Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận như vậy khi trả lời đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) sau giờ nghỉ trưa.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu số liệu từ khảo sát của Tổng cục thuế cho thấy năm 2015, 63% hộ kinh doanh cho biết có “đi đêm” với cán bộ thuế.
“Đúng như là đại biểu nêu, năm 2015 qua khảo sát đánh giá là có 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế. Nhưng đến năm 2016 vừa qua, đã có đánh giá lại thêm một bước nữa thì còn 31%” – Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận. Ông Dũng cũng nói thêm chương trình đánh giá chỉ số hài lòng này do chính Bộ Tài chính giao Tổng cục thuế phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát để đánh giá.
Trước thông tin này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) – chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa – xin quyền tranh luận.
“Như Bộ trưởng nói là hộ kinh doanh cá thể có kinh doanh thu là 100 triệu trở lên thì có thuế khoán, chỉ tiêu đến năm 2020 chúng ta phải có 1 triệu doanh nghiệp. Chúng tôi được Thủ tướng giao nhiệm vụ là vận động hộ kinh doanh, chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu Bộ trưởng đặt ra vấn đề này thì sẽ gây ra một hệ lụy tức là người ta không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bởi khi trở thành doanh nghiệp thì người ta phải đóng chi phí và thuế là 24-26%, khi lên doanh nghiệp thì còn phải thực hiện các thủ tục, chứng từ, sổ sách nữa.
Như vậy liệu có thể đạt được 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 không?
Vấn đề thứ hai, Bộ trưởng nêu con số 63% doanh nghiệp thông đồng, đi đêm với cán bộ thuế. Đề nghị chứng minh rõ, bởi nếu không chứng minh rõ mà cứ nêu ra những con số như vậy thì làm mất niềm tin của người dân đối với cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ thuế”.
Trước đó, trả lời đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Bộ trưởng Dũng cho biết trong kế hoạch đầu tư công có 300.000 tỷ đồng từ vay nước ngoài nhưng số ký thêm sau lập kế hoạch mới được 4,1 tỷ. Nếu triển khai số này giải ngân tiếp sẽ vượt 300.000 tỷ đồng.
“Tinh thần chung vẫn còn dư địa ODA của giai đoạn 2017 chuyển sang. Luật ngân sách đã cho phép ngân sách địa phương đựơc bội chi nên sẽ chuyển mạnh hướng vay về cho vay lại theo từng mức, từng địa phương“, Bộ trưởng Dũng nói.
Trước thông tin do này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn: Trong tương lai nếu xảy ra khoản vay về cho vay lại không trả được nợ, đầu tư công không hiệu quả thì trách nhiệm của Bộ Tài chính thế nào?
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) cũng đề nghị được biết vai trò của Bộ Tài chính trong vay về cho vay lại, hiệu quả sử dụng số vay này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Ngân hàng phát triển và đơn vị cho vay lại phải chịu trách nhiệm chính, Bộ tài chính sẽ quản lý việc thu hồi vốn.
Trước chất vấn về lĩnh vực thuế của đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) về tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh không xuất hoá đơn khi bán hàng, thói quen mua hàng không lấy hoá đơn tạo kẽ hở gây thất thoát thuế, Bộ trưởng Dũng cho biết theo quy định hiện hành, bán hàng trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn. Dưới 200.000 đồng nếu người mua yêu cầu thì người bán vẫn phải xuất hóa đơn. Nếu người bán không xuất hoặc thu thêm 10% là người bán hàng sai quy định.
Đáng chú ý, vào cuối phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Tài chính cho hay bức tranh thuế tốt, nhưng thất thu thuế những khu đất vàng, kinh doanh qua mạng Facebook, Uber, Grab…
Sang phiên chất vấn buổi chiều, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?” trước tình trạng quản lý thuế, tham nhũng thuế và chống tội phạm còn nhiều bất cập hiện nay.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tỏ quan điểm chưa hài lòng khi tại kỳ họp trước đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề thử nghiệm Uber, Grab song câu trả lời chỉ nhấn mạnh đến ưu thế về ứng dụng công nghệ và phục vụ khách hàng.
Theo ông Quốc, lần này muốn tiếp cận từ góc độ nguồn thu đối với “một loại hình có thể nói là phát triển vô độ, chiếm lĩnh một thị phần rất lớn nhưng đóng góp vào thuế rất thấp”. “Một doanh nghiệp đầu tư rất ít, lỗ rất nhiều, nợ thuế rất nhiều và bản thân chủ nước ngoài thì họ lĩnh đủ. Tất cả những hệ lụy còn lại để ở trong nước” – ông Quốc nhận định.
Ông Quốc cho hay vào thời điểm sắp kết thúc thử nghiệm, thì có tiếp tục kéo dài tình trạng này hay không.
Tại câu hỏi thứ hai, đại biểu Dương Trung Quốc dẫn câu hỏi “do một cử tri lão thành, từng là một quan chức cao cấp trong ngành kinh tế: Bộ trưởng làm gì và làm thế nào để thoát khỏi tình trạng thu ngân sách nhà nước không đủ chi thường xuyên và trả nợ gốc và trả nợ lãi vay, hoàn toàn không có tích lũy? Có nên tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ không khi mà 10 tháng mới giải ngân được 8% và ngân sách phải trả lãi từng ngày?”
Phiên chất vấn sáng nay gần như xoay quanh vấn đề quản lý nợ công. Nhiều đại biểu tỏ ra chưa hài lòng khi các câu hỏi nêu ra lại được trả lời một cách quá chung chung, tránh vấn đề. Câu nói “giải pháp cụ thể” về vấn đề nợ công được lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ sáng đến phiên chiều. Với lý do không có nhiều thời gian, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Tài chính giải trình bằng văn bản.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) khi chất vấn về vấn đề nợ thuế sáng nay đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Nếu có giải pháp mới đột phá thì hãy trả lời, còn nếu không thì không trả lời cũng được”. Trả lời phỏng vấn bên hành lang, đại biểu Hữu Cầu cho biết chưa hài lòng đối với câu trả lời của Bộ trưởng.
“Tất cả những giải pháp mà Bộ trưởng đã đưa ra kể cả trong văn bản và trong nghị trường của Quốc hội thì chúng ta đã nói rất lâu rồi, vấn đề ở đây là tôi muốn có những giải pháp rất mới mang tính táo bạo và đột phá nhưng Bộ trưởng thì vẫn chưa đưa ra được”, ông Cầu cho hay.
Chân Hồ – Thiện Nhân (ghi)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…