Bộ Công thương Việt Nam đề xuất giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày vì cho rằng sẽ bám sát diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới hơn.
Ngày 6/1, Bộ Công Thương gửi văn bản lấy ý kiến các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ này đề xuất chọn phương án giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và cố định vào thứ Năm hàng tuần, trừ 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, theo Việt Nam Net.
Đây là điểm khác trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Nghị định 95/2021 hiện quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Bộ Công thương đưa ra hai tình huống:
Phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi giá dầu thô có “biến động lớn”, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ thị cho liên Bộ Công thương – Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn.
Phương án 2, rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.
Bộ Công thương nêu quan điểm chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).
Nêu lý do chọn phương án này, Bộ Công thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Tuy vậy, Bộ Công thương cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày này cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10 – 15 ngày, nên khi thị trường bất ổn, việc này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, nhất là lúc chu kỳ giá đi xuống.
Trước đó, đối với thiếu hụt xăng dầu khi thị trường thế giới bất ổn, cơ quan điều hành cho biết Việt Nam dù có quy định nhưng thực tế chưa có kho dự trữ xăng dầu chiến lược (tách biệt với doanh nghiệp) như các quốc gia khác. Như Bộ trưởng Bộ Tài chính từng thừa nhận con số dự trữ xăng dầu quốc gia là một “ẩn số”.
Với tình hình chỉ sản xuất trong nước cộng với nhập khẩu đủ cho lưu thông, tiêu thụ trong thời gian ngắn, Việt Nam dễ bị tác động bởi những lúc thị trường dầu thô thế giới biến động mạnh như năm vừa qua. Đặc biệt là tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chiếm từ 25 – 30% lượng tiêu thụ, bên cạnh một nửa sản xuất trong nước cũng phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô như hiện nay.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…