Vì sao Bắc Kinh sợ thế giới biết sự thật virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm?
- Thành Dung
- •
Sau khi đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người trên thế giới thiệt mạng thì các phòng thí nghiệm nghiên cứu về dơi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành tâm điểm chú ý. Có chuyên gia nhận định, nếu sự thật về COVID-19 cho thấy lỗi là do chính quyền Bắc Kinh thì điều đó có thể trở thành nỗi nhục nhã của người Trung Quốc, đe dọa đến sinh mệnh của ĐCSTQ.
Ông Jasper Becker, nhà văn và cũng là phóng viên, đã làm việc ở Trung Quốc trong 25 năm, chỉ ra những vấn đề lỏng lẻo trong công tác an toàn của các cơ sở nghiên cứu sinh học tại nước này, cho thấy khả năng cao COVID-19 đến từ các phòng thí nghiệm như vậy. Mặc dù ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy virus là nhân tạo, nhưng ĐCSTQ đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Tạo ra số lượng lớn động vật đột biến
Ngày 6/6, Becker đã công bố bài viết dài trên tờ Sunday Post, cho biết tại “thành phố mùa xuân” Côn Minh của Trung Quốc có một phòng thí nghiệm mà ở đó các nhà khoa học thường tạo ra các gen đột biến trên phôi khỉ, loại khỉ đó khi sinh ra sẽ già đi rất nhanh. Loại thí nghiệm này để phục vụ nghiên cứu các bệnh ở người như bệnh tự kỷ, ung thư, bệnh Alzheimer và chứng thoái hóa cơ bắp.
Tại một thành phố khác của Trung Quốc là Vũ Hán, nơi sinh ra đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã tạo ra hơn 1000 động vật biến đổi gen, bao gồm cả khỉ và thỏ. Các động vật trong phòng thí nghiệm cũng đã được tiêm virus biến đổi gen, một số virus rất giống với thứ gây ra dịch bệnh COVID-19.
Thực tế là Trung Quốc được biết đến là nơi mà chính quyền khuyến khích một cách liều lĩnh, hoặc ít nhất là dung túng cho các thí nghiệm mà cộng đồng quốc tế xem là “nhạy cảm”. Đặc biệt từ khi công nghệ sinh học toàn cầu bắt đầu bùng nổ, giới nghiên cứu Trung Quốc dường như đã mạo hiểm hơn khi triển khai các nghiên cứu bị hầu hết các nước phương Tây xem là trái đạo đức trong những nghiên cứu thử nghiệm trên động vật và thậm chí cả con người.
Bí mật lớn đằng sau những nghiên cứu đó một phần là do Trung Quốc quyết tâm đạt được lợi thế thương mại trong lĩnh vực tiềm năng rất có lợi nhuận. Nhưng cũng có lý do khác nham hiểm hơn: phần lớn công việc được giám sát bởi PLA (quân đội ĐCSTQ), họ quan tâm đến hai lĩnh vực: (1) bất kỳ biến đổi gen nào có thể tạo ra những người lính tốt hơn, và (2) vi sinh vật có thể sử dụng chỉnh sửa gen để tạo ra vũ khí sinh học mới.
Phòng thí nghiệm sinh học không an toàn
Các phòng thí nghiệm của Trung Quốc được cho là đảm bảo an toàn sinh học, nhưng việc tiếp xúc động vật sống có những thách thức an toàn khó lường. Như khỉ có thể chạy lung tung, cắn và vồ người, không như mầm bệnh được giữ trong ống nghiệm. Chúng cũng bài tiết, có ký sinh trùng, có thể bong tróc da và rụng lông. Tất cả những thứ này đều gây nguy cơ bị ô nhiễm.
Một bài báo được xuất bản bởi hai học giả Trung Quốc có tựa đề “Nguồn gốc có thể có của 2019-nCoV virus Corona” cho biết rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán nuôi nhốt các động vật ốm yếu trong phòng thí nghiệm của họ, bao gồm 605 con dơi. Bài viết cũng nhắc đến có trường hợp dơi đã từng tấn công một nhà nghiên cứu, cho biết “da của nhà nghiên cứu dính máu dơi”.
Có bài báo khác của Trung Quốc mô tả cách một nhà nghiên cứu ở Vũ Hán bắt dơi trong hang mà không có biện pháp bảo vệ, khiến nước tiểu dơi chảy ra từ đỉnh đầu như những giọt mưa.
Còn có một tai nạn trong phòng thí nghiệm vào tháng 12/2019 đã khiến 65 nhân viên của Viện Nghiên cứu Thú y Lan Châu bị nhiễm brucellosis, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra mệt mỏi, ớn lạnh và đau khớp. Có thể mất vài tháng để điều trị.
Tháng 1/2020, Lý Ninh, một nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc, đã bị kết án 12 năm tù vì bán động vật thí nghiệm cho thị trường thực phẩm địa phương.
Mọi người lo ngại về vấn đề lỏng lẻo công tác an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu ở Trung Quốc, đến nỗi người đứng đầu về an toàn sinh học tại Viện Virus học Vũ Hán là giáo sư Viên Chí Minh (Yuan Zhiming) đã viết một bài báo cho tạp chí “An Toàn Sinh Học” (Journal of Biosafety and Biosecurity) chỉ rõ công tác bảo đảm của phòng thí nghiệm thường yếu kém khiến khó xác định để giảm thiểu các mối nguy tiềm ẩn về an toàn.
Vấn đề an toàn đó lớn đến mức trước khi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được khai trương, các cộng tác viên người Pháp đã rút khỏi dự án. Một báo cáo từ Pháp chưa được kiểm chứng cho biết, nhân viên đã sử dụng chất tẩy trắng làm sạch vòi hoa sen, khiến một số vỏ thép không gỉ bị ăn mòn, khiến khóa khí bị rò rỉ và gây tắc hệ thống xử lý nước thải.
Thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là đáng tin cậy
Chuyên gia về dơi nổi tiếng nhất của Trung Quốc là nhà virus học Thạch Chính Lệ, người thường đi thực địa tại các hang động hẻo lánh. Năm 2015, bà đã đồng xuất bản một bài báo về virus corona dơi trên tạp chí Natural Medicine chỉ ra khả năng loại virus này truyền nhiễm ở người.
Bài báo này mô tả những nỗ lực của nhóm bà ấy nhằm tạo ra một loại virus từ dơi móng ngựa có khả năng lây nhiễm cao nhắm vào đường hô hấp trên của con người. Tiếp theo, họ thử thí nghiệm với một con chuột sống để xem liệu virus nhân tạo có thể xâm nhập vào phổi của chuột và lây nhiễm cho nó hay không. Và thực tế họ đã làm. Họ kết luận rằng điều này chứng tỏ virus SARS từ dơi có thể lây nhiễm sang người.
Như đã biết, bà Thạch Chính Lệ đã tiến hành các thí nghiệm trên virus thông qua việc ghép gen. Lý do là chúng tái tạo sự đột biến nhanh chóng của virus trong tự nhiên, mục đích của nghiên cứu để tạo cơ sở nhằm có thể chế tạo được loại vắc-xin hiệu quả.
Nhưng giới phê bình cho rằng không chỉ Trung Quốc mà các phòng thí nghiệm tương tự ở Mỹ và các nơi khác có thể tạo ra một loại virus Frankenstein ngoài khả năng con người có thể kiểm soát, gây ra một tình huống giống như đại dịch COVID-19.
Tiềm năng của việc sử dụng virus này như một vũ khí sinh học hủy diệt là rõ ràng, đặc biệt nếu bên tạo ra là nơi duy nhất có vắc-xin kiểm soát được. Nhưng điều đáng lo ngại là hầu hết nghiên cứu này, bao gồm tất cả các công trình đã được công bố sử dụng virus corona dơi sống không phải là SARS, cũng không phải MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), đều được triển khai trong các phòng thí nghiệm với độ an toàn sinh học ít nghiêm ngặt hơn. Hậu quả có thể đoán trước được.
Cho nên khả năng SARS hoặc COVID-19 thoát khỏi các phòng thí nghiệm y sinh với mức độ an toàn sinh học quá thấp là rất cao.
Năm ngoái, số phòng thí nghiệm như vậy đã hoạt động ở Trung Quốc là gần 90 phòng. Tiêu biểu như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán chỉ cách chợ đồ tươi sống của thành phố Vũ Hán có 300 mét, thành phố đã được ĐCSTQ coi là trung tâm của đại dịch.
Nhưng thực tế là khoa học không ủng hộ giả thuyết rằng đại dịch bắt đầu từ thị trường đồ tươi sống. Một cuộc điều tra cho thấy những người buôn bán ở chợ này không bán dơi (được cho là nguồn virus). Ngoài ra, chỉ có khoảng 20% những người đầu tiên có kết quả dương tính với COVID-19 đã từng tiếp xúc với thị trường đó.
Tuy vậy, cũng hoàn toàn có lý khi cho rằng vào đầu đại dịch, những con dơi bị nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán được nuôi trong Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán hoặc Viện Virus Vũ Hán. Cũng có thể nói rằng tiêu chuẩn an toàn của hai tổ chức này không cao.
Về đại dịch COVID-19, một điều chắc chắn là giới chức Chính phủ Trung Quốc đã nói dối về nguồn gốc, sự lây lan và tác động của loại virus này.
Nghi vấn về kế hoạch vũ khí sinh học của ĐCSTQ
Sau đại dịch SARS năm 2003, Viện Virus học Vũ Hán, một tổ chức trước đây ít người biết đến, trực thuộc trường đại học của thành phố Vũ Hán, đã được đẩy lên một vị trí nổi bật trên toàn thế giới. Nhưng trong nhiều năm, giới chức tình báo các nước như Pháp và Mỹ đã rất nghi ngờ mục đích thực sự của nó. Sau khi dịch SARS bùng phát, viện nghiên cứu này đã thành lập một bộ phận mới để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, giao cho bà Thạch Chính Lệ đứng đầu.
Phòng Thí nghiệm Virus Vũ Hán ban đầu là một dự án hợp tác Trung-Pháp, được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học ở mức cao nhất, mặc dù cơ quan mật vụ Pháp vô cùng băn khoăn và cảnh báo rằng cơ sở này có mục đích kép. Nói cách khác, nó có thể được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học, nhưng cũng có thể được sử dụng cho nghiên cứu dân sự.
Thực tế, ông Dany Shoham – một chuyên gia người Israel nghiên cứu về kế hoạch chiến tranh sinh học của Trung Quốc – đã cảnh báo Viện Virus học Vũ Hán là một tổ chức vừa dân sự vừa quân sự, thậm chí ông còn tin rằng dịch SARS năm 2003 là sự rò rỉ không chủ ý của virus trong kế hoạch chiến tranh sinh học bí mật của ĐCSTQ.
Ngoài việc nghiên cứu virus từ dơi, Chính phủ Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới, bao gồm Ebola, Nipah, Marburg, virus gây sốt Lhasa và bệnh xuất huyết Crimean-Congo. Trong khi những căn bệnh đó hiếm khi đe dọa người Trung Quốc, vậy còn những nguyên nhân nào khác?
Để đối phó với sự bùng phát của virus Ebola ở Tây Phi, ĐCSTQ đã cử hàng trăm chuyên gia đến giúp ngăn chặn sự lây lan của nó. Một số chuyên gia này đến từ Vũ Hán, còn chủ nhiệm nhiệm vụ là Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei) của PLA, bà ta là Viện trưởng Viện Kỹ thuật sinh học của Học viện Khoa học Quân y, có thể phụ trách chiến tranh sinh học.
Đương nhiên người ta nghi ngờ về việc sử dụng kép vũ khí sinh học kết hợp nghiên cứu khoa học ở Vũ Hán.
Tháng 7/2019, khi nhà khoa học sinh ra ở Trung Quốc là Khưu Hương Quả (Qiu Xiangguo) và chồng của cô ta là Trình Khắc Định (Cheng Keding) được hộ tống ra khỏi Phòng thí nghiệm vi sinh vật quốc gia Canada nơi họ làm việc, thì những quan tâm đã leo thang. Theo thông tin, họ đã bí mật buôn lậu các mẫu virus Ebola và Nipah trở lại Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2017 và 2018 họ đã đến Vũ Hán ít nhất 5 lần.
Điều khó hiểu là động cơ buôn lậu virus vào Trung Quốc, bởi vì các nhà khoa học Trung Quốc đã có mẫu virus Ebola. Nhưng Trung Quốc thường bắt chước Liên Xô, nước có chương trình vũ khí sinh học gọi là Biopreparat, lấy nghiên cứu cúm làm vỏ bọc. Do đó, hoàn toàn có thể tưởng tượng được rằng Trung Quốc sử dụng các cơ quan như Viện Virus học Vũ Hán làm vỏ bọc để tiến hành nghiên cứu vũ khí sinh học.
Được biết, Viện Nghiên cứu Vũ Hán đã thành lập một thư viện vi sinh vật gây bệnh gồm ít nhất 1500 loại virus, đã trở thành “phòng thí nghiệm tham chiếu” của Tổ chức Y tế Thế giới: một phần quan trọng của mạng lưới phòng thí nghiệm an toàn sinh học toàn cầu. Nó cũng được phép chuyển ra khỏi khuôn viên trường đại học và đến một khu công nghiệp bên ngoài thành phố. Không thể tránh người ta tin rằng viện này có liên quan đến chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Một phần của chính sách sử dụng kép được che đậy có thể giúp giải thích tại sao giới chức Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ quan điểm SARS và COVID-19 lây lan qua thị trường đồ tươi sống: virus này được ký sinh trên dơi, mèo báo, và tê tê.
Quan trọng hơn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ngày 15/1 cho rằng họ tin Viện Virus học Vũ Hán thực hiện cả nghiên cứu dân sự và quân sự, do đó nhân viên của họ có thể bị ràng buộc kỷ luật quân sự. Họ cho biết: “Mặc dù Viện Nghiên cứu Vũ Hán là một tổ chức dân sự, nhưng Mỹ đã xác định rằng họ đã hợp tác với quân đội Trung Quốc trong các dự án bí mật và hoạt động xuất bản. Ít nhất là từ năm 2017 họ đã đại diện cho quân đội Trung Quốc tham gia vào các nghiên cứu mật, bao gồm cả thí nghiệm động vật”.
Khi quan chức Đại sứ quán Mỹ Rick Switzer đến thăm phòng thí nghiệm, ông đã tuyên bố trong một bản ghi nhớ ngày 19/4/2018 rằng nghiên cứu “cho thấy mạnh mẽ rằng virus corona giống SARS từ dơi có thể lây sang người và gây ra một loại bệnh như SARS”.
Nếu thế giới biết sự thật?
Thực tế là ĐCSTQ sẽ không bao giờ nhận trách nhiệm về việc tạo ra một loại virus mới và để rò rỉ ra ngoài gây ra đại dịch toàn cầu. Đến nay, đại dịch này đã làm hơn 3,5 triệu người chết.
Nếu ĐCSTQ dám thừa nhận, họ sẽ phải chịu một khoản bồi thường khổng lồ. Nỗi nhục quốc gia như vậy có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt 70 năm cầm quyền của họ. Thực tế, nó có thể gây ra cơn địa chấn chính trị thế giới, bắt đầu từ Trung Quốc và làm đảo lộn trật tự thế giới.
Một phần của lý do [không ít nhà khoa học] chống lại thuyết phòng thí nghiệm là do họ không ưa ông Trump và chính quyền Mỹ thời Trump. Nếu có sự lựa chọn giữa ủng hộ Trump hay ĐCSTQ, hầu hết các nhà khoa học đều công khai đứng về phía ĐCSTQ. Nhưng giờ đây, ông Trump trong tư cách Tổng thống Mỹ đi đầu có lập trường cứng rắn chống lại ĐCSTQ đã không còn làm tổng thống, người thay thế có thể tiếp tục các chính sách như trước đây.
Mặc dù ĐCSTQ đã công khai gây những tội ác khác, chẳng hạn như bỏ tù người Duy Ngô Nhĩ và các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, nhưng các tạp chí khoa học lớn chưa bao giờ bày tỏ quan điểm của họ về ĐCSTQ. Trong khi đó, những tờ như The Lancet, Nature, hay Science đều có bài xã luận gay gắt lên án Trump.
Ngoài ra, ngay cả khi các nhà lãnh đạo phương Tây thực sự bắt buộc điều tra nguồn gốc của virus, thì khả năng ĐCSTQ có thể làm thất bại bất kỳ cuộc điều tra nào là vô hạn. Lấy ví dụ về một nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán có thể là người đầu tiên nhiễm và thiệt mạng vì COVID-19, nhưng giới chức Trung Quốc đã loại bỏ mọi dấu vết về sự tồn tại của cô, họ cho biết cô ấy đã không còn làm việc tại viện từ năm 2015, nhưng năm 2018 trang web của Viện còn đăng tải hình ảnh có sự xuất hiện của cô.
Giờ đây, giới chức ĐCSTQ vẫn đang nỗ lực quảng bá thông điệp: Chúng tôi không có trách nhiệm về nguồn gốc COVID-19.
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Phòng Thí nghiệm Virus P4 Vũ Hán Viện Virus học Vũ Hán Nguồn gốc COVID-19 nguồn gốc virus corona