao hơn nhiều, từ 40% đến 75%. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa hoặc vắc-xin đối phó với virus Nipah và bệnh nhân chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm: