Năm 2016 qua đi với nhiều thăng trầm, để lại đằng sau lưng rất nhiều bài học. Đó không chỉ là bài học về thực tế cuộc đời mà còn là bài học về nhân sinh, về đạo đức. Có thể chúng chưa hẳn là chân lý, nhưng ở đời nhiều khi cũng có những sự trùng hợp không phải là ngẫu nhiên…
Lòng tin giữa người với người là một nhân tố cốt yếu làm nên xã hội văn minh. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, lòng tin ấy luôn gặp phải những thử thách có phần nghiệt ngã. Người ta đề phòng nhau âu cũng là vì một chữ “Tín” không được trọn vẹn. Vậy thì nhìn lại năm 2016 cả trong và ngoài nước, những chuyện đã qua đang nói với chúng ta điều gì?
Tháng 8 năm 2016 có thể được gọi là tháng khởi động vận đen của Samsung, một tập đoàn kinh tế hàng đầu, trụ cột của Hàn Quốc. Nhiều sự cố cháy nổ xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng vài tuần sau lễ ra mắt đầu tiên của chiếc Galaxy Note 7, sản phẩm chiến lược của Samsung.
Mặc dù vậy, Samsung đã có những động thái rất tích cực để giải quyết sự việc: các lãnh đạo liên tục công khai xin lỗi khách hàng; quyết định triệu hồi sản phẩm toàn cầu; các chính sách bồi hoàn, đổi mới, ưu đãi khi mua sản phẩm thứ hai; v.v.
Ngày 2/9, Samsung đã thông báo quyết định rất khó khăn là triệu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu, đổi mới hoặc bồi hoàn lại tiền cho người mua. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày kể từ khi tiến hành đổi mới sản phẩm, đã có hơn một triệu người đến đổi mới Galaxy Note 7 với pin an toàn. Tại Hàn Quốc, 80% sản phẩm lỗi được đổi trả, còn ở châu Âu và Mỹ, tỷ lệ này chưa tới 50% do nhiều người quyết định giữ lại thiết bị họ đã mua.
Trên thị trường chứng khoán, ngược với dự đoán của nhiều người, chiếc Galaxy Note 7 phát nổ đã không ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của Samsung. Chỉ có một đợt rung lắc vào ngày 12/9 khi cổ phiếu giảm xuống 666 USD. Ngay sau đó, giá cổ phiếu quay ngược lại tăng đều. Ngày 7/10, giá cổ phiếu Samsung đã chốt ở mức 763 USD, tăng 7.4% so với thời điểm ngày 1/9 trước khi bắt đầu công bố lệnh triệu hồi điện thoại Note 7 toàn cầu.
Nhưng chỉ một tin nhắn rò rỉ về thái độ không chân thành, Samsung đã mất nhiều tỷ USD giá trị cổ phiếu.
Câu chuyện bắt đầu từ việc vợ chồng Michael Klering ở Kentucky phát hiện chiếc điện thoại Galaxy Note 7 đã được thay pin của mình bốc cháy trong phòng ngủ vào lúc 4h sáng ngày 4/10, khiến khói tràn ngập trong phòng. Ông Michael Klering nhanh chóng đưa vợ đến phóng khám. Sau đó ông đã ho ra đờm đen và được chuẩn đoán là viêm phế quản vì khói.
Ông Klering đã thông báo với Samsung và nhận thấy nhân viên hãng rất tích cực giải quyết vấn đề. Mọi chuyện đã không có gì đáng nói nếu như ông Klering không vô tình nhận được một tin nhắn nội bộ trong các nhân viên Samsung với nội dung như sau: “Tôi đã hiểu. Tôi sẽ cố gắng ngăn ông ta lại nếu chúng ta cho rằng sẽ phát sinh vấn đề, hoặc tôi sẽ để ông ta thực hiện điều mà ông ta dọa sẽ làm và tôi sẽ quan sát.”
Sau khi đọc tin nhắn, ông Klering cảm thấy thực sự bị xúc phạm và bị lừa dối. Hóa ra thái độ của nhân viên hãng là giả tạo, chỉ nhằm mục đích cho yên chuyện chứ không hề thực sự nghĩ tới khách hàng.
Ngay sau khi tin nhắn này được đưa ra công luận, niềm tin trên thị trường về Samsung rung lắc. Giá cổ phiếu Samsung lao dốc không phanh. Ngày 12/10/2016, giá cố phiếu Samsung giảm 8.6%, xuống mức 670.5 USD, thiệt hại tới 19,3 tỷ USD. Đi kèm với cơn địa chấn đó là việc chiếc Note 7 của Samsung vẫn bốc cháy cho dù đã thay pin. Niềm tin vào Samsung đổ gục!
Tới tận thời điểm tháng 1/2017, bóng ma cuộc khủng hoảng Galaxy Note 7 vẫn bao trùm Samsung cũng như nền kinh tế Hàn Quốc…
“Hơn 80% mẫu nước mắm đóng chai có ít nhất 1 trong 5 tiêu chí hóa học không đạt so với tiêu chuẩn hoặc công bố trên nhãn hàng. Đặc biệt, có hơn 67% mẫu nước mắm chứa thạch tín (Arsen) vượt quá quy định của Bộ Y tế”, đây là thông tin được Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vinastas công bố vào chiều ngày 17/10.
Công bố của Vinastas đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, và điều nghiêm trọng hơn nữa là nó gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống. Trong bối cảnh này, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chuyển qua sử dụng những loại nước mắm hóa học, vốn là sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến bắt chước mùi vị. Một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua nước mắm truyền thống.
Tuy nhiên vào ngày 22/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhanh chóng công bố kết quả kiểm nghiệm nước mắm do đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT thực hiện. Kết quả cho thấy 100% các mẫu nước mắm không phát hiện Arsen vô cơ.
Lúc này thì người dân mới vỡ lẽ rằng, Arsen hữu cơ vốn có trong nước mắm từ bao đời nay, còn Arsen vô cơ mới chính là chất độc thạch tín. Vậy thì Vinastas đã đánh đồng, hay “đánh lận con đen” để làm gì? Đoàn anh tra liên bộ đã phát hiện sai phạm không chỉ trong quá trình lấy mẫu, xây dựng dự án, phê duyệt, mà đặc biệt còn cả trong việc Vinastas nhận tiền tài trợ nữa…
Vậy mà hơn 1 tháng sau, cho tới tận ngày 24/11, Vinastas mới chính thức gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất và kinh doanh nước mắm.
Người tiêu dùng đi về đâu? Nghề nước mắm truyền thống đi về đâu?
Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt bắt đầu xảy ra tại vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, và lan ra suốt một dải 200 km bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên – Huế. Miền Trung đối diện với một thảm họa môi trường lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống mưu sinh của hơn 200.000 người dân, trong đó có 41.000 ngư dân, và ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe của hàng triệu người.
Tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng, ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng. Doanh thu từ du lịch của khu vực giảm tới 90%. 154 loại hải sản trong vòng 13,5 hải lý gần bờ 4 tỉnh miền Trung bị đe dọa. Các nhà khoa học nhận định phải mất hàng trăm năm để khắc phục hoàn toàn ô nhiễm.
Cuộc điều tra sau đó cho thấy, nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này.
Nhưng điều đáng nói hơn là phản ứng của những “người trong cuộc”…
Thời gian đầu, một số người dân địa phương đã thu mua và đóng cá chết vào các thùng xốp để đưa đến các cơ sở làm nước mắm trên toàn quốc. Một số người thì sử dụng xe đông lạnh lén lút vận chuyển hải sản chết sang các địa phương khác tiêu thụ. Hàng trăm tấn cá không an toàn đã được thầm lặng đưa vào thị trường…
Cách thức xử lý của chính quyền sở tại cũng rất chậm chạp và thiếu trách nhiệm. Sự cố cá chết diễn ra gần 1 tháng, nhưng phải đến khi báo chí vào cuộc thì mọi sự mới được phơi bày. Các phóng viên báo chí đến thì không được tiếp cận hiện trường. Các thông tin ô nhiễm biển không được công bố. Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt được giải thích theo nhiều hướng rất mù mờ.
Về phía Formosa, Cựu Phó phòng đối ngoại của công ty này đã “hùng biện” với một câu hỏi gây sốc: “Chọn cá tôm hay chọn nhà máy?” Và câu hỏi đó đã dẫn tới việc ông ta bị đuổi việc. Lãnh đạo Formosa phải cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam và tuyên bố bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Tuy vậy, câu hỏi đáng lẽ nên đặt ra là: Bao giờ biển miền Trung mới hồi phục?
Dường như ở trong thảm họa lớn lao ấy, người ta không khỏi bối rối khi chẳng biết đặt niềm tin vào ai…
Từ đầu tháng 10, mưa lũ đã liên tiếp xả xuống các tỉnh miền Trung. Người dân, gia súc, hoa màu nơi đây oằn mình chống lũ. Trong mưa lũ, tình người trở nên gắn kết và ấm áp hơn bao giờ hết. Ngay sau khi những hình ảnh thương cảm về lũ lụt miền Trung được đăng tải, hàng triệu trái tim cộng đồng mạng đã đổ dồn về nơi ảnh hưởng thiên tai.
Trong tình cảnh đó, vào ngày 16/10, MC Phan Anh đã đứng ra kêu gọi gây quỹ cho đồng bào miền Trung. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ sau lời kêu gọi, tài khoản của MC Phan Anh đã gây quỹ được hơn 2 tỷ đồng. Số tiền huy động tổng cộng đã vượt trên 20 tỷ đồng và bản thân anh cũng đóng ghóp 500 triệu vào tiền quỹ. Ai ai cũng đều mừng vì bà con miền Trung được cả nước yêu quý và số tiền dù ít dù nhiều cũng có thể đỡ đần những hoàn cảnh éo le sau khi nước rút.
Nhưng thực tế đã không hẳn là vậy…
Ngay khi số tiền được công bố, không ít nhà báo đã dùng ngòi bút châm chích Phan Anh có vi phạm pháp luật hay không? Thậm chí có bị xử lý hình sự không? Rồi có người còn hoài nghi rằng: “Làm gì có sự tử tế đến vậy?”
Trong khi đó, ở vùng lũ, một sự kiện khác cũng diễn ra: Người dân nhận quà từ thiện từ một đơn vị kiện cán bộ thôn vì không nhận được đủ quà, vì bị thu lại quà để chia đều cho những người khác.
Một ý nghĩ chợt thoảng qua: Tại sao người ta không thể đối đãi với việc nhận hàng cứu trợ như những món quà, mà lại giống như đang đòi nợ? Tại sao người ta không tự nguyện chia sẻ quà cứu trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác?
Trong khi câu chuyện còn đang tiếp diễn thì lũ lại tiếp tục tràn về… Và lần này, ít người nhắc đến việc cứu trợ đồng bào miền Trung hơn trước…
Cuộc sống luôn có sự công bình, và khó nạn là để thử lòng người ta. Lấy tâm bình thản, đối đãi mọi sự bằng tấm lòng chân thành thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua. Nếu lừa dối, thủ đoạn, tranh giành, thì ắt sẽ làm mọi việc trở nên phức tạp, hại mình hại người, tự nhận lấy nhiều thiệt thòi chỉ vì thất “Tín”. Nếu ai ai cũng nhận ra được điều ấy thì có lẽ trời đã khác, đất đã khác, mọi việc sẽ đổi thay, giữa người với người sẽ lại là niềm tin yêu hy vọng. Vàng bạc châu báu đều không phải là kho báu thực sự, chỉ có nhân cách mới là bảo vật lớn nhất của đời người… Có lẽ những thăng trầm của 2016 đang nói với chúng ta điều ấy.
Tâm Như
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…