Bộ Công thương-Tài chính: Lượng dự trữ xăng dầu bao nhiêu là một ‘ẩn số’
- Nguyễn Quân
- •
Giá xăng dầu bị đội theo hơn 33% thuế, phí; bất ổn về nguồn cung; tình trạng mơ hồ về lượng xăng dầu dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại… là hàng loạt vấn đề được bộc lộ trong phần giải đáp của hai Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Tài chính vào sáng 16/3. Người tiêu dùng và nền sản xuất đang chịu áp lực lớn trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao chưa từng có, vượt trên 30.000 đồng/lít.
Phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/3 “nóng” bởi liên tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các đoàn xoay quan vấn đề xăng dầu đối với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ Công thương: Nguồn cung không thiếu, thiếu vì ‘Nghi Sơn, ông ấy dừng đột ngột’ (!)
Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhiều lần khẳng định về tính ổn định của nguồn cung xăng dầu và mức giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh hiện nay, dù thừa nhận nguồn dự trữ có chu kỳ ngắn, và không trả lời được về lượng dự trữ xăng dầu hiện tại.
ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương hai câu hỏi: “Theo báo cáo, Việt Nam không có dự trữ quốc gia về xăng dầu. Đây có phải là nguyên nhân chính gây nên bất ổn về giá xăng dầu như hiện nay không? Bộ có đề xuất với Chính phủ về vấn đề này không?
Câu hai, Bộ đánh giá như thế nào về kế hoạch cung ứng và tiêu dùng xăng dầu trong thời gian qua. Để xảy ra tình trạng như hiện nay, Bộ đã lường đến trong xây dựng kế hoạch chưa, trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá xăng dầu như hiện nay.”
Trả lời, ông Diên khẳng định: “Đại biểu tiến nói không có dự trữ xăng dầu quốc gia – không phải. Chúng ta có dự trữ, nhưng lượng dự trữ của chúng ta là rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 5-7 ngày. Nhưng quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt, chứ không phải tung ra trong hoàn cảnh như hiện nay”.
Ông Diên cho hay trong báo cáo do Bộ Công thương gửi Quốc hội, Bộ này sẽ cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu để nâng mức dự trữ lên, đáp ứng được ít nhất 1-2 tháng, “bởi vì biến động giá như vừa qua thì rõ ràng phải vài tháng mới hy vọng nó lên hoặc xuống được”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, kế hoạch cung ứng xăng dầu hiện nay là điều hành theo kịch bản. Ông Diên cho hay mỗi tháng cần khoảng 2 triệu tấn xăng dầu. Số lượng này được xác định từ lượng xăng dầu tồn và lũy kế từ tháng trước cộng với năng lực sản xuất trong nước và thiếu bao nhiêu thì nhập về bấy nhiêu. Hiện bộ này đã nâng mức nhập khẩu khoảng 20-30% so với sản lượng bình thường cho nhu cầu phát triển và phục hồi kinh tế.
“Thế nhưng lại có tình trạng như đại biểu nói là có một vài thương nhân phân phối, một vài cửa hàng bán lẻ nói là không có hàng để lấy, thì như tôi nói rồi: Nghi Sơn, ông ấy dừng đột ngột. Đến giờ mới chỉ cam kết bằng miệng với văn bản, thì hôm nay nói vài ngày sau có thể thay đổi” – ông Diên nói.
Theo ông Diên, để nhập được xăng dầu về nước còn bao nhiêu thủ tục và mất bao nhiêu thời gian. “Cho nên, tôi khẳng định chúng ta chưa bao giờ thiếu nguồn, nhưng thiếu cục bộ là có, bởi vì đứt cục bộ trong một vài ngày”, ông Diên nhận định.
“Những thông tin bị đứt nguồn cung, hệ thống làm không đúng quy định là không có đúng. Chúng tôi dám khẳng định: Không bao giờ thiếu, kể cả tình huống các nhà máy trong nước không đảm bảo được, mà báo cáo trước, thì Chính phủ và Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu” – ông Diên khẳng định nguồn cung nhập khẩu là “ổn định”.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày là chưa phù hợp, khi giá thế giới giảm thì trong nước chưa giảm theo.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Diên nói theo Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83, điều hành giá xăng dầu giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày. Ông Diên Chu nhận định kỳ điều hành như này phù hợp với biến động chung của thị trường thế giới.
“Đại biểu Hòa nói là nó thay đổi từng ngày từng giờ, nhưng chúng ta chưa phải là một nền kinh tế thị trường đầy đủ” – ông Diên lý giải. “Chúng ta lại phải điều hành bằng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế mà chúng ta đang coi là nền kinh tế thị trường”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, chu kỳ 10 ngày là phù hợp với chu kỳ hạch toán của các doanh nghiệp, đặc biệt phù hợp với chu kỳ lấy giá CPI của ngành thống kê.
Lượng xăng dầu dự trữ quốc gia, dự trữ thương mại là bao nhiêu?
Trong hai câu hỏi do ĐB Trình Lâm Sinh (đoàn An Giang) nêu, đáng chú ý là câu hỏi: Theo Nghị định 95/2021, thương nhân đầu mối xăng dầu phải đảm bảo mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các thương nhân xăng dầu đã thực hiện dự trữ theo quy định hay chưa?
Câu hỏi này được ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ ý. Ông Huệ cho hay quốc gia có dự trữ quốc gia về xăng dầu và lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng phải có dự trữ về lưu thông, ít nhất là 20 ngày.
“Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này có dự trữ đúng với quy định không, nhất là những doanh nghiệp này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia. Mà làm dự trữ quốc gia lại còn được hưởng ngân sách nhà nước để bảo quản” – ông Huệ nêu.
Theo ông Huệ, vấn đề Quỹ Bình ổn giá chỉ liên quan đến giá còn điều quan trọng nhất là nguồn cung. Không được để mất cân đối về nguồn cung xăng dầu này, phải đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, chứ không chỉ là vấn đề về bình ổn giá đâu. Không có xăng mà bán thì lúc ấy không chỉ nói đến giá đâu, mà sản xuất kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Đáng lưu ý, ông Huệ nêu thêm: “Các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì có phải chỉ có dự trữ quốc gia đâu! Anh không thể nói 1-2 ngày mất nguồn cung mà anh không có xăng bán được. Vậy đơn vị ấy dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật như thế nào?”
“Về việc các doanh nghiệp có dự trữ hay không, thì vẫn xăng dầu ấy, để ở kho ấy thì thật sự đây là một ‘ẩn số'” – Bộ trưởng Diên trả lời. “Chúng tôi nghĩ rằng nếu sớm có được cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối thì chắc chắn sẽ tốt. Chúng tôi sẵn sàng đề xuất để làm sao có được cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia bằng các tổng kho do Nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng các kho do doanh nghiệp quản lý, thì việc kiểm tra, kiểm soát và vận hành mới tốt”.
Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập trong phần trả lời nối tiếp. Ông này thừa nhận: “Thật ra chúng ta chưa tách dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Chính hiện nay cơ quan quản lý cũng không biết được là 33 thương nhân đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà đang thuộc gói quản lý không, cũng chưa khẳng định được.
Cho nên có lẽ đây cũng là một lỗ hổng cần được khắc phục bằng cách hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Quỹ Bình ổn lâu nay chúng ta tính bằng tiền, nhưng Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ xem thử tính bằng dự trữ hàng được không, để khi xảy ra việc thì cung ứng hàng ngay. Vì hiện nay ta mới trích được 300 đồng/lít [vào Quỹ Bình ổn]“.
Bộ Tài chính: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để sử dụng tiết kiệm
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) hỏi xăng dầu có giảm giá được hay không? Nhận xét cơ cấu tính giá xăng dầu có nhiều yếu tố phức tạp, có nhiều loại thuế mà cử tri cho rằng chưa hợp lý, ông Phương đặt câu hỏi với bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị làm rõ tại sao đây là mặt hàng thiết yếu lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Việc thu thuế bảo vệ môi trường thực chất đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hay chưa?
Bộ trưởng Phớc cho biết nguyên liệu đầu vào, không chỉ với xăng dầu mà nhiều mặt hàng như thép, hóa chất, dệt may…, Việt Nam đều phụ thuộc nước ngoài. Riêng mặt hàng xăng dầu là phải nhập, năm ngoái nhập gần 10 triệu tấn dầu thô, năm nay theo kế hoạch nhập 7,07 triệu tấn. Sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước, tại Nhà máy Nghi Sơn và Nhà máy Bình Sơn chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, còn lại 50% là nhập khẩu.
“Điều đó chứng tỏ ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Cho nên giá dầu thô thế giới tăng thì giá cơ sở của chúng ta tăng lên” – ông Phớc nói.
Nêu rõ thêm thông tin, ông Phớc cho biết theo tính toán khi xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng thì giá xăng trong nước gồm: giá cơ sở là 18.855 đồng/lít; thuế nhập khẩu 8%, tương đương 1.508 đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tương đương 2.036 đồng; chi phí định mức (chi phí vận chuyển từ biển vào cảng) 6%, tương đương 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; mức tích lũy cho Quỹ Bình ổn 300 đồng; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng; thuế GTVT 2.805 đồng.
Như vậy, khi giá dầu thô 130 USD/thùng thì giá cơ sở đã là 30.800 đồng/lít. Tỷ lệ thuế/giá xăng dầu chiếm 33,5%.
Ông Phớc cho rằng giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp, vì khi giá xăng 130 USD/thùng, ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, giảm thu ngân sách là 31.938 tỷ đồng.
“Khi giá dầu thô tăng lên thì nền kinh tế của chúng ta rất thiệt hại, càng tăng lên, sản xuất càng bị đình trệ. Nên sắp tới, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ các giải pháp, trước mắt là đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu và giảm thuế môi trường. Bởi vì giảm thuế môi trường thuộc thẩm quyền của Quốc hội cho nên sẽ nhanh hơn” – ông Phớc nói.
Trả lời câu hỏi tại sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt – ông Phớc nói thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, do nhà sản xuất xăng dầu hoặc nhà nhập khẩu phải nộp. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định việc đánh thuế này đối với các loại mặt hàng như thuốc lá, ô tô, xăng dầu… để sử dụng tiết kiệm.
Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng là bất hợp lýĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (đoàn Hà Nội) cho hay việc xem xét giảm thuế trong điều kiện hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả. Tuy nhiên, giảm sắc thuế nào thì đó lại là điều cần tính toán lại. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường, bà Mai cho rằng có ba điểm bất hợp lý. “Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường, vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý: đối tượng gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp, đối tượng gây ô nhiễm thấp thì có thể lại chịu thuế cao. Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, đã chịu thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng, nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu thuế. Điều này chưa phù hợp với nguyên tắc giá cả là đảm bảo lợi ích của các bên. Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia lựa chọn công cụ thuế để điều chỉnh giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Như Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, Ấn Độ, Thái Lan thì giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.” – bà Mai phân tích. Tuy nhiên, câu hỏi của bà Mai không được trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn. Khi bà Mai giơ bảng tranh luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị “gửi ý kiến tranh luận và bộ trưởng trả lời bằng văn bản”. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Quỹ bình ổn xăng dầu Dòng sự kiện giá xăng dầu thuế tiêu thụ đặc biệt thuế bảo vệ môi trường thuế phí